Nhiều phương pháp do cô Hà sáng tạo đã tạo được những hiệu quả tích cực, ảnh hưởng lớn tới các thế hệ HS của nhà trường.
Lan tỏa tình yêu với sách
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, năm 1990, cô Nguyễn Thị Thu Hà về công tác tại Trường THPT Tử Đà. Gắn bó với ngôi trường này từ những ngày đầu, cơ sở vật chất còn hạn chế rất nhiều, điều kiện dạy học cũng vì vậy mà gặp nhiều khó khăn, nhưng cô Hà chưa ngày nào hết yêu nghề. Cô xúc động nhớ lại: “Khi tôi mới về trường, trường chỉ có tổng cộng 5 lớp học. Thậm chí, có lớp chỉ có 11 HS. Là một giáo viên dạy Văn, khi thấy HS của mình thiếu thốn nhiều bề, đêm tôi trăn trở không ngủ nổi. Lúc ấy, lương không cao nhưng vì thương học trò, tôi tích cóp lại để mua tặng sách cho các em có hoàn cảnh khó khăn...”.
Tính đến nay, cô Hà đã gắn bó với THPT Tử Đà gần 30 năm. Trong suốt thời gian đó, cô vẫn luôn duy trì thói quen tặng sách cho HS. Đối với những em yêu môn Văn, có thành tích cao trong năm học, cô sẽ mua tặng các em những cuốn tiểu thuyết kinh điển, những tác phẩm Nobel Văn học... để khuyến khích tinh thần đọc cho học trò của mình. Đôi khi, cô tới tận hiệu sách tìm mua những cuốn sách tạo động lực để tặng cho những em chưa có mục tiêu trong cuộc đời. Giá trị những cuốn sách không lớn, nhưng bài học mà các em nhận được từ sách thì không nhỏ.
Không chỉ vậy, để lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc tới nhiều HS hơn, với vai trò là Tổ trưởng Tổ Văn - Ngoại ngữ, hằng năm, cô Hà kết hợp với Đoàn trường để tổ chức cuộc thi giới thiệu về sách. Theo cô Hà, sau khi các em tự giới thiệu về cuốn sách yêu thích của mình, chính các em cũng có thêm kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng giao tiếp...
Tâm huyết đổi mới, sáng tạo trong dạy học
Hưởng ứng Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cô Hà luôn chủ động tìm tòi, sáng tạo phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, cô luôn chỉ đạo Tổ Văn - Ngoại ngữ phải đi đầu trong công tác sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, thường xuyên tổ chức các lớp học minh họa, cho giáo viên dự giờ và phân tích giờ học... Thông qua các hoạt động đó, các giáo viên bộ môn sẽ thảo luận, tiếp thu được những phương pháp dạy học tiên tiến, hiệu quả để giờ học trở nên thu hút hơn.
Ngoài ra, để HS hiểu hơn về văn học, cô Hà thường xuyên tổ chức các chuyên đề ngoại khóa. Mỗi năm, HS sẽ tham gia vào những chương trình ngoại khóa với chủ đề khác nhau: Hình ảnh người lính trong văn học, hình ảnh người phụ nữ trong thơ, vẻ đẹp của mùa xuân đất nước... HS sẽ tham gia phân tích những chủ đề đó theo vốn kiến thức của mình. HS cũng có cơ hội thể hiện tài năng sáng tác của mình qua mỗi đợt thi sáng tác mà Tổ Văn đề ra.
Nhiều khi, chính cô Hà cũng bất ngờ trước khả năng sáng tác của học trò: “Văn thơ của các em không mang nhiều tính nghệ thuật, nhưng lại rất chân thật và cảm động. Có khi, các em viết về Một nửa yêu thương, bộc lộ tình cảm với cha mẹ, ông bà mà khiến tôi không cầm được nước mắt. Cũng có lúc, các em bày tỏ quan điểm về bạo lực trẻ em đầy thuyết phục mà tôi cũng không ngờ...”.
Tâm huyết với nghề và không ngừng sáng tạo, cô Hà đã dìu dắt nhiều thế hệ HS tới bến bờ thành công. Bằng sự kiên trì của một người lái đò, cô Hà đã bồi dưỡng cho nhiều em được giải cao trong các kỳ thi HS giỏi môn Văn các cấp, góp phần khẳng định vị thế của Trường THPT Tử Đà.