Một môn học thường được xem là phụ, nhưng với cô giáo đam mê nghề nghiệp, yêu thích công việc của mình thì không còn khái niệm phụ hay chính, có lẽ đây là niềm tin để mỗi giờ lên lớp của cô Thúy đều được học sinh mong đợi. Phần thưởng “Giáo viên tích cực” trong sân chơi Giờ lập trình và Giao lưu sản phẩm Công nghệ thông tin năm 2017 là niềm vui lớn đối với cô.
Tình yêu với nghề giáo
Được theo học sư phạm và trở thành cô giáo là ước mơ từ nhỏ của cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thúy. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thúy nộp hồ sơ dự thi vào khoa Tin học, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh.
Tốt nghiệp ra trường, Thúy lại tiếp tục theo học công nghệ thông tin ở Đại học Thái Nguyên, trải qua dạy hợp đồng tại Trường THCS Tràng An, rồi Trường THCS Việt Dân, đến năm học 2017 - 2018, cô được điều chuyển về công tác tại Trường THCS Nguyễn Huệ - một ngôi trường chuẩn quốc gia mới được xây dựng cần những cô giáo tài năng và tâm huyết như cô. Cô Thúy luôn xác định cho mình, cho dù môn Tin học chỉ là một môn trong hoạt động ngoài giờ chính khóa của nhà trường, nhưng đừng vì vậy mà vơi đi những nhiệt huyết với nghề.
Niềm tin yêu nghề giáo cùng với môn Tin học là hành trang để cô giáo Thúy trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là những kiến thức về Tin học để truyền dạy cho học sinh. Cô giáo Thúy luôn được Phòng GD&ĐT trưng dụng để tham gia bồi dưỡng Tin học cho học sinh để các em tham gia các hội thi như Tin học trẻ cấp thị xã, cấp tỉnh. Nhiều em đã đạt được giải thưởng cao ở cấp tỉnh và cấp thị xã.
Nhận xét về giáo viên của mình, cô Nguyễn Thị Kim Mai – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ - cho biết: “Cô giáo Thúy là giáo viên trẻ say mê với nghề. Cô giáo không chỉ truyền cảm hứng cho học sinh mà cho cả nhà trường. Việc mới đây Trường THCS Nguyễn Huệ được nhận giấy chứng nhận đã tham gia sân chơi giờ lập trình, riêng cô giáo Thúy được nhận giải thưởng giáo viên tích cực trong “Sân chơi Giờ lập trình và Giao lưu sản phẩm Công nghệ thông tin” năm 2017 – là ghi nhận đóng góp rất lớn của cô giáo”.
Truyền đạt kiến thức bằng trực quan sinh động
Cô Thúy nhớ lại: “Năm học 2017 - 2018, tôi được Phòng GD&ĐT thị xã cử đi tập huấn, tiếp cận với dự án YouthSparka Digital Inclusion. Tôi trăn trở về việc thực hiện dự án như thế nào đối với học sinh trường mình cho phù hợp. Đây là dự án nhằm “Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển – giai đoạn 2” được tổ chức nhằm khuyến khích và tạo động lực cho học sinh học khoa học máy tính và CNTT. Từ những kiến thức thu nhận được, về trường, tôi triển khai thử nghiệm ở một số lớp. Nhận thấy học sinh say mê, hứng thú tôi mở rộng tới toàn thể học sinh trong trường”.
Cô Thúy cho biết thêm: Vì là năm đầu tiên học sinh được tiếp cận dự án nên cô lựa chọn một số modul trong các chủ đề để cho học sinh làm quen và tiếp cận dần, phản hồi của học sinh là rất thích thú.
Từ thực tế lên lớp, cô Thúy cho rằng: Với môn Tin học, việc ứng dụng hiệu quả CNTT là rất cần thiết. Thế nên, mỗi giáo viên khi truyền đạt kiến thức cho học sinh bằng trực quan sinh động, cụ thể ở đây là tăng cường thực hành, hạn chế lí thuyết, để học sinh có thời gian thực hành nhiều hơn sẽ giúp học sinh nhớ kiến thức lâu hơn.