Cô giáo… dì Thương

GD&TĐ - Tôi được sinh ra bởi một người mẹ và được nuôi lớn bởi dòng sữa của một người khác. Cảm giác từ tình thương của mẹ ruột, tôi không có diễm phúc cảm nhận được. Tôi mất mẹ, chúng tôi còn chưa kịp nhìn thấy nhau.

Cô giáo… dì Thương

Tôi lớn lên bằng dòng sữa của một người phụ nữ hàng xóm, lúc đó bà ấy vừa vặn có con nhỏ nên cưu mang tôi. Tôi gọi bà ấy là dì Thương. Dì Thương là một cô giáo tiểu học. Nhà dì sát cạnh nhà tôi, một ngôi nhà nhỏ với tầng gác có cái ban công leo đầy hoa giấy. Giàn hoa giấy điểm xuyến trắng hồng đã in sâu trong kí ức tôi một thời thơ dại.

Cuộc sống của dì không mấy dư giả, chồng dì sửa xe bên vỉa hè, tiền kiếm được mỗi ngày chẳng bao nhiêu, chi tiêu trong nhà chủ yếu dựa vào đồng lương giáo viên ít ỏi.

Thời gian tôi ở nhà dì còn nhiều hơn thời gian ở nhà mình. Sáng sớm bố dẫn tôi sang gửi, tối đến khi ông đi làm về thì đón tôi. Dì bận đi dạy, tôi cùng hai đứa con dì ở nhà chơi với nhau, người anh lớn hơn tôi 8 tuổi, người em gái bằng tuổi tôi. Tôi bò quanh nhà, lấy đồ đạc nghịch phá, anh lớn phải lấy mấy thanh gỗ quây lại rồi thả hai đứa em vào đó không cho bò lung tung. Dì Thương là người chăm sóc tôi, thay mẹ tôi đảm nhận vai trò, từ đút ăn, tắm rửa đến ấp ngủ.

Đến tuổi đi học, tôi và con gái dì cùng vào lớp Một, tôi học lớp dì chủ nhiệm. Mỗi khi lên lớp học, tôi không được phép gọi “dì” mà phải gọi “cô”. Ban đầu có hơi khó vì đã quen miệng, thỉnh thoảng lên đọc bài vẫn quên “dạ thưa dì”, các bạn cười mới hấp tấp chữa lại “dạ thưa cô”.

Từ khi đi học, tôi mới biết được hình ảnh khác của dì Thương - một cô giáo duyên dáng và tỏa sáng trên bục

giảng. Từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt, cả sự ân cần dành cho học sinh; dì trở thành thần tượng của tôi từ đó. Dì bảo tôi sau này hãy gọi “cô” khi ở nhà luôn cũng được, để không bị nhầm khi lên lớp nữa, vì thế mà dần dần tôi cũng quen với cách xưng hô mới: “Cô Thương”.

Mỗi sáng tôi đều đi học chung với mẹ con cô. Tôi thấp bé nên được ngồi giữa, trên chiếc xe máy cũ, vòng tay qua eo cô ôm chặt. Khi được các bạn cùng lớp nhìn từ xa với ánh mắt ganh tị, tôi hãnh diện và phấn khích lắm, cô vốn chiếm được rất nhiều tình cảm của lũ trẻ chúng tôi mà. Tối đến, tôi sang nhà cô học bài cùng con cô, không hiểu chỗ nào thì nhờ cô giảng giúp. Trên gác nhỏ, một người mẹ, người cô cùng hai đứa trò nhỏ, con nhỏ miệt mài; tiếng tập đọc ê a, giọng ôn tồn giảng giải. Ngoài kia trăng sáng trời, soi tỏ giàn hoa giấy đung đưa.

Tưởng mọi thứ sẽ êm đềm trôi qua, cho đến khi ngôi nhà nhỏ của cô bắt đầu xuất hiện tiếng chửi rủa của tiếng đổ vỡ. Chồng cô uống rượu say rồi về nhà làm ầm lên, tần suất ngày càng dày hơn, dần dần trở thành “nếp”, đêm nào cũng vậy…

Bố tôi không gửi tôi sang nhà cô thường xuyên nữa. Tôi đã có thể ở nhà một mình đợi bố về, chỉ có duy nhất một đêm nọ khi bố tôi phải đi trực, tôi sang nhà cô ngủ lại một lần. Đêm lặng gió, không trăng sao, hoa giấy bất động trong đêm tối. Anh lớn ngủ trên gác, tôi cùng hai mẹ con cô nằm trên chiếc giường gỗ nhỏ cạnh cửa ra vào, chồng cô đã say mèm nằm gục trên chiếc giường xếp sau một hồi ầm ĩ, miệng vẫn lầm bầm mắng nhiếc. Tối đó, tôi không dám ngủ, tôi sợ người say, sợ những cãi vã và đổ vỡ, tôi cứ thấp thỏm thiu thiu dần.

Năm học trôi qua, tôi không còn là học sinh lớp cô chủ nhiệm nữa, trong lòng có phần tiếc nuối. Nhưng việc đó còn không đáng buồn bằng việc mùa hè đó, chúng tôi chuyển nhà. Bố tôi chuyển công tác đến thành phố khác, thế là tôi phải theo ông. Ngày lên xe, tôi cứ bần thần nhìn giàn hoa giấy. Cô xoa đầu tôi, tặng tôi chiếc móc khóa treo bông hoa giấy được đan tỉ mỉ bằng len, một cánh trắng xen kẽ một cánh hồng.

Tôi òa khóc, cô mỉm cười đưa tay lau nước mắt trên khuôn mặt mếu máo, an ủi: “Không sao, cô ở đây chứ có đi đâu đâu nào, lúc nào Len đến thăm cô chả được!”. Bố tôi cười cảm ơn cô thời gian qua đã chăm sóc tôi, sau đó hai bố con lên xe. Chiếc xe lăn bánh, bỏ lại ngôi nhà với căn gác rợp hoa giấy, bỏ lại cả một bầu trời kí ức ngày thơ dại...

Những ngày đầu ở thành phố mới, đêm nào tôi cũng khóc đòi bố chở về nhà cũ. Nhưng rồi cũng qua, tôi có bạn mới, học với những thầy cô mới... Những cuộc điện thoại giữa hai cô trò từ mỗi ngày một lần đến một tuần một lần, sau đó thưa hơn và dứt hẳn. Chiếc móc khóa hoa giấy đeo bên cặp đã cũ, cuối cùng lặng lẽ yên vị trong ngăn bàn. Tôi không còn nhớ nhung da diết chốn cũ nữa. Bố bận rộn với công việc, tôi học ngày càng nhiều, chúng tôi quay cuồng trong vòng xoay tất bật đó, kí ức năm xưa cũng chỉ còn là kỉ niệm.

3 năm trôi qua, một hôm bố tôi sau khi nghe điện thoại bỗng trở nên trầm buồn. Cuối tuần đó hai bố con trở về thành phố cũ. Chúng tôi không đến thăm xóm mà đến bệnh viện, trên đường bố kể rằng cô Thương bệnh nặng, vừa phẫu thuật xong. Lòng tôi nhói lên cảm giác khó tả, vừa là xót thương, vừa như hối hận. Cô gầy yếu, tóc pha sương, cô hao mòn đi nhiều quá. Cô mắc bệnh ung thư vú phải cắt bỏ một bên, vừa bị đau tai phải mổ, vốn sức khỏe đã yếu, nay trải qua nhiều lần mổ xẻ nên sức cùng lực kiệt. Chúng tôi trò chuyện cùng cô, cô không ngồi được, cũng không nói to được, chỉ nằm yên và thều thào hỏi han tôi, vuốt tóc tôi.

Khi hay tin cô mất, tôi không khóc, trong lòng cuộn trào thứ cảm giác khó chịu, có lẽ là thống khổ, có lẽ là bi thương. Cứ như bị ai cướp mất một phần quá khứ, tôi muốn trách mắng, muốn uất hận kẻ đã cướp mất cô, nhưng trách sao được số phận, hận sao được ý trời.

Đứa trẻ 10 tuổi đứng trước căn nhà có ban công leo đầy hoa giấy treo biển “nhà bán”. Anh lớn đi xa học đại học, chồng cô cùng con gái về sống với nội. Hoa úa tàn, không còn phân biệt được hai màu nữa, một mảng nâu xám xịt. Lòng tôi cũng chằng chịt hỗn độn như mớ dây queo quắt kia…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ