Đó là làng Húng, xã Giao Thiện (Lang Chánh, Thanh Hóa) của đồng bào dân tộc Thái. Giữa mây ngàn gió núi, hơi ấm của sự đổi thay đang dần len lỏi, mang theo hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.
Quả ngọt đầu mùa
Hành trình đến với làng Húng tựa như một chuyến đi vào cõi mơ. Từ trung tâm xã Giao Thiện, con đường rải nhựa uốn lượn qua những triền dốc quanh co, hai bên là vách núi dựng đứng và rừng già âm u.
Ông Phạm Văn Thái - Bí thư Đảng ủy xã, người dẫn đường cho chúng tôi, kể rằng, chỉ vài năm trước, hành trình 10km ấy là nỗi ám ảnh với người dân nơi đây: “Người vững tay lái nhất cũng mất gần 2 giờ đồng hồ, đường đất lởm chởm, mùa mưa trơn như đổ mỡ”. Giờ đây, xe máy lướt nhẹ trên con đường nhựa mới, xuyên qua làn sương trắng mỏng, chỉ khoảng 30 phút đã chạm đến “trái tim” của làng Húng.
Cái lạnh 13°C cùng mưa phùn se sắt đón chúng tôi tại điểm trường làng. Những em bé áo chùng thổ cẩm, má hồng lấm tấm giọt mưa, ngồi co ro trong lớp học khang trang. Khung cảnh ấy khiến tôi chợt nhớ lời ông Lê Xuân Hiệp - Trưởng làng Húng: “Ngày trước, trường tạm bợ lắm! Tranh tre nứa lá, mưa dột ướt cả sách vở.
Nhiều đứa trẻ phải nghỉ học vì cha mẹ không đủ tiền mua dầu thắp đèn”. Giờ đây, ngôi trường mới xây vững chãi, ánh điện lưới quốc gia thắp sáng từng trang vở - điều mà bà con nơi đây chỉ dám mơ ước trước năm 2023.
Làng Húng hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh thủy mặc: 113 nóc nhà thấp thoáng trong sương, khói bếp lan tỏa mùi ngô nướng. Hướng mắt về phía đỉnh núi Bù Rinh cao vời vợi, ông Hiệp cất giọng trầm ngâm: “Các chương trình 134, 135, 30a của Nhà nước như cơn mưa giữa hạn. Bà con được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nhưng núi cao đất hẹp, làm ăn vẫn chật vật”.
Điện về bản, đường thông thoáng cũng muộn, nhưng chính sự “muộn màng” ấy đã mang đến sự đổi thay kỳ diệu. Những ngôi nhà gỗ nay có tivi, trẻ em không còn học bài dưới ánh đèn dầu leo lét, và con chữ bắt đầu “nở hoa” bên triền núi.
Trong căn phòng học ấm áp, cô giáo trẻ Lương Thị Hằng đang cầm tay học trò của mình nắn nót từng nét chữ. Ở một lớp khác, tiếng đọc bài của lũ trẻ vang lên trong veo. Em Vi Lê Thảo Liên (lớp 4C), ngước đôi mắt đen nhánh, cất giọng nhỏ nhẹ: “Con thích đi học lắm! Ước mơ của con sau này làm cô giáo để dạy các em nhỏ trong làng”.
Ước mơ giản dị ấy là quả ngọt đầu mùa của những nỗ lực không ngừng. Từ chỗ “trường tạm”, “lớp tranh”, giờ đây, tỷ lệ trẻ đến trường ở làng Húng đã đạt 100%. Những đứa trẻ người Thái nơi đây không còn phải chôn chân trên nương rẫy, thay vào đó, hành trang của chúng là cặp sách, bút chì và khát vọng thoát nghèo bằng tri thức...
Cùng lên làng Húng hôm ấy có cô Trịnh Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giao Thiện. Lúc dẫn chúng tôi đi thăm các lớp học, cô Liên bảo rằng, để có được điểm trường khang trang như hiện nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự góp sức rất lớn của bà con dân làng.
Theo cô Liên, Trường Tiểu học Giao Thiện có 2 điểm lẻ, 1 điểm chính, gồm: điểm làng Húng; làng Khụ và khu Poọng. Nhà trường có 462 học sinh, thì có tới 232 em thuộc diện hộ nghèo.
Tại điểm trường làng Húng có 37 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5). Do số học sinh không đủ theo quy định, nên nhà trường phải tổ chức 2 lớp ghép, gồm: lớp 1 - 2 và lớp 3 - 4. “Khu lẻ này được bố trí 3 giáo viên, trong đó có 1 cô giáo người ở bản khác lên làng Húng xây dựng gia đình và dạy ở đây. Hai cô giáo nữa đều ở xã Giao Thiện, nên hằng ngày các cô đi buổi lên trường, vì đường giao thông bây giờ đã thuận lợi”, cô Trịnh Thị Liên thông tin.
Trong lúc trò chuyện, nữ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giao Thiện bộc bạch rằng, do làng Húng cách xa trung tâm xã, nên mỗi lần nhà trường có sự kiện gì, đều rất vất vả cho giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh.
“Từ làng Húng xuống trường chính xa gần chục km đường dốc cao, quanh co, nên rất bất tiện cho mỗi lần đưa học trò về điểm trường chính. Muốn đưa học sinh về trường, các cô giáo ở đây phải đi vận động phụ huynh các con chở xuống bằng xe máy”, cô Liên chia sẻ và cho biết thêm, thậm chí có những học sinh ở làng Húng đã lên lớp 5 rồi, mà chưa được đến điểm trường chính một lần.
Chúng tôi ghé thăm khu lẻ Mầm non làng Húng, đó là điểm trường mới được xây dựng khang trang do một tổ chức từ thiện tài trợ. Ở điểm trường này có 3 phòng học kiên cố lợp mái tôn đỏ tươi.
Hơn 30 trẻ đang được các cô giáo cho ra sân trường vui chơi trên xích đu, cầu trượt vô cùng thích thú. Cô Trần Thị Huệ - Trưởng khu Mầm non làng Húng cho biết, điểm trường do 5 cô giáo nuôi dạy, chăm sóc. Hằng ngày, trẻ đến lớp được các cô tổ chức nuôi ăn bán trú, với mức 16.000 đồng/ngày/trẻ.
Trong đó, 18 bé được dự án “Bữa cơm vùng cao” là Tổ chức thiện nguyện hỗ trợ 7.200 đồng/trẻ/ngày, và Tổ chức từ thiện “Bữa cơm nuôi em” hỗ trợ cho 19 bé, với mức 6.800 đồng/trẻ/ngày. Ngoài ra, phụ huynh đóng góp một phần tiền, hỗ trợ thêm gạo để các cô lo bữa ăn chính, 1 bữa phụ vào buổi chiều.
“Điểm trường có một cô giáo nhà ở thị trấn Lang Chánh, nhà cách xa trường gần 30km. Hằng ngày, cô ấy đi đến trường và mua theo thực phẩm mang lên, nên chất lượng, giá cả tốt hơn do trên này mọi thứ đều rất đắt đỏ”, cô Trần Thị Huệ chia sẻ và cho biết, điều kiện trang thiết bị, đồ dùng học tập ở điểm trường này đã cơ bản được đáp ứng cho công tác nuôi dạy, chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, các cô giáo còn chủ động làm thêm những đồ dùng, dụng cụ thủ công để phục vụ nhóm trẻ trong giờ chơi.
“Điều may mắn và hạnh phúc đối với chị em chúng tôi là các bé rất ngoan ngoãn, chăm chỉ đến lớp. Bà con dân bản quý mến các cô giáo. Không những thế, mặc dù ở bản xa xôi, heo hút nhưng giáo viên nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ xã đến huyện, nên chị em thường bảo ban nhau hãy cùng cố gắng để gieo mầm xanh ở mảnh đất này”, cô Trần Thị Huệ bộc bạch.

Làng Húng đang đổi thay
Khi lên làng Húng, nghe Trưởng làng Lê Xuân Hiệp thống kê số lượng con trẻ đang theo học ở các nhà trường và có người đã trở thành nhà giáo, chúng tôi càng cảm phục ý chí vượt khó của đồng bào nơi đây.
“Tính đến thời điểm này, làng Húng đang có 3 cháu học THPT; 19 cháu học THCS, trong đó có 5 học sinh học Trường PTDTNT - THCS ở huyện. Đặc biệt, làng đã có 2 cô giáo mầm non. Thế nhưng, thực lòng, chúng tôi vẫn mong chờ có nhiều thanh niên của làng trở thành thầy, cô giáo để thay cho những nữ giáo viên ở xa mà phải lên đây cắm bản”, ông Lê Xuân Hiệp tâm sự.
Hai điểm trường (Mầm non và Tiểu học) của làng Húng chưa có giáo viên nam, mà chỉ có các cô giáo lên đây cắm bản. Cô Trương Thị Hân, Trưởng khu Tiểu học làng Húng là người ở xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đã công tác ở xã Giao Thiện 25 năm, giờ đây cô lại tiếp tục cắm bản tại điểm trường này.
Nữ nhà giáo nhớ lại, ngày trước, đường lên làng Húng rất khó khăn, không đi được xe máy, mà các cô phải leo bộ. Vì thế, nhà trường phân công luân chuyển mỗi người lên dạy ở làng Húng 1 năm, rồi lại về khu chính để cùng chia sẻ khó khăn.
“Giờ đây, điều kiện đã tốt hơn, có đường nhựa, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại nên chúng tôi đỡ vất vả hơn trước kia. Hơn nữa, mỗi khi đến điểm trường, nhìn thấy lũ học trò của mình ngoan ngoãn, lễ phép, chăm học là mình thấy rất hạnh phúc”, cô Hân tâm sự.

Bà Đinh Thị Hương - Chủ tịch UBND xã Giao Thiện cho biết, trong số các bản, làng của xã, thì làng Húng là nơi xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất. Mặc dù vậy, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ưu tiên các chế độ, chính sách... nên bà con làng Húng đã có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống và đang hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Nếu so sánh với những nơi khác, người dân làng Húng vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng không vì thế mà họ lơ đễnh đến việc học hành của con cái. Số lượng trẻ em của làng ra mẫu giáo đúng độ tuổi ngày càng nhiều; học sinh các cấp học của làng Húng cũng thuộc diện đông nhất, nhì so với một số bản ở địa phương.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, xã Giao Thiện là địa phương đang có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện cao nhất nhì trong huyện; riêng làng Húng lại có địa hình phức tạp, cách xa trung tâm huyện, xã khiến nhiều thứ đang chậm phát triển. Tuy nhiên, điều đáng mừng là việc học tập của các cháu trong bản đang ngày càng được người dân quan tâm.
Cô Trương Thị Hân - Trưởng khu lẻ làng Húng (Trường Tiểu học Giao Thiện) cho biết: Có những hôm sương mù giăng kín mít, cách nhau vài ba mét đã không nhìn rõ mặt người, nên việc đi lên trường của các cô giáo còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vào mùa này, khoảng 9 - 10 giờ sáng sương mới tan, vì thế chúng tôi phải bố trí thời gian cho học sinh đến lớp và tan học phù hợp, tránh những rủi ro đáng tiếc.