'Cô gái vàng' trên đường đua xanh

GD&TĐ - Sau khi Ánh Viên giã từ đội tuyển quốc gia, niềm hy vọng của bơi nữ Việt Nam đặt lên vai Lê Thị Mỹ Thảo và Phạm Thị Vân.

Võ Thị Mỹ Tiên trên đường đua nội dung 1.500m tự do nữ SEA Games 31.
Võ Thị Mỹ Tiên trên đường đua nội dung 1.500m tự do nữ SEA Games 31.

Kình ngư 17 tuổi Võ Thị Mỹ Tiên mới là gương mặt trẻ xuất sắc nhất hiện nay.

Không ngừng tiến bộ

Bộ sưu tập huy chương của Mỹ Tiên.

Bộ sưu tập huy chương của Mỹ Tiên.

Trong danh sách đầu tư trọng điểm mới đây của thể thao Việt Nam, Mỹ Tiên chưa lọt vào diện chăm sóc đặc biệt. 8 gương mặt mũi nhọn, gồm các tuyển thủ đã giành được thành tích tốt trong những năm qua như Huy Hoàng, Thanh Bảo, Hưng Nguyên, Kim Sơn, Quý Phước, Quang Thuấn (em trai Ánh Viên) và 2 gương mặt trẻ Thúy Hiền và Quỳnh Như. Nhóm này đã lên đường tập huấn kéo dài 2 tháng tại Hungary. Đấu trường SEA Games 32 là đích nhắm đầu tiên của nhóm chủ lực, tuy nhiên xa hơn, ngành Thể thao Việt Nam vẫn đang kỳ vọng vào kết quả ở Asiad 19 và vòng loại Olympic Paris.

Võ Thị Mỹ Tiên làm dậy sóng giải bơi vô địch quốc gia 2023 bể 25m, diễn ra tại Thừa Thiên - Huế vào trung tuần tháng 3 này. Trong ngày thi đấu cuối cùng, kình ngư 17 tuổi giành “hat-trick” Huy chương Vàng các nội dung cá nhân 200m ế́ch, 200m tự do và 200m bướm. Toàn giải, Mỹ Tiên giành cả 9 Huy chương Vàng cá nhân, giúp Long An bất ngờ cán đích ở vị trí nhì toàn đoàn.

Tại giải này năm ngoái, Ánh Viên thể hiện “quyền năng” khi giành đến 21 Huy chương Vàng (16 cá nhân, 5 đồng đội). Tổng số Huy chương Vàng của siêu kình ngư đoàn Quân đội hơn 3 Huy chương Vàng so với 12 đoàn cộng lại.

Năm nay, Ánh Viên không tham dự. Điều đó tạo cơ hội cho các gương mặt trẻ thể hiện và Mỹ Tiên đứng đầu số Huy chương Vàng cá nhân. Phương Trâm của TPHCM đoạt 10 Huy chương Vàng, nhưng trong đó chỉ có 4 Huy chương Vàng cá nhân.

Đến lúc này, hiếm có vận động viên nào của Long An ở độ tuổi 17 lại sở hữu bộ sưu tập huy chương nhiều như Võ Thị Mỹ Tiên, đồng thời sở hữu tố chất có thể vươn tới những đỉnh cao trong màu áo đội tuyển bơi quốc gia.

10 tuổi, năng khiếu bơi lội của nữ vận động viên sinh năm 2006 được các thầy Trường Năng khiếu Thể dục Thể thao Long An phát hiện trong một lần tuyển chọn vận động viên cho các đội tuyển trẻ.

Chỉ sau 2 năm tập luyện, Mỹ Tiên gây ấn tượng khi giành 2 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng tại giải bơi vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á năm 2019. Thành tích quá ấn tượng đó đã đưa kình ngư quê Long An đến SEA Games 30 khi cô chưa tròn 14 tuổi.

Tuy nhiên, việc Mỹ Tiên có mặt tại Philippines giống như hành động ươm mầm tài năng để cô gái trẻ này hướng đến cái đích cao hơn trong tương lai chứ không phải mục tiêu giành huy chương ở kỳ đại hội năm 2019.

Quả thật, cú hích mang tên SEA Games 2019 đã thôi thúc Mỹ Tiên tập luyện, khát khao cống hiến để rồi 1 năm sau, tại giải bơi các nhóm tuổi quốc gia, cô đã xuất sắc giành Huy chương Vàng cự ly 400m tự do nữ với thành tích 5 phút 00 giây 60, đồng thời xô đổ kỷ lục của đàn chị Nguyễn Thị Ánh Viên đã nắm giữ suốt 9 năm trước (5 phút 1 giây 45 được Ánh Viên lập vào tháng 5/2011).

Cũng năm 2020, Mỹ Tiên thêm một lần phá tiếp kỷ lục của Ánh Viên, lần này ở nội dung 200m hỗn hợp độ tuổi 14 - 15 giải bơi lặn vô địch trẻ quốc gia. Với thành tích 2 phút 21 giây 67, kình ngư quê Long An đã vượt qua kỷ lục cũ là 2 phút 22 giây 05 được Ánh Viên xác lập hồi tháng 6/2011.

Năm 2022 mở đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp thi đấu của Mỹ Tiên. Tại giải bơi lội vô địch quốc gia bể 25m, Mỹ Tiên giành 1 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng cá nhân; 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tiếp sức.

Đến giải bơi vô địch trẻ quốc gia được tổ chức tại TPHCM, Mỹ Tiên xuất sắc giành 10 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng cá nhân, phá 1 kỷ lục lứa tuổi ở cự ly 800m tự do nữ cùng 3 tấm Huy chương Bạc tiếp sức.

Thành tích đặc biệt trong năm 2022 của Mỹ Tiên chính là những tấm huy chương cô giành được đầy bất ngờ tại SEA Games 31. Trong lần thứ 2 tham dự đấu trường khu vực và trước những đối thủ rất mạnh, nhưng tuyển thủ trẻ Việt Nam bất ngờ giành 2 Huy chương Bạc (800m tự do, 1.500m tự do) và 1 Huy chương Đồng (400m tự do).

Ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, diễn ra vào cuối năm 2022, Mỹ Tiên giành 4 Huy chương Vàng cho đoàn thể thao Long An. Trong đó, có 3 Huy chương Vàng cá nhân và 1 Huy chương Vàng tiếp sức.

Chia sẻ với báo chí khi nói về Mỹ Tiên, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Long An Phạm Văn Chương cho biết: Trong số các vận động viên thành tích cao của tỉnh, Mỹ Tiên là một trong số gương mặt xuất sắc nhất.

Em cũng là vận động viên chủ lực mang về các tấm huy chương cho thể thao Long An. Chúng tôi tin rằng, với sự đầu tư bài bản và những nỗ lực không ngừng, Mỹ Tiên sẽ còn phát triển và tiến xa hơn nữa để mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam cũng như Long An.

Mỹ Tiên cho biết: Đến giờ em cũng bất ngờ về thành tích tại SEA Games 31. Em chỉ nghĩ sẽ quyết tâm thi đấu hết mình để vượt qua thành tích của bản thân.

Xuống bể bơi là em cố gắng bơi hết sức nên cũng khá bất ngờ với thành tích đạt được. Đây cũng là dấu ấn đầu tiên của em tại đấu trường SEA Games. Hy vọng một ngày không xa, em sẽ gặt hái được thêm thành công như thần tượng của mình là chị Nguyễn Thị Ánh Viên.

Bài học từ Ánh Viên

Mỹ Tiên (ngoài cùng bên trái) giành Huy chương Bạc SEA Games 31 nội dung 800m bơi tự do nữ với thành tích 8 phút 51 giây 73.

Mỹ Tiên (ngoài cùng bên trái) giành Huy chương Bạc SEA Games 31 nội dung 800m bơi tự do nữ với thành tích 8 phút 51 giây 73.

Tại SEA Games 31, đội tuyển bơi Việt Nam không có Ánh Viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi giành được 11 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng.

Với thành tích này, bơi lội Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (21 Huy chương Vàng) và bỏ xa Thái Lan (4 Huy chương Vàng). Đây cũng là số Huy chương Vàng nhiều nhất trong lịch sử các kỳ SEA Games mà đội tuyển bơi từng tham dự.

Tuy nhiên, 11 Huy chương Vàng đều đến từ các nội dung thi đấu của các kình ngư nam. Có vẻ như bài toán ai có thể thay thế Ánh Viên vẫn chưa có lời giải.

Thực tế, vào năm 2019, khi những vấn đề của Ánh Viên, từ thành tích đến kế hoạch huấn luyện được đặt ra, ngành Thể thao đã chuyển hướng cho mục tiêu “đãi cát, tìm Ánh Viên mới”.

Thể thao Việt Nam nói chung và bơi lội nói riêng cần tìm ra phương án để thỏa mãn 2 bài toán, giành 4 - 5 Huy chương Vàng mỗi kỳ SEA Games như Ánh Viên đạt được, và có năng lực cạnh tranh huy chương tầm châu lục, cụ thể là sân chơi ASIAD. Lê Thị Mỹ Thảo, Phạm Thị Vân, những gương mặt nữ tiềm năng của bơi Việt Nam đã được đầu tư đặc biệt. Nhưng cả hai vẫn chưa thể đáp ứng được sự kỳ vọng.

Mỹ Tiên gây bất ngờ trên đường đua xanh tại SEA Games 32. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ thành tích, thông số của nữ tuyển thủ Việt Nam còn khoảng cách rất lớn so với đối thủ giành Huy chương Vàng. Chẳng hạn như nội dung 800m tự do nữ, Mỹ Tiên giành Huy chương Vàng với thành tích 8 phút 51 giây 73, kém đến 9 giây so với nhà vô địch Gan Ching Hwee của Singapore (8 phút 42 giây 60). Vào thời điểm SEA Games 32, Mỹ Tiên chớm 17 tuổi thì Gan Ching Hwee mới 19 tuổi. Cả 2 còn có thể cải thiện thành tích của mình.

Tất nhiên, những màn trình diễn ấn tượng của Mỹ Tiên đã mang đến tín hiệu tích cực cho bơi lội Việt Nam. Cô mới 17 tuổi và được coi là phát hiện mới của bơi lội Việt Nam. Có nghĩa, cô gái quê Long An cho đến trước SEA Games 31 chưa nhận được bất cứ sự đầu tư đặc biệt nào mang tầm quốc gia của ngành Thể thao.

Mỹ Tiên giống như viên ngọc thô của bơi lội Việt Nam, cần được mài giũa cẩn thận, chỉn chu để có thể tỏa sáng lung linh, thậm chí viết tiếp giấc mơ dang dở của tiểu tiên cá Ánh Viên.

Nhưng đầu tư cho Mỹ Tiên như thế nào sẽ là bài toán không dễ được xác định rõ ràng. Tài năng trẻ người Long An sẽ được “biến hình” trở thành cỗ máy săn vàng SEA Games, hay hướng đến sân chơi cao hơn?

Thực tế, từ bài học của Ánh Viên, giành tới 25 Huy chương Vàng SEA Games nhưng “tiểu tiên cá” được coi là thất bại trong mục tiêu vươn tầm châu lục. Có nghĩa, chúng ta không thể đòi hỏi Mỹ Tiên vừa có thể gặt vàng SEA Games vừa có thể giành thành tích cao tại những sân chơi cao hơn như ASIAD, hay giành suất tham dự Olympic.

Là vận động viên đầu tiên của Việt Nam được đầu tư trọng điểm với số tiền lớn, Ánh Viên được cả Tổng cục TDTT và đoàn Quân đội chung tay góp sức vì giấc mơ Olympic. Nhưng những người có trách nhiệm lại quên đi rất nhiều trách nhiệm khác.

Họ đã phó mặc Ánh Viên cho người thầy “tai tiếng” Đặng Anh Tuấn trong chuyến tập huấn dài ngày trên đất Mỹ. Đến khi sự cố xảy ra, Ánh Viên trở thành nơi cho những người có trách nhiệm trút trách nhiệm, trong khi công việc hàng ngày của cô chỉ là ăn uống, tập luyện và thi đấu.

Theo bà Lê Thanh Huyền, phụ trách bộ môn bơi (Tổng cục TDTT), gần như chắc chắn các nội dung của môn bơi tại SEA Games 32 sẽ được Liên đoàn thể thao dưới nước (FINA) xét thành tích để tính chuẩn dự Olympic Paris (Pháp) 2024.

Trên trang chính thức của Ủy ban Olympic thế giới (IOC), các mức chuẩn Olympic của môn bơi trong các nội dung đã được công bố. Trong đó, chuẩn A Olympic của nội dung 800m tự do nữ là 8 phút 26 giây 71, trong khi thành tích của Mỹ Tiên tại SEA Games 31 là 8 phút 51 giây 73.

Rất khó cho Mỹ Tiên, gần như không thể vào lúc này trong cuộc đua đến Olympic, song tài năng trẻ Long An không giấu khát vọng đổi màu huy chương tại SEA Games 32.

Mặc dù vậy, nếu giành vàng trên đất Campuchia, Mỹ Tiên sẽ lọt vào danh sách được đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam. Cô gái quê Long An mới 17 tuổi và theo các chuyên gia, ở độ tuổi này, thành tích của Ánh Viên cũng chưa vượt trội so với Mỹ Tiên.

Và cũng cần nhắc lại, bài học từ Ánh Viên cho thấy nền tảng đào tạo bơi lội nữ của Việt Nam có vấn đề và làm gì để ngôi sao trẻ Mỹ Tiên sẽ không đi vào vết xe đổ này?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ