Luật sư Lê Văn Đài (Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội) trả lời:
Điều 167 Bộ Luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định việc sử dụng người lao động cao tuổi như sau: Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc giao kết HĐLĐ mới theo quy định.
Điều 36 BLLĐ quy định 10 trường hợp chấm dứt HĐLĐ, trong đó khoản 4 Điều này quy định, HĐLĐ được chấm dứt khi người lao động có đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
Khoản 1, Điều 187 BLLĐ về tuổi nghỉ hưu quy định, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Theo đó, HĐLĐ bao gồm cả HĐLĐ xác định thời hạn và HĐLĐ không xác định thời hạn sẽ đương nhiên chấm dứt đối với trường hợp người lao động có đủ cả 2 điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu nêu tại khoản 1 Điều 187 BLLĐ.
Theo luật sư, trường hợp người lao động chưa có đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH, nhưng đã đủ tuổi nghỉ hưu, mà đủ sức khỏe, có nguyện vọng tiếp tục làm việc để tiếp tục đóng BHXH bắt buộc, nhằm thỏa mãn cả 2 điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo khoản 1 Điều 187 BLLĐ, thì người sử dụng lao động cần áp dụng quy định tại Điều 166 BLLĐ về người lao động cao tuổi, tiếp tục thực hiện HĐLĐ (nếu là HĐLĐ không xác định thời hạn) hoặc kéo dài thời hạn HĐLĐ (nếu là HĐLĐ xác định thời hạn) hoặc giao kết HĐLĐ mới (khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn) để người lao động tiếp tục làm việc và đóng BHXH cho tới khi có đủ 20 năm đóng BHXH.