Cơ chế tài chính cho kiểm định chất lượng GDĐH?

Cơ chế tài chính cho kiểm định chất lượng GDĐH?
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Đa dạng tên gọi, nhưng chất lượng chưa cao:

Tại hội nghị “sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường đại học” (ĐH) do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM ngày 30-11, nhiều trường cho rằng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục cần được chú trọng hơn về mặt chất lượng.

TS. Phạm Xuân Thanh (Cục phó cục khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT) thống kê, đến tháng 11-2010 cả nước chỉ mới có 149 đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục thuộc các ĐH, học viện. Trong đó, 90% số đơn vị này có cán bộ chuyên trách từ 3 người trở lên. Tên gọi của các hệ thống đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục khá đa dạng, nhưng chưa thống nhất. 28/149 trường ĐH thành lập Phòng/Ban/Trung tâm đảm bảo chất lượng, 59/149 trường thành lập Phòng/ Ban/ Trung tâm thanh tra, khảo thí và đảm bảo chất lượng. 39/149 trường ĐH thành lập Tổ/Bộ phận đảm bảo chất lượng trong phòng chức năng như phòng đào tạo, phòng thanh tra… Điều đó khiến cho việc triển khai công tác đảm bảo và KĐCLGD ở một số trường còn mang tính chiếu lệ, chất lượng của các báo cáo tự đánh giá chưa cao, vai trò của các trung tâm, phòng ban còn chưa phát huy được hiệu quả.

Công tác cải tiến chất lượng GD vẫn còn bị hạn chế. Với công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài, tính đến tháng 11-2010 có 100 trường ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá, tăng hơn 53 trường so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung, cả nước hiện có 45% trường ĐH-CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá, vượt 15% chỉ tiêu đề ra. Thời gian qua, cũng đã tiến hành đánh giá ngoài cho 20 trường ĐH. Nhưng cũng theo ông Thanh, vẫn chưa có chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường ĐH và toàn xã hội. Nhiều đơn vị triển khai kiểm định một cách hình thức do chưa thấy hết vai trò của công tác này gây ảnh hưởng đến chất lượng. Nhiều trường không quan tâm đến việc thành lập đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng. Nơi thành lập thì lại thiếu phân định rõ chức năng, nhiệm vụ thực hiện.

Chính vì lẽ đó mà nhiều đại biểu cho rằng: Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cần gấp rút hoàn thiện dự thảo, Thông tư quy định về việc thành lập và giải thể, nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Tiếp đó, cần xúc tiến thành lập tổ chức kiểm định giáo dục để đảm đương việc đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Bởi khó khăn lớn nhất mà các trường hiện nay gặp phải chính là cơ chế hoạt động, sự khó khăn trong việc viết báo cáo tự đánh giá vì các tiêu chuẩn khác nhau. Một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng về hoạt động tự đánh giá kiểm định, vấn đề kinh phí thực hiện chương trình còn quá hạn chế cũng khiến nhiều trường… tắc trong việc sớm hoàn thành việc đánh giá ngoài.

Đại biểu của Trường ĐH Cửu Long phát biểu
Đại biểu của Trường ĐH Cửu Long phát biểu

Vướng ở bài toán tài chính và chính sách chi:

Đây có thể xem là một trong những vướng mắc lớn nhất đối với các trường tham gia tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng GD khi nguồn kinh phí dành cho hoạt động này gần như là phải tự thân vận động và tìm sự hợp tác từ bên ngoài. Theo Đề án xây dựng và phát triển hệ thống KĐCLGD đối với GDĐH và TCCN giai đoạn 2011-2020 được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký thì tổng nguồn lực tài chính để triển khai công tác KĐCLGD đối với GDĐH-TCCN trong giai đoạn trên dự kiến sẽ là 98.867 tỉ đồng. Trong đó, khoản tiền gần 4 tỉ sẽ được rót ra từ ngân sách Nhà nước, 4,8 tỉ lấy từ nguồn kinh phí của các tổ chức KĐCLGD. Riêng khoản kinh phí còn lại trên 84 tỉ thì lấy từ nguồn thu của các cơ sở GDĐH-TCCN. Chính khoản chi cho công tác kiểm định mà các trường phải gánh lớn như trên, cùng với bài toán chi làm sao để không vướng khi thực hiện công tác kiểm toán khiến nhiều trường e ngại. Ông Nguyễn Khánh Sơn, Phó giám đốc trung tâm đảm bảo chất lượng và khảo thí, ĐH Cần Thơ cho biết, năm 2009, trường tiến hành đánh giá tổng cộng 12 chương trình giáo dục, năm 2010 nâng lên 16 chương trình, nhưng kinh phí chỉ được 150 triệu/năm, trong khi triển khai đánh giá 2 chương trình đã tốn gần 140 triệu. Ông Sơn đề nghị:Theo chúng tôi nghĩ chúng ta cần phải có sự hỗ trợ, bổ sung kinh phí tương thích với nội dung hoạt động của mình.Phương thức hoạt động cũng cần phải thay đổi, bởi nếu không thay đổi khi triển khai các đơn vị sẽ thấy ngại vì quá phức tạp, đặc biệt là ở khâu tài chính, chi và duyệt chi. Đồng quan điểm với TS Sơn, ông Đào Trọng Phương, trưởng phòng khảo thí trường ĐH Đà Lạt cũng cho rằng: Việc kiểm định chất lượng GD vẫn chưa đi vào đời sống hoạt động của tất cả các trường, các khoa và tổ bộ môn. Bởi vì đến nay chúng ta chưa có một chế tài nào từ phía Bộ GD-ĐT cho đến nhà trường. Chính vì thế tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần phải xây dựng hệ thống cơ chế và quy định cho thật rõ ràng về công tác kiểm định, nhằm tránh hiện trạng “đánh trống bỏ dùi” và kiểm định một cách hời hợt, không có sự thay đổi sau khi thực hiện xong các động tác đánh giá, tự đánh giá và đánh giá ngoài.

Ông Nguyễn Công Doanh, đại diện ĐH Gia Định ngoài những góp ý trong việc yêu cầu Bộ GD-ĐT, Cục khảo thí- kiểm định sớm tháo gỡ những vướng mắc về tài chính, quy định chi cho các trường để các trường không vướng, ông còn đưa ra những ý kiến khá hay về việc xây dựng và triển khai hệ thống kiểm định chất lượng GD, ông nói: Công tác kiểm định chất lượng GD cần được Bộ xem xét trong từng trường hợp cụ thể và trong từng năm. Đặc biệt là các trường cần phải xây cho mình cái văn hóa chất lượng, bởi nếu không có văn hóa chất lượng trong quá trình triển khai công tác kiểm định chất lượng, chúng ta sẽ không thể phát triển bền vững được.

Nhằm đảm bảo việc đánh giá chất lượng giáo dục đạt hiệu quả thật sự, nhiều trường đã coi việc tiến hành tự đánh giá là một khâu quan trọng để đảm bảo, cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM đang triển khai tự đánh giá theo tiêu chuẩn của Hiệp Hội các trường Đại học Đông Nam Á, ĐH Đà Nẵng phấn đấu đạt chuẩn của ABET, Hoa Kỳ….Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đối với giáo dục ĐH và TCCN giai đoạn 2011-2020” nhằm phấn đấu đến năm 2015 có trên 90% số trường ĐH hoàn thành tự đánh giá và đánh giá ngoài. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng sẽ ban hành cơ chế để khuyến khích các trường xây dựng, tăng cường năng lực cho đội ngũ chuyên trách, đặc biệt bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài và các hoạt động cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.

 Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.