Thiên nhiên luôn đầy rẫy những điều lý thú. Trong khi những kẻ săn mồi nỗ lực rèn giũa kỹ năng tàn sát, thì các nạn nhân của nó cũng mỗi ngày một cố gắng đầu tư vào các tuyệt chiêu phòng thủ để giữ cho bằng được mạng sống trên chiến trường tàn khốc mang tên “sinh tồn”.
Lấy xương làm vũ khí
Hãy thử tưởng tượng nếu bạn có thể rút xương mình ra làm vũ khí khi gặp phải nguy hiểm thì sẽ như thế nào? Nghe thật quá viễn tưởng song, trong thế giới động vật, chuyện không ngờ này lại xảy ra ở ếch lông Châu Phi.
Tên khoa học của loài ếch sở hữu kỹ năng như hư cấu này là Trichobatrachus robustus. Vào mùa giao phối, ếch đực T-robustus sẽ mọc ra hai đường lông (thực chất là các sợi da) dọc theo hai bên hông. Nhờ mớ lông bằng da ấy, chúng có thể hấp thụ được nhiều oxy hơn trong lúc canh chừng trứng. Tuy nhiên, cái thật sự đáng kinh ngạc ở T-robustus không nằm ở bộ lông bằng da. Nó ẩn trong khả năng có thể đẩy xương ngón chân ra ngoài để sử dụng như móng vuốt đối phó với kẻ thù.
Thực tế thì các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chuyện gì sẽ xảy ra với những xương ngón chân được chuyển ra ngoài lớp da để làm vũ khí tấn công ấy của ếch T-robustus. Họ chỉ đoán là sau khi yên chuyện, chúng tự thu vào như lúc ban đầu trong lúc con ếch nghỉ xả hơi.
ếch T-robustus |
Giả chết
Danh hiệu “vua giả chết”
thuộc về chồn Opossum (Didelphimorphia), một loài động vật không hề tiến hóa so với tổ tiên 60 triệu năm trước nhưng vẫn khỏe re, con đàn cháu đống đến nỗi được ví là “đông như quân Nguyên”. Dù vậy, nhân loại vẫn hết sức yêu quý và biết ơn nhà thú có túi tạp ăn bậc nhất thế giới này. Nhờ chúng mà rắn độc, bọ ve liên tục bị tiêu diệt. Chỉ tính sơ sơ thôi, mỗi một tuần dòng họ Opossum ngấu nghiến đến cả 4000 con côn trùng gây hại.
Nhờ khả năng thích nghi siêu việt mà dù chỉ có một mình hay tụ tập với nhau thành đám, chồn Opossum cũng đều “sống tốt” hết. Và nét độc đáo, cực kỳ cuốn hút ở loài động vật này là khả năng giả chết thành thần.
Thực ra thì chồn Opossum không cố ý giả chết. Khi bị dọa đến sợ mất vía, nó lăn đùng ra... ngất thật. Nhưng thần kỳ là trong trong trạng thái ngất xỉu vì hốt hoảng tột độ ấy, miệng của chồn Opossum lại trào ra một đống nhớt dãi màu xanh lá cây bốc mùi hôi thối nồng nặc y như mùi xác chết đang phân hủy. Nó đủ khủng khiếp đến nỗi mọi thú săn mồi đều phải chào thua, từ bỏ ý định ăn thịt “cái xác” giả thúi hoắc ấy.
Chồn Opossum giả chết |
Tự sát vì tập thể
Nếu các chiến sĩ loài người dám ôm bom cảm tử thì loài mối được tìm thấy trong rừng mưa Guiana thuộc Pháp cũng thế. Khi tổ mối bị tấn công, chúng sẽ cử ra một đội quân tự sát để lấy mạng kẻ đe dọa sự tồn vong của cả đàn. Thú vị là đội quân mối tự sát này chỉ toàn những mối thợ già, không còn hữu dụng như thời trẻ khỏe.
Tất cả chúng đều được vũ trang “mìn” tinh thể chất độc trong ổ bụng. Khi được hòa trộn bởi tuyến nước bọt của mối, tinh thể chất độc sẽ tan rã, biến thành một loại chất lỏng cực độc có khả năng phát nổ. Đội quân cảm tử mối thợ già sẽ leo lên người kẻ tử thù rồi mới kích hoạt “mìn”. Chất độc bắn ra từ bụng xác mối sẽ khiến kẻ đe dọa chúng bị tê liệt và mất mạng. Tất nhiên, không một mống mối già cảm tử nào sống sót. Song đổi lại, tổ của chúng sẽ được an toàn.
Tại Borneo, người ta phát hiện một loài kiến có chiến thuật tự vệ tương tự. Trong bụng của chúng cũng có chất độc. Mỗi khi bị buộc phải đối mặt với nguy cơ diệt vong, chúng sẽ tự phình bụng lên cho đến khi nó vỡ toang, bắn tung tóe chất độc lên mình kẻ thù.
Mối thợ già |
Phun máu từ mắt
Kỹ năng phòng thủ rùng rợn nhất có lẽ thuộc về thằn lằn sừng Phrynosoma cornutum. Chúng có màu nâu và cơ thể tròn trịa cực kỳ đáng yêu, rất giỏi ngụy trang trên nền cát Texas, địa điểm sinh sống chủ yếu của nhà P-cornutum.
Mặc dù được tạo hóa ban tặng cho vẻ ngoài bé xinh, dễ thương bậc nhất trong nhà thằn lằn, nhưng P-cornutum lại sở hữu tuyệt chiêu phòng thủ ghê rợn không kém gì phim kinh dị. Đó là phóng ra một tia máu từ mắt. Tia máu này có thể bay xa những 1,5m. Nó cũng được trộn lẫn với hóa chất bốc mùi cực kỳ khó ngửi, làm mọi động vật săn mồi đều phải phát tởm mà bỏ đi. Có điều, tuyệt chiêu này té ra lại đi kèm một nhược điểm chết người. Đó là nó lấy mất cả 1/3 lượng máu trong cơ thể của P-cornutum sau mỗi lần thực hiện.
Thằn lằn sừng Phrynosoma cornutum |
Phóng nhờn làm bóng keo dính
Khả năng thú vị này thuộc về lươn Myxinidae, một loài cá có hộp sọ nhưng lại không có cột sống. Chúng khá lớn, dài trung bình 50cm, cơ thể thuôn dài, da trơn, không vảy, đuôi dạng mái chèo và hộp sọ được cấu thành từ sụn. Lươn Myxinidae không có vây thật nhưng có 6 hoặc 8 râu mép, một lỗ mũi. Mỗi khi phải đối mặt với mối đe dọa, chúng lại giải phóng chất nhờn trong cơ thể qua lớp da.
Chất nhờn của lươn Myxinidae khi gặp nước sẽ biến thành một dạng keo dính dớp có thể giãn nở. Nếu một con cá háu ăn nào đó nhắm lươn Myxinidae làm mồi và dại dột đớp một miếng, nó sẽ phải trả giá bằng việc bị ngạt đến phát điên lên được bởi lớp keo vừa có thể phồng lên bóng kẹo cao su trong miệng vừa bám chặt không buông, không dễ gì mà nhổ hết ra ngoài.
Lẽ đương nhiên là sau khi tống vào miệng kẻ săn mồi một đống keo dẻo chặn ngang họng ấy, lươn Myxinidae sẽ thoải mái thoát thân. Nhưng nó cũng vẫn phải lo trốn tránh, vì cần đến những 3 đến 4 tuần nữa thì tuyến nhờn của nó mới phục hồi dung lượng cũ.
Lươn Myxinidae |