Cơ chế để gắn kết đào tạo với yêu cầu thực tế

GD&TĐ - Đây là nội dung bàn thảo tại Tọa đàm – Hội thảo do trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng phối hợp với một số địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn… tổ chức vào sáng nay (19/11) nhằm tìm giải pháp tăng cường hiệu quả hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên

PGS.TS Đào Hữu Hòa – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) - cho biết: Nhà trường luôn xem chất lượng đào tạo và NCKH là hai chìa khóa then chốt để thực hiện vai trò của nhà trường trong việc tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội. 

Trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục, nhà trường cũng nhận thấy được vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương và khu vực. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trên cả hai phương diện nghiên cứu và khoa học vẫn còn một số hạn chế.

Hội thảo được chia làm hai phiên với các nội dung: Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, NCKH, tư vấn và chuyển giao công nghệ; Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, tạo việc làm cho SV.

Đại diện các doanh nghiệp và trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã thảo luận một số nội dung như:

Những đề xuất trong việc hình thành mối quan hệ, tổ chức, phối hợp giữa nhà trường, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể xã hội, ví dụ như xây dựng cơ chế 80-20, trong đó, nhà trường đảm trách 80% chương trình đào tạo, doanh nghiệp chịu 20% chương trình, gồm cả phần thực tập và huấn luyện chuyên môn.

Cách thức tạo ra cơ chế chung trong việc tạo điều kiện cho các nhà quản lý doanh nghiệp tham gia tư vấn chương trình, nội dung đào tạo và tham gia giảng dạy tại nhà trường; cách thức để tăng cường hợp tác NCKH giữa nhà trường và doanh nghiệp với mục tiêu các kết quả khoa học sẽ đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, cơ chế trao đổi chuyên gia, nhà tư vấn giữa doanh nghiệp và nhà trường, phối hợp tổ chức các hội thảo mang tính ứng dụng giữa nhà trường và doanh nghiệp hằng năm theo hướng đáp ứng các mối quan tâm của doanh nghiệp và cộng đồng kinh doanh…

Các doanh nghiệp cũng đóng góp nhiều giải pháp để hỗ trợ việc làm cho SV như: tăng cường chặt chẽ mối quan hệ giữa cựu SV với nhà trường để góp ý về cải tiến chương trình đào tạo; tạo nhiều thời gian cho SV tiếp cận thực tế ngay những năm đầu, trong thời gian nghỉ hè để rèn luyện các kiến thức chuyên môn, cọ xát thực tế, tích lũy kỹ năng mềm…; doanh nghiệp tham gia với nhà trường trong việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo và tham gia đánh giá chất lượng SV tốt nghiệp…

Theo số liệu khảo sát mới nhất của trường ĐH Kinh tế, tỉ lệ SV nhà trường có việc làm sau khi tốt nghiệp đến dưới 1 năm là 90%. Trong số này, có khoảng 60% làm việc đúng với chuyên ngành đào tạo; có gần 40% SV phải học tập, trang bị thêm kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ; hơn 70% học thêm ngoại ngữ và khoảng 35% SV học thêm các khóa kỹ năng mềm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ