Khó kinh phí, nhân lực
Hướng dẫn rất cụ thể về cách xử lý khi có tình huống F0, rút ngắn thời gian cách ly đối với F1 là thuận lợi được các trường ghi nhận theo Văn bản số 796 của Bộ Y tế. Phân tích của thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), theo hướng dẫn mới, các trường hợp học sinh là F1 chỉ phải cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú 5 ngày với học sinh đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin; 7 ngày đối với học sinh chưa tiêm đủ liều vắc-xin.
Hướng dẫn này cũng đề cập đến tình huống khi phát hiện học sinh diện F0 tại nhà mà học sinh đó đã đi học trực tiếp. Hướng dẫn đồng thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở giáo dục và phụ huynh khi ghi rõ không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở… hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, các cơ sở giáo dục cũng có những băn khoăn khi triển khai hướng dẫn mới. Hai vướng mắc được thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội) đưa ra liên quan đến quy định test sàng lọc khi xuất hiện F0 trong lớp và chưa rõ quy định với giáo viên là F0, F1. Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu khi xuất hiện học sinh là F0, cán bộ y tế trường học và ban chỉ đạo/tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Với tình hình các ca nhiễm như hiện nay, các nhà trường phải mất nguồn kinh phí không nhỏ cho việc này.
“Kinh phí mua kit test hiện nay không hề rẻ. Với kinh phí hạn chế, nhà trường không thể mua cả thùng mà chỉ dè dặt mua lẻ. Trường hợp xuất hiện học sinh F0, mà một lớp có đến 50 học sinh thì kinh phí phải bỏ ra là rất lớn. Thêm nữa, chỉ một học sinh trong lớp phản ánh tự nhiên bị mất mùi chẳng hạn, cán bộ y tế đến test cũng mất một bộ quần áo bảo hộ; một giáo viên bị sốt, phải test nhanh thì cũng mất bộ quần áo bảo hộ cho cán bộ y tế. Ngoài kinh phí mua test, bộ bảo hộ để lấy mẫu, nhà trường còn phải chi nhiều khoản khác để phòng chống dịch… nên rất khó khăn” - thầy Nguyễn Ngọc Sơn cho hay.
Một khó khăn khác, theo thầy Nguyễn Ngọc Sơn, do văn bản không hướng dẫn cụ thể giáo viên F0, F1 sau khi xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly thời gian bao lâu nên hiện vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định cách ly của địa phương; trong khi đó việc quyết định của địa phương không phải khi nào cũng kịp thời do số lượng ca nhiễm tăng cao. Bởi vậy, giáo viên diện F1 vẫn phải đợi có quyết định hết cách ly của địa phương mới đi làm trở lại, các nhà trường rất khó khăn về nguồn giáo viên dạy trực tiếp.
“Trường THCS Ái Mộ hiện đã có 8 thầy cô F0, 2 GV F1 đang thực hiện giảng dạy trực tuyến tại nhà. Số giáo viên thuộc diện cách ly F0, F1 có chiều hướng tăng nên khó khăn trong việc phân công dạy thay, quản lý lớp” – thầy Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
Chỉ nên test nhanh học sinh nghi là F1?
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng, Sở GD&ĐT Cần Thơ nhắc lại quy định của Bộ Y tế về cách xác định F1. Theo đó, người được coi là F1 khi có tiếp xúc cơ thể trực tiếp với F0; người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0; người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0; người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân…
Từ đó, ông Nguyễn Hữu Nhân cho rằng, phải test nhanh cho toàn bộ học sinh trong lớp khi lớp đó có xuất hiện F0 là không cần thiết. Nếu thực hiện điều này sẽ rất khó khăn cho các nhà trường, trường không thể đủ kinh phí thực hiện. Đề xuất được ông Nhân đưa ra là chỉ thực hiện test nhanh với những đối tượng nghi là F1 ở trong lớp, những em ngồi xung quanh, em có giao tiếp trực tiếp với F0… Còn lại phối hợp với phụ huynh theo dõi, test nhanh cho các em tại nhà nếu có biểu hiện.
“Trên thực tế, có học sinh ngồi rất xa học sinh là F0, nếu test cả những em này là không cần thiết. Thực tế tại Cần Thơ, trong 2 tuần triển khai dạy học trực tiếp và hiện đã cho các trường tổ chức bán trú cho thấy công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch được thực hiện tốt. Trong thời gian này, có xuất hiện trường hợp học sinh là F0 nhưng không trường hợp nào lây lan cho các học sinh, giáo viên khác trong trường”. Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Hữu Nhân cho rằng, việc tuyên truyền cho học sinh hiểu, nhận thức đầy đủ để tự bảo vệ mình là rất quan trọng. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện 5K, cùng tiêm phòng vắc-xin đầy đủ… sẽ hạn chế thấp nhất được tình trạng lây lan dịch bệnh trong trường học.
Thầy Nguyễn Bá Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long, Bắc Ninh, cho rằng, nếu không có F0 xuất hiện trong lớp thì quy định này thuận lợi bởi F1 nhanh được giải phóng, tốt cho nhà trường hơn trước đây. Tuy nhiên, trường hợp xuất hiện F0 phải test cho toàn bộ học sinh trong lớp thì tương đối khó khăn về kinh phí test cho nhà trường. “Tại Trường THPT Hàm Long, trường trích ngân sách mua một số và khuyến khích phụ huynh mua để tự test cho con em khi cần thiết. Mong rằng, địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ kit test, giúp các trường khắc phục khó khăn này” - thầy Nguyễn Bá Khương bày tỏ.
Tại Nghệ An, ngành Giáo dục đang quyết liệt thực hiện việc mở cửa trường học an toàn, cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến chứ không có trường học trực tuyến. Để làm được điều này, các công tác bảo đảm an toàn trường học được thực hiện hết sức nghiêm túc. Tuy nhiên, liên quan đến hướng dẫn mới của Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương cũng đề nghị xem xét lại việc phải test nhanh cho tất cả học sinh trong lớp nếu lớp đó có xuất hiện F0.