Có cách để không dẫn tới luyện thi vào lớp 6

GD&TĐ - PGS Đặng Quốc Thống, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hiệu trưởng Trường trung học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) – cho rằng: Việc sửa đổi Thông tư 11 là cần thiết và có cách để tránh dạy học thêm, luyện thi với quy định mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sẽ tổ chức dạy học hiệu quả hơn

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT có quy định mới: Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Theo PGS Đặng Quốc Thống, quy định này là phù hợp với thực tế, bởi trong 2 – 3 năm qua, việc không thi tuyển vào lớp 6 gây nhiều khó khăn cho những trường có số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu trường có thể tuyển.

Từ thực tế tuyển sinh của Trường THCS Đoàn Thị Điểm, PGS. Đặng Quốc Thống chia sẻ: Mọi năm xét tuyển dựa vào điểm học bạ, giấy khen, bằng khen ở bậc tiểu học. Tôi không nói những kết quả đó không thật tin cậy, nhưng trên thực tế, điểm 10 ở một trường trọng điểm có khác so với điểm 10 ở khu vực khác; bởi vậy việc tuyển sinh có sai lệch.

Qua mấy năm không thi tuyển, xảy ra tình trạng, học sinh có mặt bằng đầu vào như nhau, nhưng khi vào học lại chênh lệch, em đứng đầu lớp và cuối lớp khác xa, gây khó khăn cho việc tổ chức dạy học.

“Học sinh giỏi học cùng các bạn kém quá cũng nản; ngược lại, học sinh kém không theo kịp các bạn giỏi cũng nản. Đặc biệt, phụ huynh có con học lực tốt phản ứng vì bài học phải chậm lại để các bạn ở top dưới theo kịp” – PGS Đặng Quốc Thống cho biết.

Một khó khăn nữa khi không được phép thi đầu vào với Trường THCS Đoàn Thị Điểm là trường này có nhiều hệ đào tạo. Bản thân các lớp thường ở đây đã là đào tạo chất lượng cao so với các lớp phổ thông bình thường. Mỗi ngày, học sinh của trường đều có 3 tiết học nâng cao những môn như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, trong trường hợp nhất định có thêm môn Vật lý, Hóa học. Nếu không đáp ứng được trình độ, học sinh học như vậy sẽ quá tải.

Trường còn có hệ tăng cường Tiếng Anh, Toán, Ngữ văn, Ngữ văn – Tiếng Anh, Toán – Tiếng Anh; hệ liên kết đào tạo (sáng học chương trình Việt Nam, chiều học chương trình liên kết để có thể lấy chứng chỉ học tiếp sang các nước có sử dụng tiếng Anh).

“Các lớp này đòi hỏi học sinh phải có khả năng tiếp thu tốt. Nhưng lấy cào bằng đầu vào, chúng tôi không thể tuyển chọn học sinh vào các lớp đó được. Nên bắt buộc, cứ sau một học kỳ, trường cho kiểm tra lại để sắp xếp lại lớp theo trình độ đào tạo nhằm có thể tổ chức dạy học hiệu quả hơn.

Để đảm bảo chất lượng, chúng tôi phải thêm hoạt động phụ đạo cho học sinh yếu và không thu tiền. Giáo viên phụ đạo là thầy cô giỏi, vững kinh nghiệm.

Do vậy, theo tôi, dự thảo thông tư mới có thể nói đã gỡ khó cho các trường luôn có số học sinh đăng ký quá nhiều so với chỉ tiêu, từ đó giúp các trường tổ chức dạy học tốt hơn” – PGS Đặng Quốc Thống cho hay.

Nên cho tuyển sinh sớm

Chia sẻ về băn khoăn có thể dẫn tới luyện thi, PGS Đặng Quốc Thống cho rằng, việc kiểm tra đánh giá trình độ người học là cần thiết. Vấn đề tổ chức thi làm sao để đừng quá căng thẳng.

"Với Trường THCS Đoàn Thị Điểm, nếu Thông tư trên đi vào cuộc sống, đầu tiên chúng tôi sẽ xét tuyển theo các tiêu chí đưa ra. Sau đó có bài kiểm tra trình độ học sinh để xếp lớp theo năng lực của các con. Làm được như vậy sẽ tổ chức dạy học hiệu quả hơn" - PGS Đặng Quốc Thống chia sẻ.

Cách hạn chế việc dạy học thêm, luyện thi cũng được PGS Đặng Quốc Thống đưa ra. Theo đó, ngay sau khi kết thúc năm học, nên cho các trường có nhu cầu tuyển sinh luôn. Cách tuyển sinh vừa dựa vào kết quả học tập ở tiểu học, đồng thời cho học sinh làm một bài test nhẹ nhàng để phân biệt trình độ.

"Chúng tôi đánh giá thực chất, không phải "luyện nòi". Kết thúc năm học, cho tuyển ngay sau đó 10 – 15 ngày. Với thời gian đó, học sinh không có thời gian luyện thi và cũng không cần luyện thi. Các con sẽ có một kỳ nghỉ hè thoải mái cùng gia đình" - PGS Đặng Quốc Thống chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.