Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, trong năm 2023 vừa qua, Sở TN&MT tỉnh này phối hợp với Đoàn kiểm tra của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn.
Trong đó có Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh của Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Formosa, Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh.
Đối với dự án Formosa Hà Tĩnh (FHS), Tổ giám sát bảo vệ môi trường của tỉnh Hà Tĩnh tại dự án này đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra, giám sát, chủ yếu thực hiện cơ chế giám sát từ xa, thông qua theo dõi nắm bắt thông tin và qua Hệ thống quan trắc tự động liên tục (nước thải, khí thải), cùng với đó đã tổ chức kiểm tra, đánh giá nâng cấp các trạm quan trắc tại FHS theo thông tư của Bộ TN&MT.
Về nước thải, sau khi xử lý tại các trạm được bơm sang hệ thống hồ sinh học (diện tích khoảng 10 ha) gồm có: hồ sự cố, hồ hoàn thiện, bãi lọc trồng cây, hồ chỉ thị sinh học - nuôi cá, nhà điều hành... đi vào vận hành chính thức từ ngày 23.7.2017 đến nay; lượng nước thải chảy qua hồ sinh học bình quân 12.208 m3/ngày đêm, tổng lượng nước thải phát sinh 9 tháng 2023 là 3.332.784 m3.
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân 01-1,5 tấn/ngày, FHS đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh để thu gom, vận chuyển xử lý hàng ngày. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã chuyển giao xử lý 9 tháng 2023 là 180 tấn.
Chất thải nguy hại các loại phát sinh khoảng 600-800 tấn/tháng, FHS đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh tại xã Kỳ Tân - huyện Kỳ Anh để xử lý. Khối lượng chất thải rắn nguy hại đã chuyển giao xử lý 9 tháng đầu năm 2023 là 4.170 tấn, hiện đang lưu giữ tại kho 20 tấn.
Về khí thải, tổng lượng khí thải phát sinh tại 20 ống khói bình quân khoảng 360 triệu m3 /ngày được xử lý trước khi thải ra môi trường (lưu lượng được tổng hợp thông qua hệ thống quan trắc tự động).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác sản xuất, bảo vệ môi trường tại Công ty Formosa Hà Tĩnh. |
Theo đánh giá, đến nay các trạm cơ bản đã hoàn thành việc nâng cấp, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại liên quan đến thiết bị đo NO2 (hiệu suất thấp), màn hình đo bụi (đơn vị báo cáo việc mua sắm mất nhiều thời gian),... Tổ giám sát đã chủ động bố trí các thành viên trực, theo dõi chặt chẽ trong các ngày nghỉ lễ, tết. Đồng thời đã phối hợp, tham gia đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý chất thải rắn và giám sát định kỳ về bảo vệ môi trường đối với Công ty FHS do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập.
Kết quả giám sát của đoàn đang được Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tổng hợp, hoàn thiện để ban hành.
Kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường, đoàn kiểm tra đã xử phạt Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh hơn 213 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 411 triệu đồng…
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh thì nhiệm vụ trọng tâm công tác bảo vệ môi trường năm 2024 cùng với việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền tỉnh quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Bảo vệ Môi trường, trước mắt tập trung xây dựng và ban hành Quyết định quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động BVMT giai đoạn 2023-2025.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường nhất là tuyên truyền trong việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, giảm thiểu rác thải nhựa… Tiếp tục ưu tiên kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguồn thải lớn như dự án Formosa, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh...