ClassClap - ứng dụng gắn kết nhà trường và cha mẹ

GD&TĐ - Ứng dụng quản lý lớp học ClassClap đã giải quyết được đến 80% khối lượng công việc cho giáo viên chủ nhiệm.

Nhà sáng lập dự án và là CEO Nguyễn Thuý Hồng.
Nhà sáng lập dự án và là CEO Nguyễn Thuý Hồng.

Với chiến lược “đi ngược số đông”, lấy việc kết nối giáo viên với phụ huynh học sinh làm trọng tâm, ứng dụng quản lý lớp học ClassClap đã giải quyết được đến 80% khối lượng công việc cho giáo viên chủ nhiệm và đặc biệt có thể áp dụng vào từng lớp học.

ClassClap được biết đến là nền tảng quản lý lớp học hiện đại giải quyết được hầu hết các công việc của giáo viên trong lớp học mà giáo viên và các cơ sở giáo dục hiện nay rất săn đón. Tuy nhiên, trước khi đạt được thành quả như ngày hôm nay, Founder của dự án - CEO Nguyễn Thuý Hồng, đã trăn trở rất nhiều.

Đơn giản hóa công việc quản lý lớp học

- Ý tưởng xây dựng ClassClap đã đến với chị như thế nào?

- Tôi luôn tâm niệm giáo dục phải xoay quanh chủ thể quan trọng nhất là trẻ em. Bản thân là một bà mẹ hai con đều trong độ tuổi đến trường, tôi thấu hiểu nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ mỗi khi rời xa những đứa con và mong muốn của họ trong việc có thể theo sát bước chân con mỗi ngày mà không gây cho con cảm giác bị kiểm soát.

Tôi cũng từng băn khoăn rằng có nên gọi điện cho cô giáo sau mỗi ngày con đến trường không, bởi rất muốn biết được mỗi ngày của con ở trường diễn ra thế nào, nhưng nếu quá sát sao con của mình thì vô tình lại ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của thầy cô. Vì vậy, tôi cũng mong muốn giúp thầy cô giáo có thể thông tin về học sinh đến các bậc cha mẹ hằng ngày mà không cần trò chuyện rất nhiều qua điện thoại.

Nỗi lo lắng về sự mất liên kết giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh, lại sẵn có lợi thế làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tôi đã cùng các đồng nghiệp của mình bắt tay vào việc nghiên cứu và xây dựng nên một ứng dụng nhằm giải tỏa những nỗi băn khoăn canh cánh trong lòng.

- Vậy ứng dụng ClassClap đã giải quyết được những vấn đề gì cho thầy cô và nhà trường và chị đã gặp những khó khăn gì khi thực hiện ước mơ của mình?

- Bắt tay vào làm sản phẩm, tôi thấy nếu phải đứng từ cương vị của giáo viên thì mới thấy được những khó khăn và khối lượng công việc khổng lồ hằng ngày mà các thầy cô phải đối mặt, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm.

Tư tưởng “bơi ngược dòng” cũng bắt đầu từ đây, khi mà các chương trình quản lý khác chú trọng vào công tác quản lý của các cấp lãnh đạo trường học, lãnh đạo các công việc chung mà quên mất rằng chủ thể cần quan tâm trong quản lý giáo dục chính là học sinh. Việc giải quyết những tồn đọng trong công tác dạy, học tại lớp sẽ giúp đỡ giáo viên nhiều hơn so với việc yêu cầu họ thay đổi hết ứng dụng này đến ứng dụng khác để phục vụ mong muốn quản lý của cấp trên.

Khó chỗ nào thì gỡ chỗ ấy, từ những tâm tư của một người làm mẹ, tôi đã từng bước xây dựng nên một mô hình ứng dụng có thể kết nối nhà trường và gia đình hiệu quả. Giáo viên sẽ vô cùng chủ động trong việc đưa thông tin của học sinh đến cha mẹ như việc điểm danh đầu giờ, khen thưởng/ nhắc nhở con trong giờ học, cập nhật hình ảnh trong lớp học... mà không tốn thời gian như cách nhắn tin cho mỗi cuối ngày.

Ngay khi giáo viên thực hiện thao tác trên ứng dụng thì lập tức thông báo được đẩy ngay đến cha mẹ học sinh. Như vậy, thầy cô không lo bỏ sót thông tin mà cha mẹ lại vô cùng yên tâm khi biết con mình được thầy cô quan tâm đúng mức ở lớp học.

Tôi nghĩ rằng mong muốn của tôi cũng đồng thời là mong muốn của rất nhiều những người cha, người mẹ có con trong độ tuổi đến trường. Các bậc cha mẹ thường xuyên canh cánh trong lòng rằng hôm nay con đến lớp có an toàn hay không, học hành có nhiều hứng khởi hay không, hôm nay con được cô khen hay bị nhắc nhở điều gì... Đó đều là những thông tin quan trọng trong quá trình phát triển của con mà cha mẹ cần nắm bắt hằng ngày.

Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay đã được cải tiến rất nhiều, tuy nhiên khi áp dụng công nghệ vào lớp học vẫn còn nhiều lúng túng, lỗ hổng. Vì thế, nhiều bạn bè của tôi đã ngăn cản khi tôi bày tỏ ý định xây dựng ứng dụng bắt đầu từ những nhu cầu bức thiết của giáo viên và phụ huynh. Nhưng tôi tin rằng “thứ hữu dụng chắc chắn được tin dùng” và những thành quả bước đầu cũng phần nào khẳng định cho tôi rằng con đường tôi đã lựa chọn tuy có gian nan nhưng có tiềm năng lớn.

Chị NguyễnThúy Hồng tin rằng ClassClap sẽ là công cụ đắc lực gắn kết cha mẹ với giáo viên và quá trình học tập của con tại trường.

Chị NguyễnThúy Hồng tin rằng ClassClap sẽ là công cụ đắc lực gắn kết cha mẹ với giáo viên và quá trình học tập của con tại trường.

Tìm được con đường đi đúng đắn

- Phát triển một ứng dụng mới phục vụ lĩnh vực giáo dục, chị mong muốn điều gì?

- Những trăn trở từ tấm lòng một người mẹ đó đã thôi thúc tôi và đồng nghiệp của mình nghiên cứu một ứng dụng phù hợp hơn với môi trường giáo dục Việt Nam. Đối với tôi, nền tảng ứng dụng quản lý lớp học ClassClap đánh dấu “bước ngoặt” trong cuộc đời mình, và tôi cũng thầm mong nó phần nào đóng góp để tạo nên một “bước ngoặt” mới cho giáo dục Việt Nam.

Là một ứng dụng phục vụ lĩnh vực giáo dục, ClassClap cũng được xây dựng những chính sách riêng để hỗ trợ các trường hợp đặc biệt. Chúng tôi cung cấp ứng dụng miễn phí sử dụng cho những Trường/ cơ sở có số lượng lớn các phụ huynh khó khăn, hoặc những hoàn cảnh khó khăn muốn sử dụng ứng dụng. Trong tương lai, tôi mong muốn biến ứng dụng này thành một dự án phi lợi nhuận tại Việt Nam. ClassClap sẽ thực hiện giấc mơ nhỏ bé, mong được lan toả những giá trị tốt đẹp đến các học sinh, phụ huynh khu vực khó khăn. ClassClap dự kiến sẽ tạo quỹ nhằm sửa sang trường học, mua sắm thiết bị và miễn phí sử dụng ClassClap tại các trường học còn khó khăn.

Hiện tại, ClassClap đã được sự công nhận và tin dùng rất nhiều trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở giáo dục tư thục. Có thể nói đó là những tín hiệu đáng mừng cho thấy mình tìm được con đường đi đúng đắn.

Xin cảm ơn chị!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Bánh dợm

GD&TĐ - Khi nhìn tới cái tên lạ lẫm 'bánh dợm', lần đầu được nghe cô bán hàng mô tả 'giống bánh giầy nhưng có thêm nhân', nó liền náo nức chọn.