Mất lòng tin của người mộ đạo
Từ khi khánh thành, tháng 3/2014, chùa Ba Vàng, thuộc TP Uông Bí (Quảng Ninh) trở thành một cơ sở thờ tự lớn nổi tiếng, thường xuyên hội tụ phật tử và du khách khắp nơi tìm về chiêm bái.
Gần đây, vấn đề gây bức xúc dư luận về nguồn thu bất chính của chùa Ba Vàng liên quan đến một phụ nữ có tên Phạm Thị Yến (SN 1970) ở TP Hạ Long, pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán. Mặc dù, không giữ bất cứ chức sắc gì trong chùa, nhưng bà Yến thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm truyền bá của chùa Ba Vàng, rao giảng những điều hoang đường, phản khoa học cho hàng nghìn phật tử.
Trên danh nghĩa chủ nhiệm một CLB tu tập nhưng bà Yến đã phát triển các đạo tràng, thu hút hàng chục ngàn người đến chùa Ba Vàng “thỉnh vong”, “giải oán” mỗi năm...
Tận dụng các kênh truyền thông như YouTube, Facebook và cả một website mang tên mình, bà Yến rao giảng những câu chuyện hoang đường về nguồn gốc của mọi loại tai họa trong cuộc sống, phê phán, chỉ trích những vấn đề nhạy cảm về niềm tin tâm linh và đưa ra lý giải phản khoa học.
Tất cả mọi sự vật, hiện tượng bất ưng trên đời đều do tiền kiếp và các vong linh báo oán gây ra. Theo đó, để giải quyết những tai vạ trong cuộc sống do bị phi nhân làm hại, người thỉnh phải cúng dường cho vong từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Nếu không có đủ khả năng tài chính, người thỉnh phải ở lại làm không công (công quả) cho nhà chùa.
- Thượng tọa Thích Đức Thiện
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã lên tiếng khẳng định điều này đi ngược với chính pháp của nhà Phật.
Chuyện luân hồi nghiệp báo trong quan niệm Phật giáo chỉ ra con người sướng khổ kiếp này là do kiếp trước để lại, làm việc xấu tạo quả xấu nên khuyên con người ta sống thiện và hướng thiện, từ trong ý nghĩ, lời nói đến hành động tốt.
Theo Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam PGS. TS Bùi Hoài Sơn, triết lý về vô thần, từ bi hỉ xả, thoát tục… là những giá trị lớn lao của Phật giáo. Tinh thần của Phật giáo cũng quan niệm rằng, mỗi người có thể cải được nghiệp bằng cách tích đức, làm việc thiện chứ không thể bằng tiền. Chuyện vong báo oán là sự bịa đặt một sự việc cụ thể mà những kẻ núp bóng Phật giáo đã lợi dụng đức tin, tâm lý mong muốn hóa giải nghiệp chướng từ nhiều kiếp trước của người dân để hành lễ bất chính, trục lợi.
“Vụ việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của GHPGVN vì làm mất lòng tin của người mộ đạo, dư luận xã hội có cái nhìn tiêu cực về Phật giáo Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Phật giáo đang phát triển, tổ chức nhiều sự kiện lớn đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế.
Các cấp quản lý cần có những hành động, biện pháp xử lý thật nghiêm minh, ráo riết loại bỏ hiện tượng thương mại hóa trong môi trường thờ tự, tâm linh, trả lại những giá trị nền tảng đạo đức tốt đẹp”, TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ quan điểm.
Quần thể kiến trúc chùa Ba Vàng |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trả lời vấn đề có hay không việc thỉnh vong trong giáo lý nhà Phật, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định không có chuyện thỉnh vong, giải oan gia trái chủ như chùa Ba Vàng thực hiện.
Trong Phật giáo Bắc truyền chỉ có nghi thức triệu linh và nghi thức “lập đàn cúng giải oan thích kết”. Chỉ có con người mới làm chủ việc chuyển hóa nghiệp, tu là chuyển nghiệp và giải nghiệp, không hề có chuyện thỉnh, nhờ ai đó giải nghiệp. Giải nghiệp chỉ có thể nhờ vào tu thân, tích đức.
Xung quanh diễn biến vụ việc, sau khi tiếp nhận công văn khẩn của UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, chiều 20/3, UBND TP Uông Bí đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở VH,TT&DL, Công an tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan đến làm việc tại chùa Ba Vàng để kiểm tra, xác minh vụ việc.
Ngày 21/3, Bộ VH,TT&DL cũng đã có văn bản chỉ đạo và giao Cục Di sản văn hoá chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương ra văn bản gửi Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Ninh yêu cầu báo cáo làm rõ vấn đề dư luận đang quan tâm.Kết quả làm việc phải được báo cáo trước ngày 25/3.
Có thể thấy, việc trục lợi từ các hoạt động thỉnh vong, gọi hồn tạichùa Ba Vàng đã diễn ra khá lâu nhưng chỉ trở nên um xùm khi báo chí vào cuộc, công khai đăng tải những bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà vẫn khẳng định với báo chí “từ trước đến nay UBND TP không nhận được phản ánh nào từ phía người dân liên quan đến việcchùa Ba Vàngtruyền bá nội dung mê tín dị đoan”.
Ngày 22/3, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi UBND TP Uông Bí khẳng định, theo Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự và các quy định khác của GHPGVN đều quy định các hoạt động Phật sự, hành đạo, tu đạo tại cơ sở thờ tự của Phật giáo do vị trụ trì cơ sở thờ tự đó chịu toàn bộ trách nhiệm. Việc công dân Phạm Thị Yến có các hoạt động tại chùa Ba Vàng do trụ trì chùa Ba Vàng chịu trách nhiệm.
Mấy ngày nay, Văn phòng GHPGVN không ngớt nhận được những đề nghị của cơ quan báo chí truyền thông liên quan đến những tiêu cực xảy ra ở chùa Ba Vàng. Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, sáng 21/3, GHPGVN đã có văn bản chỉ đạo Ban Trị sự GHPG tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngay cuộc gặp gỡ với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng để làm rõ vụ việc.
Nếu đúng như thông tin báo chí phản ánh thì GHPGVN sẽ có hình thức kỉ luật nghiêm khắc. Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng đã ấn định buổi họp xem xét vụ việc chùa Ba Vàng vào ngày 26/3 tới.
Đây không phải lần đầu tiên chùa Ba Vàng vướng phải “lùm xùm” và cũng không phải là lần đầu lãnh đạo TP Uông Bí phải vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi xảy ra sai phạm tại đây.
Một năm trước, chùa Ba Vàng đã vướng vào sai phạm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 67,2 ha đất rừng giao khoán của 16 hộ dân khi chưa được cấp phép.
Sau đó, chùa tự ý xây dựng 7 đập đất cao từ 2 - 3m chạy dài gần 1km qua địa bàn 4 xã, phường để đưa nước từ suối Lựng Xanh về chùa sử dụng mà không xin phép các cơ quan chức năng, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, làm biến đổi hiện trạng tự nhiên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây dư luận không tốt trong nhân dân. TP Uông Bí đã buộc phải tổ chức phá dỡ toàn bộ các đập trái phép và trả lại hiện trạng dòng chảy vốn có của suối Lựng Xanh.