Chuyện về thầy nuôi dạy trẻ ở đại ngàn Pù Luông

GD&TĐ - 17 năm công tác trong ngành, giờ đây thầy Hiệu trưởng của một trường mầm non ở vùng đại ngàn Pù Luông vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp.

Thầy Trịnh Hồng Quân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa) đang chăm sóc trẻ. Ảnh: Thế Lượng
Thầy Trịnh Hồng Quân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa) đang chăm sóc trẻ. Ảnh: Thế Lượng

Bỏ lại những lời dị nghị, dèm pha, vượt qua định kiến, bằng trái tim nhiệt huyết, tình yêu nghề, mến trẻ, thầy giáo Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa) đã, đang tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp nuôi dạy trẻ ở vùng đại ngàn Pù Luông - nơi có những đứa trẻ đặc biệt khó khăn.

Vượt qua định kiến

Chúng tôi gặp thầy giáo Trịnh Hồng Quân vào một buổi chiều, khi thầy đang tập văn nghệ cùng 16 thầy giáo Mầm non của huyện Bá Thước chuẩn bị tham gia chương trình “Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu” năm 2023.

Trong lúc nghỉ giải lao, thầy Trịnh Hồng Quân đã dành thời gian trò chuyện với chúng tôi về cơ duyên trở thành thầy nuôi dạy trẻ.

Theo thầy Quân, Trường Mầm non Thành Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) hiện có 136 trẻ, 21 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó, có 3 thầy giáo, gồm: Trịnh Hồng Quân, Bùi Văn Bông và Ngân Văn Tùng.

Ngôi trường vùng khó ấy có 5 điểm, trong đó 4 điểm lẻ, gồm: Khu Eo Kén, Tà Ban, Kho Mường, Pù Luông và điểm trường chính ở bản Bán. Mặc dù, đang rất nhiều khó khăn, song nhà trường vẫn tổ chức ăn bán trú từ năm 2014 đến nay.

Mỗi ngày, có khoảng 50 - 60 trẻ tham gia ăn bán trú tại điểm trường chính và khu lẻ Pù Luông. Hàng ngày, đến bữa ăn trưa, thầy Ngân Văn Tùng dùng xe máy chở cơm vào điểm lẻ Pù Luông.

Nhớ lại cơ duyên vào nghề của mình, thầy Quân kể: “Khi tôi chọn nghề sư phạm mà lại là khoa Mầm non, nhiều người ngạc nhiên lắm. Lúc đầu gia đình cũng phản đối kịch liệt, bạn bè, người ngoài đàm tiếu. Thế nhưng, do yêu trẻ, yêu nghề nên ai nói gì, mình cũng coi đó là chuyện bình thường.

17 thầy giáo mầm non của huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang tập văn nghệ. Ảnh: Thu Hồng.

17 thầy giáo mầm non của huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang tập văn nghệ. Ảnh: Thu Hồng.

Ngày tôi đến dự thi, khi vào phòng thi, giám thị không nghĩ là có thí sinh nam đi thi sư phạm mầm non, nên đuổi tôi ra ngoài. Lúc đó, tôi phải lấy thẻ dự thi ra trình, thì giám thị hành lang mới cho vào".

Tốt nghiệp khoa Sư phạm Mầm non, Trường Đại học Hồng Đức năm 2006, thầy Quân được nhận về làm giáo viên hợp đồng ở Trường Mầm non Lương Ngoại (Bá Thước). Hơn 10 năm sau, thầy mới được biên chế chính thức vào ngành Giáo dục. Đến tháng 5/2020, thầy Trịnh Hồng Quân được cấp trên điều động, bổ nhiệm nhiệm làm Hiệu trưởng ở ngôi trường này.

“Khó khăn ở bậc mầm non không chỉ là dạy, mà còn phải nuôi dưỡng, chăm sóc từng việc ăn, ngủ, chải tóc, quần áo, vệ sinh cho các cháu... Việc nào cũng cần giáo viên phải theo sát và nhẹ nhàng, khéo tay.

Tôi chỉ nghĩ, tâm của mình trong sáng, yêu thương con trẻ giống như con của mình, thì sẽ có cảm giác công việc này cũng giống như dạy cấp học phổ thông. Khi mình đã tự giải tỏa được tâm lý của chính bản thân, thì sẽ gắn bó được với nghề. Và, tôi cũng đã xác định rằng, sẽ gắn bó với nghề suốt đời", thầy Quân tâm sự.

Ngân Thị Thanh, có con đang học tại Trường Mầm non Thành Sơn, chia sẻ: "Các thầy giáo ở trường mầm non nhiệt tình lắm! Là giáo viên mầm non, thì thường phải là cô giáo, nhưng ở quê chúng tôi, lại có các thầy giáo nuôi dạy trẻ. Lúc đầu, mới nghe chuyện thầy giáo mầm non, thì có vẻ ai cũng lạ.

Đến khi thấy các thầy chăm sóc con mình chu đáo, các con lại rất yêu quý thầy giáo, nên bà con chúng tôi vô cùng yên tâm. Vì vậy, khó khăn bao nhiêu, chúng tôi cũng phải đưa các con đến trường để được các thầy dạy chữ, nếu không có chữ thì các cháu sẽ khổ lắm".

Hết lòng vì con trẻ

Xã Thành Sơn mặc dù nằm trong vùng du lịch Pù Luông, nhưng cuộc sống của người dân ở đây đang rất nhiều khó khăn. Học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, không có điều kiện thuận lợi như ở nơi khác, vì thế công tác Giáo dục cũng vất vả theo.

Thầy Ngân Văn Tùng - GV Trường Mầm non Thành Sơn chuẩn bị cơm để đưa vào điểm lẻ. Ảnh: Thế Lượng.

Thầy Ngân Văn Tùng - GV Trường Mầm non Thành Sơn chuẩn bị cơm để đưa vào điểm lẻ. Ảnh: Thế Lượng.

Từ khi lên nhận công tác ở ngôi trường này, thầy Quân đã không quản ngại khó khăn, cố gắng làm sao cho học trò có những bữa ăn no, đủ chất và những giấc ngủ ấm áp về mùa đông, mát mẻ trong mùa nóng.

Nhớ lại những ngày đầu mới lên nhận công tác ở đây, thầy Quân kể: “Lúc công tác ở Trường Mầm non Thiết Ống (huyện Bá Thước), tôi cũng đã chứng kiến nhiều bé có hoàn cảnh khó khăn.

Thế nhưng, khi lên đây nhận nhiệm vụ, thì mới cảm nhận được sự gian truân, vất vả của con em bà con dân bản. Hầu hết, các bé được ăn bán trú đều thích đến trường, vì bữa ăn ở trường tươm tất hơn và được chơi đùa với các bạn”.

Thầy Quân cho biết thêm, khi lên đây công tác, lúc đầu họp phụ huynh, nhà trường cũng muốn xin bà con mỗi người hỗ trợ cho các cô giáo trông trẻ buổi trưa 1.000 đồng/buổi. Thế nhưng, khi thấy hoàn cảnh của nhiều bé quá khó khăn, nên thầy Quân rút lại ý định. Thay vào đó, hiệu trưởng động viên các thầy, cô giáo cùng nhau hãy cố gắng vì trẻ thơ.

“Tâm nguyện của tôi là ngôi trường này được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang hơn, để giúp thầy, cô giáo và những đứa trẻ đang theo học ở đây đỡ khổ. Bởi, hiện nay diện tích đất của trường chưa đầy 600m2. Cơ sở vật chất đã xuống cấp, dụng cụ học tập còn thiếu, đồ chơi của các bé phải chất vào kho vì không có sân chơi...”, thầy Quân tâm sự.

Thầy Ngân Văn Tùng - đưa cơm trưa vào điểm lẻ cho học sinh. Ảnh: Thế Lượng

Thầy Ngân Văn Tùng - đưa cơm trưa vào điểm lẻ cho học sinh. Ảnh: Thế Lượng

Nhận xét về thầy Quân, ông Hà Tự Nhiên – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước chia sẻ: “Từ khi thầy Trịnh Hồng Quân được điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng ở Trường Mầm non Thành Sơn, đã phát huy được tố chất, năng lực của mình và cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách.

Không những vậy, thầy Quân còn được bà con ở Thành Sơn rất yêu quý. Bởi, thầy giáo ấy là người chịu khó học hỏi, tìm tòi về nét văn hóa của đồng bào vùng cao Thành Sơn, cũng như tự học tiếng Thái, để có thể giao tiếp với bà con dân bản”.

"Toàn tỉnh Thanh Hóa có 62 thầy, là giáo viên mầm non. Riêng huyện Bá Thước có lượng giáo viên mầm non là nam, chiếm tỉ lệ cao nhất tỉnh Thanh Hóa, hiện nay là 17 thầy. Việc có thêm các thầy trong trường, cũng là nâng cao nhận thức cho những người làm công tác giáo dục cần xóa bỏ định kiến giới. Đó là điều mà tôi thấy rất cần thiết", ông Hà Tự Nhiên- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.