Hạnh phúc khi "rẽ ngang" đúng hướng
Tốt nghiệp chuyên ngành Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, TP. HCM nhưngVõ Hà Tuyết Hạnh đã chọn trở thành một cô giáo sau khi học thêm khoá nghiệp vụ sư phạm tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM,để góp phần nối dài đam mê với môn Sinh học cho các thế hệ học trò.
Cô Hạnh tâm sự: Có lẽ tôi đến với nghề giáo viên là do cơ duyên, nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Tôi đến với nghề nhờ niềm đam mê đối với Sinh học và cơ duyên với công việc gia sư trong những năm tháng sinh viên. Những buổi dạy thêm cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, giúp tôi không còn coi công việc gia sư đơn thuần chỉ là công cụ kiếm tiền nữa mà đó là niềm yêu thích, sự say mê, là bước đệm cho tôi theo đuổi nghề nghiệp lâu dài.
Khi được trực tiếp giảng dạy cho học sinh, tôi càng tự hào về công việc mà mình đang theo, bắt đầu yêu thích nghề giáo và quyết tâm sẽ gắn bó với nghề, quyết tâm vượt mọi khó khăn để trở thành một cô giáo tốt.
Bảng thành tích của cô giáo Võ Hà Tuyết Hạnh
- Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh;
- Giải Khuyến khích cấp Quốc gia Cuộc thi Dạy học tích hợp năm học 2015-2016
- Giải Nhất cấp tỉnh Cuộc thi Dạy học tích hợp năm học 2015 - 2016
- Giải Nhì cấp tỉnh Cuộc thi Dạy học tích hợp năm học 2016-2017
- Có 9 sáng kiến kinh nghiệm được Sở GD&ĐT công nhận (5B, 4C);
- Có nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh (21 học sinh giỏi): 01 HS đạt giải Ba cấp quốc gia môn Địa lí năm học 2010-2011; 15 HS giỏi cấp tỉnh: 01 HS đạt giải Ba Kì thi thông tin phát hiện học sinh giỏi năm học 2002 - 2003; 4 HS đạt giải tại Kỳ thi Olympic 10/3 (2HCV, 1HCB, 1HCĐ);
- Nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở;
- Được tặng 24 Giấy khen của các cấp;
- Nhà giáo tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2021.
Trong suốt những năm gắn bó với nghề, đối với tôi có rất nhiều kỉ niệm trong giảng dạy, trong công tác chủ nhiệm, nghiên cứu khoa học và luyện thi học sinh giỏi. Tôi cho rằng, thành quả lớn nhất của quá trình "dùi mài kinh sử" là sự hoàn thiện về kiến thức. Bên cạnh đó, tâm lí thi cử vững vàng và kĩ năng học chủ động, sáng tạo cũng là điều cốt yếu để học sinh phát huy được khả năng của mình.
Theo kinh nghiệm của cô Hạnh: "Trong quá trình giảng dạy, giáo viên hãy dự đoán những khó khăn mà học sinh sẽ gặp phải, ghi chú những học sinh cần sự hỗ trợ và xây dựng phương án để có thể giúp đỡ các em ngay trên lớp.
Bản thân tôi còn áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược: Khuyến khích học sinh dành thời gian để tìm hiểu trước bài ở nhà, giáo viên chia sẻ nội dung bài học qua các video và tài liệu học tập, thời gian trên lớp sẽ được dành cho các hoạt động thảo luận và trao đổi về những khó khăn và những vấn đề mà học sinh còn thắc mắc. Khi các hoạt động như vậy diễn ra, học sinh sẽ bị cuốn vào nội dung bài học một cách hết sức tự nhiên".
Cũng nhờ những sáng tạo và nhiệt huyết với công việc, từ một cô giáo “rẽ ngang”, trong gần 10 năm công tác, cô Hạnh đã dẫn dắt các lứa học trò gặt hái thành công đáng ngưỡng mộ trong các kỳ thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học,…Cô Hạnh cũng là một trong số những giáo viên được vinh danh giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2021.
Nỗ lực bù đắp cho học sinh trong đại dịch
Cũng như đồng nghiệp khắp nơi, đại dịch Covid-19 đã khiến cô Hạnh và các học sinh của mình từng gián đoạn việc học trực tiếp. Biết bao khó khăn, bộn bề đã ở lại phía sau khi các thầy cô luôn đồng hành, động viên học sinh, giúp các em vững tâm lý và kiến thức để chinh phục các kỳ thi.
Tại Trường THCS Nguyễn Du, hiện nay cũng có một số học sinh mắc Covid-19. Trường cũng thực hiện phương án dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến. Nếu xuất hiện F0 trong trường học, những nhóm lớp nào liên quan đến F0 thì mới chuyển sang học trực tuyến, các lớp khác vẫn học trực tiếp.
“Theo tôi, trong tình hình vừa học vừa chống dịch hiện nay thì để đảm bảo hiệu quả dạy và học gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, học sinh cần phải biết thích nghi, biến khó khăn thành cơ hội cho mình. Giáo viên chỉ đóng vai trò truyền đạt, hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập. Giáo viên là người hướng dẫn các em phương pháp, còn học sinh sẽ là người thực hành, vận dụng các phương pháp để học tập tốt. Điều cốt lõi vẫn là ý thức học tập của học sinh, các em phải chủ động tìm kiếm tài liệu cũng như qua hoạt động thực tế, thí nghiệm để chiếm lĩnh kiến thức cho riêng bản thân” – cô Hạnh nói.
Cô Hạnh chia sẻ thêm: Bản thân tôi cũng như thầy trò cả nước trong đại dịch vừa qua, việc học, ôn luyện trực tuyến cũng đem lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Qua đó, mỗi thầy cô sẽ rút ra được một số kinh nghiệm cho mình. Cùng nhìn lại quãng thời gian khó khăn vừa qua, chúng ta nhận ra rằng dù bạn là ai, bạn đến từ đâu, bạn làm công việc gì, …trong dòng chảy này, rủi ro từ đại dịch Covid-19 không chừa một ai.
Dịch Covid-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm bệnh. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch.
Phương thức dạy học qua truyền hình hay học trực tuyến gây hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Nhiều cơ sở giáo dục đã phải vật lộn với những lựa chọn khó khăn về đánh giá thi cử trực tuyến. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất (đường truyền, trang thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến...) không đáp ứng, nhiều gia đình không đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị học tập cho con em; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và việc giám sát, hỗ trợ con em học trực tuyến của cha mẹ học sinh nhìn chung cũng có tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục.
Tuy vậy, trong đại dịch, kỹ năng quan trọng nhất mà chúng ta có thể rèn luyện là sự lớn mạnh và thích ứng. Tăng cường nhận thức và kỹ năng cho cả hai nhóm đối tượng là giáo viên và phụ huynh. Cần nhận thức và chấp nhận, việc chuyển đổi số trong giáo dục sẽ là một quá trình dài lâu và ổn định.