Chuyện về 'gái thuyền quyên nuôi con thành đạt' ở làng Phú Bông

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bà Tú Kinh là người phụ nữ trung hậu, đảm đang, tháo vát, kính chồng, thương con hết mực, yêu lẽ phải, luôn vì bà con cộng đồng Phú Bông.

Nghề dệt lụa truyền thống tại làng lụa Hội An, Quảng Nam. Ảnh minh họa: INT.
Nghề dệt lụa truyền thống tại làng lụa Hội An, Quảng Nam. Ảnh minh họa: INT.

Trong cuốn Đại Nam nhất thống chí - bản triều Duy Tân, tại mục “phong tục” Quảng Nam đánh giá chi tiết con người ở đây như sau: “Đàn ông lo việc cày ruộng, trồng dâu; đàn bà chuyên nghề nuôi tằm, dệt cửi, núi sông thanh tú cho nên nhiều người có tư chất thông minh, dễ thuận theo nghiệp học hành”.

Xin được ôn lại chuyện xảy ra hồi đầu thế kỷ XX ở làng Phú Bông, Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam trong bối cảnh xảy ra cuộc khởi nghĩa Duy Tân do Việt Nam Quang Phục hội tổ chức.

Làng Phú Bông có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, dệt hàng, dệt tussor... sớm phát triển. Cả làng là một trung tâm có kỹ nghệ sản xuất hàng tơ lụa bán đi khắp trong nước, qua đến Nam Vang, Nam Dương, Thượng Hải, Nhật Bản...

Ở Phú Bông nghề dệt gắn liền với buôn bán quanh năm nên nhiều nhà giàu lên rất nhanh. Thời đó truyền tụng câu ca: “Quảng Nam có lụa Phú Bông/ Có khoai Trà Đỏa, có sông Thu Bồn”.

Làng quê không lớn nhưng có nhiều thanh niên hào kiệt và thục nữ yêu kiều, trong số khuê nữ nền nếp có cô Nguyễn Thị Thuyền (khoảng 1880 - 1948), con gái ông Nguyễn Tăng Hòe (còn gọi là Cai Hòe) ở Phú Bông nay thuộc Cẩm Phú, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn.

Họ Nguyễn Tăng là một danh gia đã nuôi dưỡng nên nhiều trí thức có tiếng trong vùng, trong đó có nhiều con cháu đỗ bác sĩ như Nguyễn Tăng Chuẩn, Nguyễn Tăng Cơ…).

Trong làng, có Tú tài Trương Ngọc Phiên (khoảng 1876 - 1916) vốn xuất thân từ gia đình truyền thống thi thư chí lớn. Hơn cô Thuyền chừng 4 tuổi, chàng Trương là người sớm để ý đến cô gái duyên dáng, nết na họ Nguyễn.

Hưởng ứng phong trào Duy Tân, Tú tài Trương Ngọc Phiên đã cắt tóc ngắn mặc Âu phục, tham gia hội thương nhân, hội nhà nông và đặc biệt là thành lập Trường học Phú Bông để “khai dân trí, chấn dân khí”.

Trường Phú Bông là trường lớn chỉ sau Trường Diên Phong do Phan Thúc Duyện thành lập ở Phong Thử (Điện Thọ) và Trường Phú Lâm (Tiên Sơn) do Lê Cơ thành lập.

Khi tình yêu của ông Phiên và bà Thuyền đến độ chín muồi, đôi trai tài gái sắc đã nên duyên vợ chồng trong sự hân hoan của 2 họ và bà con làng trên xóm dưới. Do ông Phiên còn có tên thường gọi là ông Tú Kinh nên bà Thuyền cũng được xóm làng trân trọng gọi là bà Tú Kinh.

Tuy gia sản không lớn nhưng bà Thuyền và ông Phiên sống rất đầm ấm. Bà Thuyền đảm đang giỏi thu vén, tự dệt lụa và tổ chức cho mấy người làm cùng ươm tơ, dệt lụa cung cấp sản phẩm cho mấy cửa hàng trên thị trấn. Thấy chồng mê mải đọc sách, giao thiệp với nhiều người danh tiếng, bà ân cần chăm sóc ông, động viên, hỗ trợ ông.

Ngôi nhà của ông bà nhiều lúc nhộn nhịp khách khứa viếng thăm. Lúc đó, hoạt động của Việt Nam Quang Phục hội (một tổ chức cách mạng thành lập năm 1912 do Phan Bội Châu đề xướng với mục đích đánh đuổi người Pháp khỏi Đông Dương. Tôn chỉ là: Khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Dân quốc) đã bắt đầu lan đến Phú Bông và nhiều nơi khác của Quảng Nam và các thị thành khác.

Danh tiếng của bà Tú Kinh đã đi vào trong ca dao: “Phú Bông, Hà Mật bao xa/ Kìa cổng rộng mở - nhà bà Tú Kinh”. Ông Phiên, kết thông gia với chí sĩ Phan Thành Tài, tham gia phong trào Duy Tân ngay từ những năm đầu.

Ông Phan Thành Tài là một yếu nhân của Việt Nam Quang Phục hội, chủ động từ quan, bỏ việc Thông phán tại Bác cổ Học viện Nam Kỳ ở Sài Gòn về dạy các môn khoa học của Trường Dân Phong ở Phong Thử, hướng theo ngọn cờ Duy Tân và chủ trương của Việt Nam Quang Phục hội.

Ông Phiên trao đổi kinh nghiệm với ông sui gia, được vợ mình ủng hộ nên mở Trường Phú Bông. Bà Tú Kinh ngoài việc gia đạo, buôn bán tơ lụa kiếm tiền sinh nhai cho gia đình lại thêm việc quản lý trường giúp chồng nên rất bận rộn, hầu như ngày nào cũng phải thức khuya dậy sớm.

***

Từ sau 1915, Việt Nam Quang Phục hội trở thành một đảng chống Pháp trong nước, lên kế hoạch lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ nền thống trị của Pháp vào năm 1916. Lực lượng khởi nghĩa liên hệ và coi vua Duy Tân là lãnh tụ, cắt cử nhiệm vụ cho các lãnh đạo.

Họ sử dụng một vài ngàn lính mộ luyện tập tại Huế và các binh lính khố đỏ, khố xanh ở kinh thành và các tỉnh; quyết tâm đánh chiếm kinh đô và ba tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi làm căn cứ.

Cuộc khởi nghĩa đặt mục đích là đánh Pháp, khôi phục Việt Nam, xây dựng chế độ cộng hòa dân quốc theo thể chế quân chủ lập hiến. Chí sĩ Phan Thành Tài nhận trách nhiệm Tổng chỉ huy khởi nghĩa của Quảng Nam, còn chí sĩ Trương Ngọc Phiên được giao phụ trách việc hậu cần, tài chính, quân lương.

Tuy nhiên do bị lộ, khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quang Phục hội thất bại, vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion (Pháp) còn các thủ lĩnh khác như các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phạm Hồng Cương, Lê Đình Dương, Phan Thành Tài… đều bị hành quyết.

Khi chí sĩ Phan Thành Tài chết, người Pháp và tay sai tìm đến Phú Bông để bắt Tú tài Trương Ngọc Phiên nhằm dập tắt hẳn ngọn lửa yêu nước mà các sĩ phu vừa nhen nhóm lên.

Một phụ nữ trong làng vốn kính trọng gia đình ông bà Tú Kinh liền nhanh chóng lách vào lối cuối vườn, đi cửa sau báo cho bà Tú biết. Bà liền dắt ông Phiên trốn vào kho chứa củi (để ươm tơ) sau nhà - giáp với kho dùng ươm tơ của hàng xóm, để ông tiện bề ẩn nấp khi động có thể bí mật bò sang kho nhà láng giềng.

Khi ông Phan Thành Tài bị giặc xử bắn, bà Tú Kinh vừa đi vừa khóc nặng nề đến chỗ chồng báo tin; biết khó tránh được kiếp nạn, ông bàn với bà tìm mua sẵn độc dược để lo việc sau này.

Ông thắp hương vái, khóc người sui gia cùng chí hướng đã hy sinh vì nước rồi cầm tay vợ nói: Bọn giặc sẽ không tha cho tôi, tôi đi trước bà đây. Giây lát ông uống độc dược và mấp máy môi: Bà thay tôi nuôi dạy bọn trẻ thành tài để phụng sự quốc gia. Bà gật đầu mấy lần, ông mới chịu nhắm mắt.

***

Làng Phú Bông, nay là thôn Cẩm Phú, xã Điện Phong, Điện Bàn phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng.

Làng Phú Bông, nay là thôn Cẩm Phú, xã Điện Phong, Điện Bàn phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng.

Gạt nỗi đau thương, bà Tú Kinh cùng người làng Phú Bông tổ chức ma chay cho chồng xong, bà đến từng nhà cảm ơn họ đã giúp đỡ gia đình bà. Thế rồi người phụ nữ mới 36 tuổi nuốt nước mắt, dồn hết yêu thương nuôi các con khôn lớn, hiển đạt.

Mỗi khi rảnh rỗi hiếm hoi, bà lại vào thư viện ở nhà chính, ngắm các con học tập say sưa, lúc đó ánh mắt thật tự hào, hạnh phúc. Bà tâm sự với họ: Trong mọi xã hội, có 2 nghề đem lại phúc đức là dạy người và cứu người, đó là sư phạm và y học; các con nên theo học hành để vừa phát triển bản thân lại có thể phục vụ dân tình.

Người con trai đầu của bà sau này trở thành Thượng thư là Trương Xuân Mai, từng đậu Cử nhân Hán học kinh qua chức Tổng đốc Nghệ An, sau ra Hà Nội học Trường Đào tạo Luật và Hành chính (Ecole de Droit et d’Administration) rồi Trường Đại học Giáo dục (Ecole de Hautes Études).

Thời dạy tại Trường Quốc học Huế, ông được đánh giá là người biết vận dụng cả tri thức văn hóa phương Đông, văn hóa dân tộc và tri thức tiến bộ của phương Tây trong giảng dạy nên học trò và đồng nghiệp rất quý trọng.

Con thứ là bác sĩ Trương Đình Ngô, tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương, sau qua Pháp du học 2 năm, lấy được bằng bác sĩ về nước mở an dưỡng đường phục vụ công chúng. Năm 1954, bác sĩ Ngô tập kết ra Bắc làm Giáo sư tại Đại học Y khoa Hà Nội.

Người con thứ 3 là Trương Xuân Hoàng theo nghiệp sản xuất kinh doanh tơ lụa của mẹ, bám trụ ở Phú Bông săn sóc bà Thuyền chu đáo.

Kế tiếp là bác sĩ Trương Gia Thọ, nổi tiếng là người chính trực, gương mẫu, hiếu thuận. Lúc học ở Trường Bưởi, ông cùng một số bạn bè cùng lý tưởng đã tổ chức nhiều hình thức đấu tranh đòi thực dân Pháp cải cách chính trị, bãi bỏ chế độ hà khắc đối với nhân dân.

Ông là một trong các lãnh đạo những cuộc đấu tranh bãi khóa hăng hái nhất - bị thực dân Pháp đuổi khỏi trường, và nặng nhất là không cho nhập học lại bất cứ trường nào trên lãnh thổ Đông Dương.

Bấy giờ bác sĩ Trương Đình Ngô đã về nước hành nghề, bèn gửi đơn kiện đến Toàn quyền Đông Dương và Tổng thống Pháp về tính vô nhân đạo của lệnh cấm ông Thọ nhập học, buộc Pháp phải cho phép ông Thọ được học tại một trường lycée (trung học) trên đất Pháp.

Bà Tú Kinh lo liệu cho ông Thọ qua Pháp học và tốt nghiệp bác sĩ, sau đó ông học tiếp 2 năm chuyên khoa (interne des hôpitaux - bệnh viện nội trú). Về nước hành nghề y, năm 1943, ông là Giám đốc Bệnh viện Tourane (Đà Nẵng). Tập kết ra Bắc, ông làm Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trong nhiều năm liền, nổi tiếng là người sâu sát, có nhiều sáng kiến trong quản lý y tế Thủ đô.

Người con thứ năm theo ngành Dược là Trương Xuân Nam, tốt nghiệp dược sĩ tại Đại học Paris, năm 1939; về nước mở hiệu thuốc ở Quy Nhơn, Bình Định. Ông tham gia cách mạng từ ngày đầu khởi nghĩa; năm 1947, trở thành Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương (Bộ Y tế). Tiếp quản Thủ đô (1955), ông là Tổng Thư ký Tổng hội Y Dược học Việt Nam.

Hai con gái bà Tú Kinh cũng được bà hết lòng nuôi dạy, đều trưởng thành, có nghề nghiệp và tự lập vững vàng.

Các con bà Tú Kinh thường nhắc nhau nhớ đến lời dạy của bà rằng: Đất nước ta sẽ có ngày độc lập, người có chí hướng phải học hành có nghề giỏi, sống có trách nhiệm xã hội, vì dân vì nước.

Thành quả của những người con có công sức to lớn của người mẹ hiền. Bà Tú Kinh là người phụ nữ trung hậu, đảm đang, tháo vát, kính chồng, thương con hết mực, yêu lẽ phải, luôn vì bà con cộng đồng Phú Bông. Ở Phú Bông, có nhiều nhà theo nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, nhưng bà là nhà sản xuất lụa tơ tằm nhiều nhất, sớm nhất, có nhiều khung cửi nhất.

Chính bà là người đi tiên phong và đầu tàu phát triển ngành nghề, kỹ nghệ lụa Phú Bông. Lụa Phú Bông bấy giờ không chỉ bán tới Sài Gòn, Hà Nội, mà qua đến Nam Vang, Thượng Hải, Nhật, Nam Dương...

Để có kén ươm tơ, dệt lụa bà tổ chức trồng dâu nuôi tằm, rồi phát canh cho nông dân trồng mía nấu đường, trồng nếp nấu rượu... tạo hàng trăm, hàng ngàn công ăn việc làm cho dân làng. Từ trước năm 1945, đường trong làng Phú Bông đều đã lát gạch, làng có thư viện, trạm xá, nhà hộ sinh... ban đêm nhiều nhà thắp đèn măng sông sáng trưng.

Bà ghét tham quan ô lại, kẻ xấu nhưng luôn thương yêu che chở dân nghèo. Phú Bông là vùng thấp của huyện Điện Bàn xưa, năm nào cũng có lụt lớn, nhân dân bị nhà ngập sâu đều kéo đến ở nhà bà, bà lo cho dân ăn ở, cưu mang cho biết bao gia đình gặp nạn.

Người dân Phú Bông ngày nay vẫn cho rằng do gia đình bà Tú Kinh sống lương thiện vì nghĩa nhiều đời nên con cháu các thế hệ sau này của bà vẫn nối tiếp truyền thống học hành giỏi giang, tận hiến tài sức vì quê hương đất nước. Cùng với những tấm gương khác ở Điện Phong và từ khắp nơi trên lãnh thổ đất nước, họ mãi mãi là niềm tự hào của mọi vùng đất thân yêu của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.