Chuyện về cô hiệu trưởng tình nguyện vào khu cách ly chăm sóc học trò

GD&TĐ - Với tấm lòng yêu học sinh như con, cô Lê Thị Tuyết Lan là tấm gương tiêu biểu khi gác lại hạnh phúc gia đình, tích cực phối hợp với ngành y tế và chính quyền địa phương để thực hiện công tác phòng chống dịch.

Cô Lê Thị Tuyết Lan- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương
Cô Lê Thị Tuyết Lan- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương

Đề xuất trưng dụng trường học làm nơi cách ly tập trung

Cô Lê Thị Tuyết Lan- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là nhân vật sẽ chia sẻ cảm xúc trên sân khấu của chương trình Truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân” được Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 14/11 tới đây tại Hà Nội.

Nhớ về thời gian gần 1 năm trước, cô Lan cho biết: Chiều 29/1, khi nhận tin bố của nam sinh lớp 3E dương tính nCoV ("bệnh nhân 1694"), cô vội thông báo cho tất cả phụ huynh biết nam sinh này thuộc diện F1, rất nhiều học sinh và phụ huynh ở trường thuộc diện F2, chắc chắn phải cách ly. Cô kêu gọi phụ huynh đồng hành, thường xuyên kiểm tra tin nhắn để nắm bắt thông tin. Ở trường, toàn bộ nhân viên tham gia vệ sinh, khử khuẩn.

3h sáng 30/1, nhận tin học trò lớp 3E đã mắc Covid-19, cô đã thông báo đến 100% phụ huynh thông tin này. Kết quả, 5h sáng, tất cả phụ huynh nhận được tin nhắn thông báo các con diện F1 chắc chắn phải đi cách ly tập trung. Lúc đó chưa biết sẽ cách ly ở đâu, nhà trường dặn phụ huynh và học sinh nghiêm túc thực hiện cách ly tại nhà. Sáng hôm đó, cô Lan tiếp tục cho phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường lần hai.

Cô trò Trường tiểu học Xuân Phương trong chương trình đón Tết tại khu cách ly
Cô trò Trường tiểu học Xuân Phương trong chương trình đón Tết tại khu cách ly

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của thành phố với quận Nam Từ Liêm vào tối 30/1, cô Lan báo cáo 10 giáo viên, 11 phụ huynh và 56 học sinh thuộc diện F1. Nếu cách ly tập trung, 21 người lớn là giáo viên và phụ huynh có thể chăm sóc trẻ.

Cô mạnh dạn đề xuất lấy trường Tiểu học Xuân Phương làm nơi cách ly để phụ huynh yên tâm. Đây là lần đầu tiên trường học được tận dụng làm nơi cách ly Covid-19 dành riêng cho học sinh nhà trường. “Việc đề xuất này là chưa có tiền lệ và nhà trường cũng rất bỡ ngỡ khi triển khai. Nhưng vì tình thương đối với học sinh, tôi đã mạnh dạn trình bày những giải pháp tối ưu để thực hiện”, cô Lan nói.

Sau đó, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 đã đồng ý, lựa chọn trường Tiểu học Xuân Phương làm nơi cách ly, đồng thời cho phép phụ huynh đi cùng để chăm sóc. Ngay trong đêm, cô Lan vội thông báo tới phụ huynh, huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên đến trường dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất.

Cô Lan nhận được sự tin yêu của học sinh và các phụ huynh
Cô Lan nhận được sự tin yêu của học sinh và các phụ huynh

Tự nguyện cách ly để chăm sóc học trò

Dù không thuộc đối tượng phải cách ly nhưng cô Lan và một số giáo viên khác vẫn tình nguyện ở lại trường để chăm lo cho học sinh và phụ huynh trong thời gian thực hiện cách ly tại trường, như cô chia sẻ đây ngoài trách nhiệm của một người đứng đầu nhà trường, còn là niềm thương yêu đối với học sinh, những đứa trẻ thành phố chưa một lần xa gia đình, xa bố mẹ.

Khoảng 23h ngày 30/1, những phụ huynh đầu tiên đưa con đến. Đang ngủ, bị bố mẹ gọi dậy, lại thấy chuẩn bị valy, nhiều em phấn khích vì ngỡ đi du lịch. Thế nhưng thấy đến trường, biết phải cách ly, nhiều em buồn rầu, đặc biệt là những em không có bố mẹ đi cùng.

3h sáng 31/1, những người trong khu cách ly bắt đầu được xét nghiệm, tổng cộng 116 mẫu. Chưa có kết quả, lo lắng không thể ngủ, cô Lan đi lại rà soát cơ sở vật chất. Chỗ ngủ không thiếu. Chăn cũng đủ do ngày thường vẫn có 900 học sinh ở bán trú tại trường, chưa kể nhà trường đã dặn phụ huynh mang theo. Thế nhưng, các phòng rất thiếu màn. Cô lại kêu gọi hỗ trợ màn từ bên ngoài vào.

Cũng ở trong trường nhưng cách ly vòng ngoài, cô Lan cùng thầy hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn, kế toán và hai bảo vệ cùng trực, cách ly 21 ngày như những người thuộc diện F1 dù không ở trong nhóm này. "Chúng tôi phải ở đây để lo cơ sở vật chất, động viên tinh thần cho giáo viên, phụ huynh và học sinh", cô Lan chia sẻ.

Hơn 22h tối 31/1, thông tin tất cả giáo viên, phụ huynh, học sinh cách ly tập trung tại trường đều âm tính khiến cô Lan hạnh phúc như vỡ oà. Đó cũng là đêm đầu tiên sau 45 giờ liên tiếp, cô Lan được ngủ khoảng 5 tiếng. 18 năm làm công tác quản lý, gần ba năm làm hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương, từ ngày đầu trường thành lập năm 2018, cô Lan chưa bao giờ trải qua "căng thẳng đến vậy".

Đến ngày 29 Tết, thành phố thông báo sẽ cho một số học sinh, phụ huynh và giáo viên xét nghiệm âm tính lần 3 được về ăn Tết và cách ly tại nhà. Nhưng chỉ có 28 người, trong đó có 15 học sinh rời khu cách ly. Một số giáo viên, học sinh, trong đó có cô hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Lan đã tiếp tục tình nguyện ở lại khu cách ly.

Cô Lan chia sẻ: "Vẫn còn những học sinh phải đón Tết xa nhà thì chúng tôi không yên tâm trở về. Cô Lan cho biết trong số những giáo viên, nhân viên phải ở lại trường cách ly, cũng có những người có thể về nhà vào ngày 29 nhưng đã quyết định ở lại. Hơn 10 cán bộ, giáo viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quán xuyến việc nhắc nhở nề nếp, tổ chức hoạt động cho học sinh để "quên đi hiện thực cách ly".

Chị Nguyễn Thị Hoa, một phụ huynh có thời gian cách ly cùng con tại Trường tiểu học Xuân Phương cho biết: Trong những ngày cách ly tại trường, tất cả mọi người đều cảm động trước sự tận tình của các thầy cô giáo, đặc biệt là cô hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Lan.

Cô Lan đã tự nguyện vào vòng ngoài khu cách ly để quán xuyến mọi việc, chăm sóc cho 56 học trò nhỏ đang thực hiện cách ly tại trường. Cô đã truyền cảm hứng cho mọi người về sự tận tâm với công việc cũng như tình yêu thương đối với học sinh. Tất cả mọi người đều cảm động và rất biết ơn cô giáo.

Rồi niềm hạnh phúc đã đến vào 7h30 ngày 14/2/2021 (tức mùng 3 Tết), tất cả mọi người đều được trở về nhà sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là kỉ niệm đáng nhớ, sẽ đọng trong tâm trí thầy trò trong suốt những năm sau này, cô Lan cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ