Cảm biến tại nhà người già đơn thân
Tháng 8/2017, tại triển lãm giới thiệu dịch vụ, sản phẩm dịch vụ ưu việt của Nhật Bản dành cho người cao tuổi được diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh. Một số doanh nghiệp Nhật đã giới thiệu hệ thống giám sát chăm sóc sức khỏe từ xa “Anshin-net” giúp phát hiện các triệu chứng bệnh sớm, dựa trên các thay đổi về nhiệt độ, huyết áp, đường huyết…của cơ thể người già, hay Tetsuyu cung cấp ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế như cảm biến về nhu cầu tiểu tiện và đại tiện.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần bức tranh công nghiệp chăm sóc người già tại đất nước mặt trời mọc. Tại Nhật Bản, dịch vụ và công nghệ chăm sóc người già đang bùng nổ với sự ra đời của hàng loạt công nghệ và sản phẩm mới.
Cũng trong tháng 9/2017, hãng điện tử Panasonic đã thử nghiệm dịch vụ giám sát từ xa đối với những người già sống một mình. Nhằm cảnh báo cho các điều dưỡng viên những dấu hiệu về vấn đề sức khỏe. Tại 10 ngôi nhà ở 3 thành phố ở Nhật, các thiết bị cảm biến này sẽ theo dõi mọi hoạt động của người già đơn thân, từ hơi thở cho đến đặc điểm giấc ngủ của họ, hay cả nhiệt độ trong các phòng của ngôi nhà.
Các điều dưỡng viên sẽ được liên lạc để thực hiện kiểm tra các ngôi nhà này, nếu các thay đổi cho thấy có điều gì đó bất ổn xảy ra, chẳng hạn như nhiệt độ tăng nhanh trong một căn phòng hoặc các dấu hiệu của một giấc ngủ không ngon… Bất kỳ điều gì đó bất thường xảy ra cũng sẽ được cảnh báo, chẳng hạn như tiếng động của một cú ngã hay đèn điện bị bật tắt trong thời gian quá lâu.
Hệ thống cảm biến giám sát của Panasonic được sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân tích các mối liên quan giữa sức khỏe trước đây của chủ nhà và các đặc điểm giấc ngủ của họ để dự đoán các vấn đề trước khi chúng xuất hiện.
Sự lên ngôi của robot điều dưỡng
Tại các công viên ở đất nước Nhật Bản, đồ chơi trẻ em đang dần biến mất và thay vào đó là các loại máy tập fitness cơ bản dành cho người già. Mỗi năm, có 400 trường học Nhật Bản bị đóng cửa và chuyển thành viện dưỡng lão. Sự thật là Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, trong khi người dân trong nước vẫn chưa cởi mở đối với người nhập cư.
Yếu tố này đã giúp thuận lợi để Chính phủ Nhật Bản thí điểm sử dụng robot tại trung tâm chăm sóc người già Silver Wing Care ở Tokyo. Silver Wing Social Care đã bắt đầu sử dụng robot để làm việc với người cao tuổi cách đây bốn năm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước mang tính thử nghiệm và mọi tính chính xác nhất vẫn phải do các điều dưỡng viên Nhật Bản trực tiếp chăm sóc người cao tuổi. Robot chỉ đơn thuần là công cụ hỗ trợ.
Chế độ chăm sóc toàn diện
Trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho việc phát triển các robot chăm sóc người cao tuổi nhằm giúp lấp đầy "khoảng trống" khoảng 380.000 lao động chuyên môn vào năm 2025. Cho phép robot chăm sóc người cao tuổi - một công việc thường được xem là đòi hỏi sự kết nối giữa con người - có thể là một ý tưởng táo bạo ở các nước phương Tây, song nhiều người Nhật lại nhìn điều này một cách tích cực.
"Những con robot này thật tuyệt vời", cụ Kazuko Yamada, 84 tuổi, đã chia sẻ như vậy sau buổi tập thể dục với Pepper, robot do Tập đoàn SoftBank Robotics sản xuất có khả năng thực hiện các cuộc đối thoại. Cụ cho biết ngày càng có nhiều người sống một mình, và một con robot có thể làm bạn với họ cũng như mang lại niềm vui trong cuộc sống.
Dù mang lại nhiều điều tích cực, song việc phát triển và đưa những con robot "thú cưng" vào việc chăm sóc người cao tuổi cũng đối mặt nhiều trở ngại như chi phí đắt đỏ, các vấn đề an toàn, và những hoài nghi về tính hữu dụng của những con robot.
Đơn cử như Paro, chú hải cẩu bông này có thể phản ứng khi được vuốt ve, hay những câu hiệu lệnh của chủ nhân bằng cách di chuyển đầu, nhấp nháy mắt và cất tiếng khóc như một chú hải cẩu thực sự. Để phát triển Paro, nhà phát minh Takanori Shibata thuộc Viện Công nghệ và khoa học công nghiệp tiên tiến đã phải mất hơn 10 năm để phát triển với 20 triệu USD hỗ trợ của chính phủ.
Giá của một chú Paro không hề rẻ khi lên tới 400.000 yên (tương đương 3.800 USD) ở Nhật Bản và khoảng 5.000 euro (6.200 USD) ở châu Âu. Hầu hết chi phí thí điểm đều do chính phủ tài trợ cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, ông Kimiya Ishikawa, Chủ tịch Tập đoàn Phúc lợi xã hội Silverwing, công ty điều hành Viện Dưỡng lão
Shintomi, cũng thừa nhận cho đến nay, các robot chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ cho các nhân viên tại đây, song chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong nhiều hoạt động chăm sóc người cao tuổi. Theo ông, mục đích của những chú robot là nhằm cải thiện môi trường làm việc, cũng như vực dậy tinh thần vui tươi cho những người già tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi.