Chuyện tình như cổ tích của cặp vợ chồng khiếm thị

GD&TĐ - Nhiều năm nay, ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), người ta vẫn kể với nhau câu chuyện về nghị lực của vợ chồng chị Nông Thị Hợi (36 tuổi) và anh Nguyễn Hữu Lai (51 tuổi). Cuộc đời đã lấy đi của họ đôi mắt sáng, nhưng họ đã trở thành đôi mắt của nhau, cùng nhau viết lên một chuyện tình thật đẹp, dùng nghị lực để động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.

Chuyện tình như cổ tích của cặp vợ chồng khiếm thị

Không còn thấy mặt trời

Khi sinh ra, chị Nông Thị Hợi vẫn bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng khi lên 3 tuổi, do mắc bệnh sởi, chị bị biến chứng và không còn thấy ánh sáng nữa. Thấy con như vậy, bố mẹ chị Hợi cũng không đành cho con đến trường vì lo lắng con không theo kịp các bạn bình thường khác. Chị không được đến trường, bạn bè gần nhà cũng không muốn chơi với một cô bé mù. Chị chỉ quanh quẩn ở nhà giúp đỡ bố mẹ một vài việc lặt vặt.

Đến năm chị 28 tuổi, được nhiều người giới thiệu việc làm tại một trung tâm bấm huyệt của người khiếm thị ở Hà Nội, chị thuyết phục bố mẹ cho xuống Hà Nội làm việc. Vốn sinh ra và lớn lên tại một bản thuộc vùng núi cao của tỉnh Lạng Sơn, bố mẹ chị Hợi rất lo lắng cho tình trạng của con mình nên ngần ngại. Nhưng thấy được mong muốn của con, mẹ chị Hợi quyết định theo con gái xuống Hà Nội xin việc và đi theo để tiện bề chăm sóc.

Làm việc được một thời gian, chị gặp anh Nguyễn Hữu Lai, một người khiếm thị cũng đang làm nghề bấm huyệt như chị. Anh Lai vốn là một người bình thường, nhưng mãi đến khi gần 30 tuổi, sau một tai nạn nghề nghiệp, anh bị mất đi đôi mắt. Gặp nhau một tháng ngắn ngủi, hai người chỉ nghe giọng nói của nhau mà trở nên cảm mến, nảy sinh tình cảm và mong muốn kết hôn với nhau.

Viết nên một chuyện tình cổ tích

Những tưởng cuộc sống đã mỉm cười, điều hai người không ngờ là cả hai gia đình đều cương quyết phản đối cuộc hôn nhân này. Lý do được đưa ra là một người mù đã rất khó khăn để sinh hoạt bình thường, cả hai người đều chung hoàn cảnh, sẽ lao đông ra sao, chăm sóc con cái thế nào. May thay, tình yêu đã chiến thắng tất cả, để rồi năm 2014, họ chính thức đến với nhau…

Một thời gian sau, em bé đầu ra đời, cũng là lúc khó khăn nhất với gia đình hai con người thiếu may mắn. Chị chỉ có thể làm những công việc lặt vặt trong nhà, còn lại việc chăm sóc con đều phải nhờ mẹ đẻ giúp đỡ. Khi con đủ tuổi theo học mẫu giáo, vợ chồng anh chị phải thuê một người xe ôm để đưa đón con đi học mỗi ngày.

Đến nay, anh chị đã sinh được hai bé gái. Việc chăm sóc con cái vợ chồng chị phải trông cậy vào bà ngoại và những người hàng xóm. Hiểu và thương tình cho hoàn cảnh của anh chị, hàng ngày có người giúp đi chợ mua thức ăn, đồ đạc, có người lại giúp cho con cái ăn uống, thay đồ... Chị Hợi tâm sự: “Cho dù chăm con có vất vả và phải nhờ cậy nhiều người, nhưng đối với tôi, hai con chính là điều quý giá nhất. Nếu hai cháu bị ốm đau, người đưa các cháu đi bệnh viện cũng không thể là hai vợ chồng. Vì vậy, hai vợ chồng cố gắng kiếm tiền để lo cho con, cho cuộc sống gia đình...”.

Hiện tại, để có đủ kinh tế lo cho cuộc sống và chăm sóc hai con, vợ chồng chị thuê mặt bằng và mở một cửa hàng bấm huyệt, tẩm quất nhỏ ở thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Trung bình mỗi tháng, cửa hàng của anh chị cũng có khoảng 200 lượt khách và mang lại thu nhập hơn 16 triệu đồng một tháng. Trong những thời điểm đông khách, anh chị cũng phải thuê thêm những người khiếm thị khác cùng sinh hoạt tại Hội Người mù huyện Ứng Hòa để đảm bảo công việc, giúp tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh kém may mắn như mình.

Nghị lực của chị Hợi và anh Lai, cùng với gia đình hạnh phúc của họ, đã góp phần thắp sáng lên tia hi vọng cho nhiều hoàn cảnh khiếm thị khác. Cho dù cuộc sống đã không cho họ đôi mắt để nhìn, nhưng bằng nghị lực của mình, họ đã cảm nhận cuộc đời bằng trái tim để cùng nhau đi tìm tình yêu, tìm động lực sống. Để ngày hôm nay, được nghe tiếng con khóc, nghe tiếng con bi bô tập nói, căn nhà nhỏ của anh chị lại rộn rã tiếng cười đầy hạnh phúc...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ