Chuyện tình cuối thu

GD&TĐ - Chia tay với đồng nghiệp, học trò miền núi, ông Hoàn về hưu. Ông trở về vùng đồng bằng ven biển, nơi ấy là quê hương ông, có mái nhà thân yêu, nơi vợ con ông đang sinh sống. Vừa bước chân vào nhà ông đã xúc động gọi to:

Chuyện tình cuối thu

- Bà ơi, tôi đã về với bà đây. Mãi mãi tôi ở bên bà đây, bà ơi!

- Ối giời ơi, ông. Ông về thật rồi. Tôi mong ngày này lắm, ông ơi.

Bà vợ ông chạy từ nhà sau lên, hai dòng nước mắt chảy dài, ôm lấy ông. Bà lau nước mắt nhìn kĩ ông hơn. Thế mà đã mấy chục năm rồi. Ngày tiễn ông lên Tây Bắc dạy học, cả hai đều mái tóc còn xanh. Vợ chồng trẻ mới lấy nhau cuộc chia tay tràn đầy thương nhớ.

Thế mà giờ đây mái tóc ông và bà đều đã hoa râm. Những năm tháng gian nan, vất vả, chia xa của ông bà, hai nhà giáo nghèo đã ghi dấu không chỉ trên mái tóc mà cả những nếp nhăn trên mặt và những mất mát về tinh thần, tình cảm trong lòng mỗi người…

Dẫu thời gian công tác, mỗi năm một tháng hè, một tuần Tết ông vẫn về với vợ con, nhưng về rồi lại phải ra đi, càng làm cho ông, bà thêm nặng lòng nhớ thương nhau. Mấy chục năm qua, ông phó thác việc nuôi dạy các con cho vợ, một cô giáo dạy tiểu học ở làng.

Ông mang nặng ơn sâu người vợ hiền tần tảo, một mình vừa công tác, vừa thay ông nuôi dạy các con ông nên người. Con cái ông bà đã trưởng thành đều là cán bộ Nhà nước, có nhà cửa, đều công tác ở trên huyện, ở tỉnh. Bà giờ cũng đã nghỉ hưu. Ngôi nhà ở quê chỉ có ông bà sống với nhau. Đó là nơi tụ họp con cháu ngày nghỉ, ngày lễ, tết.

Lần này về hưu ông quyết chăm sóc bà, dành hết tình yêu thương cho bà đển bù những năm tháng đằng đẵng ông vắng mặt không lo được cho vợ con. Về hưu, ngoài một ít tư trang, ông còn mang theo mấy bao tải lá, rễ cây rừng làm thuốc và mấy cuốn sổ ghi các bài thuốc mà ông học được của các ông lang và bà con dân tộc Thái, Mông ở các bản, làng ông từng dạy học.

Các bài thuốc quý của bà con dân tộc ông dự định bồi bổ cho bà, giúp con, cháu và bà con làng xóm những lúc ốm đau. Từ ngày ông về hưu, bà phấn khởi và mạnh khỏe hơn. Có thể do tình cảm vợ chồng và những thang thuốc của ông làm cho bà trẻ ra, da dẻ hồng hào hơn. Hàng xóm mỗi lần sang chơi đều khen bà trẻ lại đến dăm tuổi. Dẫu muộn màng, nhưng có thể nói đây là những năm tháng bà cảm thấy hạnh phúc nhất kể từ khi họ nên vợ nên chồng.

Nghĩ đến những năm tháng ông thui thủi một mình ở nơi núi rừng xa xôi, bà càng thương ông nhiều hơn. Bà cố bù đắp cho ông những món ăn ông thích, chuẩn bị đĩa lạc rang, cốc rượu, chén trà cẩn thận mỗi dịp các bác láng giềng sang chơi, đánh cờ với ông. Mọi việc trong nhà bà quán xuyến hết chỉ mong ông vui. Bà mắc chứng đau bụng kinh niên, uống thuốc Tây hay thuốc Nam chỉ đỡ mà không khỏi hẳn được.

Có lần đau quá, con trai đưa bà lên bệnh viện tỉnh khám thì phát hiện bà bị ung thư đại tràng ở giai đoạn cuối. Bà buồn lắm. Bà biết chắc mình không sống được bao lâu nữa. Con cái thì đã yên phận, bà chỉ lo cho ông. Hôm ấy vừa về đến nhà bà đã ôm chặt ông:

- Ông ơi tôi thương ông lắm... Tôi chết rồi thì ai lo cho ông, ai chăm sóc ông bây giờ?

Ông ôm chặt bà. Hai mắt ông rưng rưng:

- Sao bà lại nói ngược thế bà. Người đáng thương nhất là bà chứ. Một đời bà vất vả sớm khuya cho chồng con. Sương gió nắng mưa cả đời dồn tụ lại làm nên ốm đau của bà đấy. Bệnh tật của bà cũng một phần do tôi mà. Thôi vẫn còn chữa được mà. Tôi sẽ đưa bà đi Bệnh viện K điều trị.

- Điều trị ở viện K tốn kém lắm, lấy tiền đâu mà chắc gì đã khỏi. Tôi không đi đâu. Để tiền ấy dành cho con cháu, dành cho ông.

- Bà phải đi, sự sống của bà là quan trọng nhất đối với tôi. Dù bán nhà, bán đất tôi vẫn lo cho bà đến cùng.

Qua hai lần xạ trị, sức khỏe của bà có khá hơn một chút. Bà biết bà không thể thoát được căn bênh hiểm nghèo này. Ông bà mới ở với nhau quá ít thời gian. Bà chưa chăm sóc được gì nhiều cho ông. Bà biết rõ, ông không biết lo cho mình, tính ông đơn giản, đại khái, qua chuyện.

Có lần bà lên nơi ông dạy học thăm ông. Trong căn nhà tềnh toàng của khu tập thể, ông đang ăn cơm. Chỉ một cái bát to, một cái thìa. Thức ăn là một quả trứng luộc hấp vào nồi cơm và một quả khế ngọt. Thế là xong bữa. Bà xót xa thương ông nhưng bà không thể ở lại, lo cho ông một bữa ăn tươm tất. Con nhỏ và công việc đang đợi bà ở quê. Nếu bà chết, ông sống lủi thủi một mình thì ai lo cho ông? Các con ông bà ở trên huyện, trên tỉnh thì chúng nó còn công việc, còn con cái. Mà tính ông thích thoải mái, thích độc lập chắc gì ông đã về ở chung nhà với chúng nó.

Sáng hôm sau, người ta thấy bà cắp nón, tay cầm gói quà đi xuống xóm dưới. Bà ghé vào nhà một người bạn đồng nghiệp về hưu sau bà vài năm. Người bạn cùng dạy ở trường tiểu học với bà chồng mất được mấy năm, con cái đã trưởng thành. Hai người phụ nữ đã lâu không gặp hết chuyện gia đình, con cái đến chuyện hòa nhập với cuộc sống về hưu. Rồi bà cũng lựa lời:

- Cô Dung à, hôm nay chị sang đây cũng có chuyện muốn nhờ cô giúp.

- Chuyện gì thế chị, em thì giúp được gì?

- Cô biết rồi đấy, chị bị bệnh tật hiểm nghèo chắc chẳng sống được bao lâu nữa. Chị nhờ em giúp chị… làm bạn với anh Hoàn để anh ấy đỡ đơn côi…

- Sao chị lại nói thế, em cũng già rồi… sợ không kham nổi việc chị giao đâu.

- Em cũng biết anh nhà chị rồi đấy, hiền lành, tốt tính, chịu khó nhưng vụng về việc cửa nhà. Điều chị lo lắng nhất không phải là bệnh tật của chị mà chị lo cho anh ấy, mấy chục năm trời dạy học ở miền núi tự lo mọi việc, giờ đây về với vợ con, tưởng là có chỗ dựa gia đình, có chị nhưng rồi chị lại ra đi…

Rồi bà khóc, những dòng nước mắt tuôn trào. Bà Dung cũng khóc theo, thương cho cảnh mới gần nhau đã li biệt của vợ chồng bà bạn và tủi phận mình đơn côi. Phải mấy lần đi lại và những dòng nước mắt của bà thì bà Dung mới nhận lời với bà. Chuyện đi tìm bạn cho chồng chỉ có hai bà biết với nhau. Bà chưa dám nói với ông. Mãi đến lúc mệt mỏi đau đớn quá, bà gọi cô con gái út nói với cô chuyện này và dặn con đến khi nào bà mất sẽ nói với ông.

- Con hãy nói với bố nguyện vọng lớn nhất của mẹ là muốn bố không cô đơn, muốn ông có người bầu bạn. Con hãy nhớ giúp mẹ nhé.

Cô con gái ôm chặt mẹ mình khóc nức nở:

- Vâng, vâng con sẽ nói mong mẹ an lòng, mẹ ơi.

Mấy ngày sau, những cơn đau khủng khiếp làm cho bà lịm dần và vĩnh biệt chồng, con…Bà ra đi vào một ngày cuối thu.

Sau khi vợ mất, ông Hoàn như một người khác. Ông gầy sọp, lặng lẽ như một cái bóng. Ông không khóc. Hàng ngày vào lúc xế chiều, ông lại lặng lẽ ra thăm mộ bà. Ông thắp hương khấn bà và thì thầm nói chuyện với người dưới mộ. Chắc mấy chục năm xa cách họ có nhiều chuyện yêu thương vẫn còn có thể tâm sự với nhau. Đến hết giỗ đầu bà, nếp sinh hoạt của ông vẫn thế. Ông vẫn ra tâm sự với bà… Bầu trời xám xịt, báo hiệu mùa đông đã về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.