Tạo sức hút với khán giả
Một trong những bộ phim đầu tiên được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài phải kể đến phim Ngôi nhà hạnh phúc của Công ty BHD mua bản quyền của hãng KBS (Hàn Quốc). Câu chuyện khá hấp dẫn cộng với sự góp mặt của dàn diễn viên sáng giá giúp cho bộ phim lấy được chỗ đứng trong lòng khán giả.
Tiếp theo là những bộ phim cũng được Việt hóa khá thành công như: Mùi ngò gai (Hàn Quốc), Vườn ảo thuật (Hàn Quốc); Người mẹ nhí (Tây Ban Nha), Nguyệt quán (Italia)... Không chỉ các hãng phim tư nhân mà cả đài truyền hình quốc gia cũng có các bộ phim Việt hóa như: Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Khúc hát mặt trời, Tuổi thanh xuân, Hôn nhân ngõ hẹp, Zippo, mù tạt và em...
Tuy đi sau phim truyền hình ở lĩnh vực Việt hóa kịch bản phim ngoại, nhưng điện ảnh lại đạt được nhiều thành công hơn. Những phim làm lại trên màn ảnh rộng đã đạt doanh thu ấn tượng như Yêu - từ The Love of Siam của Thái Lan, Em là bà nội của anh - từ Miss Granny của Hàn Quốc, Bạn gái tôi là sếp - từ ATM Er Rak Error của Thái Lan.
Các chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng, việc các nhà làm phim đi tìm kịch bản ngoại, nhất là của Hàn Quốc, là hợp với xu thế hiện nay. Bởi Hàn Quốc là nước có khá nhiều kịch bản ăn khách ở điện ảnh lẫn truyền hình. Hơn nữa Hàn Quốc và các nước châu Á đều có sự tương đồng về nền văn hóa nên khâu kịch bản cũng dễ Việt hóa hơn. Bên cạnh đó thì việc lựa chọn một kết cấu kịch bản chặt chẽ, hấp dẫn lại có thương hiệu từ nước ngoài cũng sẽ đảm bảo về doanh thu khi ra rạp hoặc là tăng rating quảng cáo. Một món ăn mới lạ lại được trau chuốt từ khâu kịch bản tới việc lựa chọn diễn viên sẽ giúp bộ phim dễ đến với thành công hơn.
Áp lực từ khâu biên kịch
Điều thuận lợi đối với những bộ phim chuyển thể từ các bộ phim ở nước ngoài đó là đây đều là những phim ăn khách. Ngoài vấn đề sức hút từ xã hội hiện đại của nước bản địa, tiếng vang của phim gốc, thì còn có một bộ phận khán giả đã từng xem các phim ăn khách này. Vì vậy khi có phiên bản Việt, họ muốn xem để so sánh. Thế nên trào lưu Việt hóa kịch bản phim chuyển thể cũng đã tác động nhiều tới đội ngũ các biên kịch Việt Nam. Trào lưu phim Việt hóa sẽ là chất kích thích, thúc đẩy biên kịch Việt thay đổi. Họ buộc phải tạo ra nhiều kịch bản hay, hấp dẫn nhà đầu tư cũng như dần dần tạo ra thị trường chuyên nghiệp thông qua quá trình cạnh tranh.
Tuy nhiên, không phải bất cứ kịch bản nước ngoài nào khi chuyển thể đều được khán giả yêu mến. Bộ phim Sitcom Những người độc thân vui vẻ đã phải dừng lại không tiếp tục phát sóng cách đây mấy năm đã nói lên điều này. Nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương cho rằng: Phim từ kịch bản nước ngoài làm “thui chột” khả năng sáng tạo của biên kịch Việt. Nó cũng làm suy giảm nét đẹp văn hóa Việt trên màn ảnh rộng. Biên kịch cố gắng để đưa văn hóa Việt vào khung kịch bản ngoại nhưng nỗ lực mấy cũng là giả tạo. Thêm vào đó, phim làm lại kịch bản nước ngoài thường bị ràng buộc phải giữ nội dung chính, không can thiệp, thay đổi nhiều đường dây kịch bản.
Bên cạnh đó trào lưu phim Việt hóa phát triển bao giờ cũng đi sau phim phiên bản gốc một vài năm nên có sự hạn chế về tính cập nhật. Hơn nữa, điện ảnh còn có nghĩa vụ truyền tải văn hóa. Nếu văn hóa thuần Việt không được lan tỏa mà chỉ toàn văn hóa ngoại lai sẽ ảnh hưởng thế hệ trẻ.