Chuyện ông bí thư xã hiến đất xây trường

Chuyện ông bí thư xã hiến đất xây trường

(GD&TĐ) - Trận lũ quét kinh hoàng vào tháng 8/2008 đã biến thung lũng Tùng Chỉn (xã Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai) với những thửa ruộng bậc thang trù phú trở thành bình địa. 21 ngôi nhà với 21 con người xấu số ra đi trong cơn lũ dữ. Giờ đây, sau 5 năm, Tùng Chỉn đã thay da đổi thịt, ngôi trường mầm non mới được xây dựng khang trang đón hàng trăm trẻ trong xã về học đúng dịp khai giảng năm học mới. Có ai biết rằng, để có ngôi trường này, chính Bí thư xã đã hiến gần 1.700 mét đất xây trường.

Diện mạo mới

Bí thư xã Vừ A Dùa
Bí thư xã Vừ A Dùa

Sau 5 năm kể từ khi xảy ra trận lũ kinh hoàng năm 2008 khiến hơn 20 người phải bỏ mạng, giờ đây thung lũng Tùng Chỉn vẫn còn ngổn ngang đất đá. Những thửa ruộng bậc thang xưa kia giờ đây chỉ còn là bãi đất đá khô cằn. Nhiều người dân phải đi xa hơn vào sâu trong núi khai thác trồng lúa tìm kế sinh nhai. Bên kia sườn núi, ngôi trường mầm non khang trang vẫn còn tươi màu vôi mới vừa được đưa vào sử dụng kịp đón năm học mới 2013 - 2014.

Bí thư xã Vừ A Dùa, dân tộc Mông, trông già và lam lũ hơn cái tuổi 45 phấn khởi khoe với mọi người: Nếu tôi không hiến đất thì không có mặt bằng xây trường. Cả thung lũng này chỉ duy nhất nơi đây nằm trong khu vực an toàn khỏi những trận lũ quét.

Năm 2012, khi xã có chủ trương mở thêm một ngôi trường mầm non nữa để cho các cháu trong thôn không phải đi học xa, khảo sát nhiều lần vẫn không tìm được địa điểm, cuối cùng Bí thư xã Vừ A Dùa quyết định hiến 1.700 m2 trong tổng số 2.700 m2 đất của gia đình để xây trường. Đây là mảnh đất vàng, mỗi năm cho gia đình anh hơn 40 bao thóc, đủ đáp ứng được 5 miệng ăn. Anh tâm sự: Mình là cán bộ xã mà không làm gương thì  lấy đâu ra trường cho các cháu học. Bây giờ cả nhà phải đi sâu vào rừng cách nhà vài cây số để khai hoang mở đất nhưng có trường mới vui lắm. Các cháu không phải đi ra tận trung tâm xã cách nhà hàng giờ đi bộ để học cái chữ. Đến nay, xã Trịnh Tường có thêm ngôi trường mới, hàng trăm cháu trong độ tuổi không phải lo thất học. 

Thay đổi nhận thức về giáo dục

Trẻ em dân tộc lần đầu được tiếp xúc với đồ chơi hiện đại
Trẻ em dân tộc lần đầu được tiếp xúc với đồ chơi hiện đại

Từ sự hy sinh quyền lợi cá nhân của bí thư xã, nhiều người dân trong thôn đã noi theo, người góp đất làm đường, người góp công làm trường. Hàng ngày, người dân trong xã không ai bảo ai tự đến trường cuốc đất trồng rau, chặt tre làm hàng rào. Có nhiều phụ huynh con còn nhỏ cũng cho con theo đến giúp đỡ nhà trường. Trước ngày khai giảng, Trường mầm non Trịnh Tường đông vui như ngày hội, ai cũng muốn góp một chút công sức nhỏ bé của mình vì ngôi trường.

Hiệu trưởng Vũ Thị Mai Hương phấn khởi cho biết, đây là điểm trường thứ hai cách trường chính gần 4 cây số. Hàng ngày, GV phải đi bộ leo núi từ điểm trường chính vào đây dạy học rất vất vả nhưng ai cũng thấy vui. Mình chịu đi xa còn hơn các cháu phải đi xa. Khi Bí thư xã hiến đất xây trường, nhiều bà con nhân dân cũng ủng hộ, quan tâm đến việc học của con hơn. Điều đó cho thấy nhận thức của người dân nơi đây đã thay đổi, không còn phó mặc mọi thứ cho các thầy giáo cô giáo nữa. Trước đây, do trường xa bản nên nhiều phụ huynh ngại cho con đi học, nhất là mùa mưa lũ. Nay trường mở gần nhà, không ai bảo ai đều tự giác đưa con đến trường. GV bây giờ cũng không phải đi vận động để HS được đến trường.

Vui quá khi được học trong ngôi trường mới!
Vui quá khi được học trong ngôi trường mới!

Xã Trịnh Tường là xã biên giới đặc biệt khó khăn, thuộc xã 135. Cả xã có 21 thôn bản với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống (Giáy, Dao, Mông, Hà Nhì, Kinh). Năm 2012, toàn xã còn 468/1169 hộ nghèo (chiếm hơn 40%). Hiệu trưởng Vũ Thị Mai Hương cho biết: Dù xã đặc biệt khó khăn, đời sống người dân còn thiếu thốn nhưng họ rất quan tâm đến việc học tập của con cái. Thêm ngôi trường mới đúng vào dịp năm học mới sẽ giúp thuận lợi hơn khi thực hiện phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi và đảm bảo duy trì tốt công tác phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Do thực hiện tốt công tác chăm sóc giao dục trẻ nên hàng năm xã đã huy động được 100% trẻ trong độ tuổi từ 6 - 11 tuổi ra lớp.

 Điều đặc biệt, ngôi trường mới này ở đúng vào vị trí nền đất tốt, vị trí an toàn nên GV và phụ huynh nơi đây không còn lo lắng mỗi dịp mùa mưa đến, lũ quét về.

Bí thư xã Vừ A Dùa khẳng định: Đến nay, về cơ bản cả xã không trường học nào thiếu phòng học, 100% phòng học được xây dựng kiến cố. Chắc chắn năm 2013, xã sẽ được công nhận đạt chuẩn phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Năm 2012, khi xã có chủ trương mở thêm một ngôi trường mầm non nữa để cho các cháu trong thôn không phải đi học xa, khảo sát nhiều lần vẫn không tìm được địa điểm, cuối cùng Bí thư xã Vừ A Dùa quyết định hiến 1.700 m2 trong tổng số 2.700 m2 đất của gia đình để xây trường. Đây là mảnh đất vàng, mỗi năm cho gia đình anh hơn 40 bao thóc, đủ đáp ứng được 5 miệng ăn.

Thanh An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ