Chuyện nội trợ, làm dâu ngày Tết của những nữ tuyển thủ Việt Nam

Chuyện nội trợ, làm dâu ngày Tết của những nữ tuyển thủ Việt Nam

Mua đồ ngày 30 Tết

Vòng loại Olympic diễn ra đầu tháng 2.2020 (ra Tết) khiến nhiều cầu thủ phải tập luyện tới gần 28, 29 Tết mới được về nhà. Tới ngày 30 Tết, họ mới có dịp để dẫn bố mẹ, gia đình đi sắm Tết.

Tết là khoảng thời gian các cầu thủ nữ dành cho gia đình, tranh thủ mua sắm, dọn dẹp nhà cửa phụ bố mẹ. ẢNh: HOÀI THU
Tết là khoảng thời gian các cầu thủ nữ dành cho gia đình, tranh thủ mua sắm, dọn dẹp nhà cửa phụ bố mẹ.

Là cầu thủ thường xuyên góp mặt trong đội tuyển quốc gia nữ nên những ngày xa nhà của Quả bóng Vàng nữ 2014 Nguyễn Thị Tuyết Dung càng nhiều hơn so với đồng nghiệp. Vì vậy chuyện đi sắm Tết ngày 30 là chuyện trở nên rất bình thường.

“Nhiều khi mình tập trung chuẩn bị giải nên cũng phải chấp nhận việc về nhà muộn. Có những năm tới 27, 28 Tết mới được về. Lúc tập, tôi và đồng đội cũng nôn nao muốn về ăn Tết lắm nhưng vì nhiệm vụ nên vẫn phải kìm lại.

Về đến nhà thì bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, xem bố mẹ, anh chị, gia đình còn thiếu đồ đạc gì không thì đưa mọi người đi mua”, Tuyết Dung chia sẻ.

Những cầu thủ nhà gần như Dung thì chuyện đi về nhà trở nên dễ dàng hơn, còn một số cầu thủ nhà ở xa thì chuyện trở về nhà ngày giáp Tết lại là câu chuyện không hề dễ dàng.

“Ở câu lạc bộ thì Kiều còn về nhà sớm được, chứ ra ngoài Hà Nội tập trung đội tuyển quốc gia thì năm nào cũng giáp Tết mới về đến nhà. Từ Hà Nội bay về Sài Gòn, xong ngồi xe đò 7 - 8 tiếng mới về tới Kiên Giang. Về tới nhà thì mọi người sắm sửa Tết cũng gần hết rồi”, tuyển thủ Chương Thị Kiều chia sẻ.

Vào bếp ngày Tết

Ngày Tết có thể được coi là quãng thời gian vui vẻ nhất của các cầu thủ bóng đá nữ. Họ được đoàn tụ với gia đình sau cả một năm “đi mất hình”.

Dịp Tết là lúc họ được trở về với vẻ dịu dàng của người con gái, được nấu ăn, được chăm lo cho bố mẹ.

Thủ môn Trần Thị Kim Thanh (bên trái) dành những ngày Tết để nấu ăn, đi chơi cùng bạn bè. Ảnh: HOÀI THU
Thủ môn Trần Thị Kim Thanh (bên trái) dành những ngày Tết để nấu ăn, đi chơi cùng bạn bè. 

“Tết thì Kiều cũng nấu cho gia đình ăn, dọn dẹp nhà cửa phụ cho mọi người. Chuẩn bị đồ lễ, làm mâm cơm cúng giao thừa cho ba mẹ. Được ở cạnh gia đình là quãng thời gian mà Kiều cảm thấy vui vẻ và thoải mái nhất”, hậu vệ Chương Thị Kiều chia sẻ thêm.

“Tới giáp Tết là Thanh thấy háo hức lắm. Được về với gia đình, đi chơi, ăn món mình thích thả ga. Về đến nhà là Thanh phụ giúp ba mẹ nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn, đồ lễ cho Tết. Đích thân Thanh vào bếp nấu ăn cho ba mẹ.

Món mà Thanh hay làm là hột vịt lộn kho thịt, khổ qua nhồi thịt… nhiều lắm”, thủ môn Trần Thị Kim Thanh cho biết.

Ngoài ra Tết cũng là dịp để các cầu thủ nữ xả đi những căng thẳng, mệt mỏi trong hơn 1 năm tập luyện vất vả:

“Ngoài thời gian dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng ra thì Thanh cùng gia đình, bạn bè đi chơi, thăm nhà nội nhà ngoại. Mùng 3 thì tụ tập cùng các bạn, đi thăm thầy cô”.

Làm dâu ngày Tết

Với nhiều cầu thủ nữ không còn “độc thân vui tính” nữa thì Tết cũng trở thành quãng thời gian khá thú vị khi được trở về với vai trò của người phụ nữ, được làm nội trợ, chăm chút cho gia đình nhỏ của mình.

Sau khoảng thời gian thi đấu xa nhà thì các tuyển thủ nữ lại trở về làm dâu, làm người vợ hiền trong những ngày Tết. Ảnh: HOÀI THU
Sau khoảng thời gian thi đấu xa nhà thì các tuyển thủ nữ lại trở về làm dâu, làm người vợ hiền trong những ngày Tết.

“Tết mệt lắm. 2 vợ chồng dọn dẹp chỗ đang thuê trọ ngoài này cho sạch sẽ để Tết ra đỡ phải dọn dẹp lại. Rồi về nhà chồng ăn Tết nên cũng phải dọn dẹp nhiều nữa. Con dâu lại là dâu mới nên càng phải thể hiện”, hậu vệ Vũ Thị Thúy cười vui chia sẻ.

Dù mệt và vất vả hơn so với lúc còn độc thân, cô gái thuộc biên chế câu lạc bộ Phong Phú Hà Nam vẫn tỏ ra rất vui vẻ:

“Lấy chồng xong công việc ngày Tết nhân đôi nhưng cũng thích và vui vì được nấu ăn cho mọi người, bố mẹ, ông bà. Xong mọi người còn khen nấu ăn ngon nữa thì lại càng vui. Rồi ngày mùng 2, về nhà ngoại chơi với bố mẹ, ông bà, chúc Tết mọi người”.

Tiền vệ Vũ Thị Nhung cũng tỏ ra đồng cảm với đồng đội ở đội tuyển quốc gia, khi đã làm dâu: “Tết về, tôi tranh thủ đưa con đi sắm Tết. Đồ thì mua từ trước đấy rồi nhưng đến sát ngày vẫn thích đưa con đi mua đồ. Làm dâu rồi nên cũng phải lo toan nhiều hơn, mua đồ nhiều hơn, không còn vô lo, vô nghĩ như hồi còn độc thân nữa”.

Với các cô gái bóng đá nữ thì việc được trở về nhà, đoàn tụ với gia đình, được nấu món ăn mình thích, quây quần bên gia đình là một niềm vui  lớn. Đây cũng là dịp để họ trở về với sự dịu dàng, đảm đang vốn có của người phụ nữ Việt Nam.

TheoLao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ