Chuyện những người đem cuộc sống mới lên đỉnh Tà Xuyên

GD&TĐ - Đỉnh Tà Xuyên cao vút, sừng sững như mái nhà Gươl của người Cơ Tu, quanh năm mây trắng phủ. Phía Tây đỉnh núi Tà Xuyên là huyện Kà Lừm, Đăk Chưng của nước bạn Lào, còn phía đông là các xã Ga Ry, Ch’ơm, A Xan, Tr’hy của huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam).

Chuyện những người đem cuộc sống mới lên đỉnh Tà Xuyên

Đêm đêm, dưới mái nhà Gươl, bên bếp lửa, những người già làng, trưởng bản vẫn truyền kể cho con cháu họ nghe câu chuyện về một thời kỳ mông muội, để nhắc nhớ đời sau rằng: “Nếu còn tin vào chuyện ma quỷ thì không bao giờ thoát cảnh đói nghèo, bệnh tật”; Và muốn có cuộc sống ấm no, đủ đầy thì phải xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cùng nhau chung sức xây dựng đời sống, kinh tế mới.

Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu

Trước khi lên các xã biên giới Ga Ry, Ch’ơm, A Xan, Tr’hy của huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), tôi đã đọc qua cuốn sách “Văn hóa Cơ Tu” của ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, trong đó ngoài việc nêu những nét đẹp trong văn hóa, tập quán còn có kể về một số hủ tục mà chuyến đi này tôi đã cố tìm kiếm trong thực tế. Nhưng trong suốt chuyến đi đến tận các bản làng xa xôi, hỏi chuyện các già làng, trưởng bản, cán bộ chiến sĩ biên phòng nơi đây thì mới hay rằng những hủ tục đó không còn nữa. Một trong những câu chuyện ấy nói người đồng bào dân tộc Cơ Tu trước đây rất tin ở thần thánh và những câu chuyện huyền bí. Khi ốm đau, người dân nghĩ mình bị ma phạt, ma ăn thịt người. Muốn người bệnh hết đau ốm phải đọc thần chú, làm ma biến mất mới khỏi bệnh.

Điều đó thể hiện rõ người Cơ Tu bây giờ vẫn kể về một số trường hợp như ông Cónh Điền ở thôn Ga nil, A Xan đã “thổi” cứu sống trên 100 người bị rắn độc cắn, không để lại dị tật. Gần đây nhất là vào tháng 9/2014, tại thôn Cha Nốc, xã Ch’ơm có một người dân bị u não, đi bệnh viện tại Đà Nẵng điều trị nhưng bị trả về trong tình trạng đã chết lâm sàng, gia đình mời thầy đến “thổi” đã hết bệnh, hiện đang sống khỏe mạnh. Lại có chuyện ông Cónh Đhon, tại thôn Agriih, nhà ai có trâu, bò bị thương lâu ngày, chỉ cần đặt tên cho con trâu, bò rồi đến nhờ ông “thổi”, với điều kiện chỉ đúng vị trí bị thương của con trâu, bò mà không cần dắt trâu, bò tới. Ông nghe xong thổi và gãi chân mình tượng trưng chỗ con trâu, bò bị thương, kỳ lạ thay khi người chủ trâu quay về đã thấy con trâu lành vết thương... Còn có rất nhiều chuyện chữa bệnh như thế, nhưng ông Briu Liếc nhìn nhận: “Đó là những việc làm phi khoa học, mang tính duy tâm, nguyên nhân đau ốm là do ăn ở thiếu vệ sinh, do ký sinh trùng gây nên”.

Theo thiếu tá A Lăng Noan - Chính trị viên phó Đồn biên phòng Ga Ry, những câu chuyện nói về những hủ tục lạc hậu của bà con dân tộc thiểu số vùng cao biên giới như thế, những người lính biên phòng cũng thuộc nằm lòng. Bởi bao đời nay, cuộc sống người dân đồng bào dân tộc Cơ Tu ở vùng biên giới Ga Ry, Ch’ơm (huyện Tây Giang) vẫn mang tính tự cung, tự cấp... Cái đói, cái nghèo, bệnh tật cứ đeo bám cuộc sống người dân nơi đây. Chính điều đó làm sản sinh ra các hủ tục, tập quán lạc hậu. Tuy nhiên, từ nhiều năm trở lại đây, phong trào xây dựng “Nông thôn mới” đã và đang phát triển mạnh mẽ, thay đổi nhận thức từ hộ dân đến cả cộng đồng.

Xây dựng đời sống, kinh tế mới

Thiếu tá A Lăng Noan phấn khởi cho biết: Cùng với nhiệm vụ chính trị giữ vững, đảm bảo ổn định chủ quyền an ninh biên giới, những người lính biên phòng đã hoàn thành xuất sắc công tác dân vận, giúp địa phương phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Công tác tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường thôn bản, phòng chống dịch bệnh thường xuyên được triển khai. Bây giờ đã thành nếp, ngày thứ hai đầu mỗi tuần cán bộ quân dân y kết hợp tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho người dân, hàng trăm ca bệnh hiểm nghèo, sinh đẻ khó đều được các cán bộ quân y xử lý thành công. Bây giờ, chuyện cúng bái, đọc thần chú chữa bệnh chỉ còn là câu chuyện kể xa xưa mà thôi.

Đến vùng biên giới Tây Giang hôm nay, hình ảnh người thầy giáo mang “quân hàm xanh” xóa mù chữ vùng biên ải được thay bằng hình ảnh người lính biên phòng hăng hái hướng dẫn bà con làm ăn kinh tế, ân cần chỉ dẫn các em học sinh học bài. Khi nói về chuyện học, chuyện xây dựng đời sống văn hóa của con em, bà con dân bản, Trung tá Phan Văn Thí - Trưởng Đồn biên phòng Ga Ry không giấu được niềm vui: “Bây giờ, Ga Ry đã có phòng đọc sách biên giới, hàng tuần thu hút hàng trăm lượt học sinh và người dân tới đọc sách. Đến nay, cả 2 xã Ga Ry, Ch’ơm đã có gần 100 em học sinh vào đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề trên cả nước. Hàng tháng, hàng tuần, Đồn biên phòng phối hợp với các ban, ngành đoàn thể duy trì tốt hoạt động của Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, vận động nhân dân xây dựng, tu sửa trường học, phát quang đường liên thôn, tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Đoàn Thanh niên của đồn tổ chức tốt phong trào “Ngày thứ 7 cắt tóc tình nguyện”, xây dựng “góc học tập” cho các em học sinh tại mỗi gia đình. Ánh sáng văn hóa đã đến tận từng thôn, từng gia đình của 660 hộ dân, trên 19km dọc dài lưng sườn núi Tà Xuyên này. Nông thôn mới đã chính thức “bén duyên” với vùng biên giới này rồi”.

Nói về những bước phát triển chuyển mình của kinh tế - xã hội địa phương, ông A Lăng Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Ga Ry phấn khởi cho biết, trước đây, khi Bộ Tư lệnh Biên phòng triển khai hàng loạt mô hình giúp nhân dân vùng biên giới phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có mô hình “Ngân hàng bò”, tức là cho người dân mượn bò giống để phát triển đàn bò. Đến nay, xã Ga Ry đã có 5 trang trại lớn với gần 400 con bò, mang lại nguồn thu lớn cho nhân dân.

Đặc biệt đề án phát triển trồng cây bản địa, trong đó có các loại cây như đẳng sâm, sâm Ngọc Linh di thực... đang hứa hẹn một vùng sâm quý sẽ làm giàu cho vùng đất biên cương phía Tây tỉnh Quảng Nam. Bởi cũng nói như ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cuộc sống ấm no, đủ đầy đang dần dần hiện diện nơi vùng đất biên giới xa xôi này, đó là kết quả của quá trình đấu tranh loại bỏ các hủ tục lạc hậu, đói nghèo và sự nỗ lực xây dựng đời sống mới, kinh tế mới của cả hệ thống chính trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ