Chuyện những đại gia Việt bỏ nghìn tỷ làm dự án kỷ lục thế giới

Đại gia Việt hiện không chỉ được biết đến là những người có tài sản khủng, mà còn "nổi như cồn" bởi những dự án nghìn tỷ mang tầm vóc quốc tế...

Chuyện những đại gia Việt bỏ nghìn tỷ làm dự án kỷ lục thế giới

Nữ đại gia đầu tư xây tháp truyền hình cao nhất thế giới

Chuyện những đại gia Việt bỏ nghìn tỷ làm dự án kỷ lục thế giới - Ảnh 1

Trong số những tên tuổi đại gia Việt gây chú ý thời gian gần đây, người ta quan tâm nhiều đến nữ đại gia Nguyễn Thị Nga (chủ tập đoàn BRG). Bà khiến nhiều người “ngả mũ thán phục” khi là một trong hai đối tác với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trong dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới, với tổng mức đầu tư cả dự án dự kiến là 1,3- 1,5 tỷ USD.

Tòa tháp này sẽ cao 636m, nằm trên khu đất rộng khoảng 14,1 ha, tổng mức đầu tư cả dự án dự kiến là 1,3 - 1,5 tỷ USD. Đây không phải là lần đầu tiên "nữ chúa" bất động sản Việt Nam thực hiện những dự án lớn, quy mô khủng.

Tập đoàn BRG dưới sự lãnh đạo của nữ đại gia tài ba này đã thâu tóm nhiều dự án bất động sản "khủng" trong cả nước. Khách sạn Hilton Hanoi Opera Hà Nội, khách sạn Hilton Garden Inn, khách sạn Sông Nhuệ... cũng thuộc Tập đoàn này.

Tính đến tháng 6/2015, tập đoàn BRG có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng. Trong lĩnh vực ngân hàng, sau Techcombank, bà Nguyễn Thị Nga trở thành chủ tịch của ngân hàng SeABank, ngân hàng thương mại có tài sản 3,6 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1955 tại Hà Nội), bà đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là ĐH Kinh tế Quốc dân), sau đó bà đã học kinh tế ở nhiều nước như Pháp, Đức, Nhật, Úc…

Theo thông tin trên website, tập đoàn BRG (BRG Group) của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đầu tư và hoạt động tập trung chủ đạo vào lĩnh vực Tài Chính - Ngân hàng và sân Gôn với các công ty thành viên và các đơn vị liên kết có uy tín tại Việt Nam và quốc tế, mà tiêu biểu là Sân gôn Kings’ Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Sân gôn BRG Ruby Tree Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng), Sân gôn Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội).

Đây cũng là tập đoàn thâu tóm nhiều dự án bất động sản "khủng" trong cả nước. Khách sạn Hilton Hanoi Opera Hà Nội, khách sạn Hilton Garden Inn, khách sạn Sông Nhuệ... cũng thuộc Tập đoàn này. Tính đến tháng 6 năm 2015, tập đoàn BRG có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Nga từng được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á, một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam, nhờ cổ phần lớn trong ngành ngân hàng, bất động sản và kinh doanh bán lẻ.

Từng có chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu công khai tài sản và cổ phiếu, có thể nữ đại gia Nguyễn Thị Nga sẽ là tỷ phú đôla thứ 2 của Việt Nam, sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng (tập đoàn Vingroup). Bên cạnh khối tài sản bất động sản "khổng lồ", bà chủ tập đoàn BRG kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngân hàng và bán lẻ.

Sau khi rời ngân hàng Techcombank, bà Nguyễn Thị Nga trở thành chủ tịch của ngân hàng SeABank, ngân hàng thương mại có tài sản 3,6 tỷ USD.

Trong lĩnh vực bán lẻ, nữ đại gia này còn là Chủ tịch CTCP Intimex Việt Nam từ năm 2009. Năm 2013, những doanh nghiệp này đã mang về cho bà Nga số tài sản khổng lồ lên tới 435 triệu USD.

Đại gia Sun Group làm cáp treo vượt biển dài nhất thế giới

Chuyện những đại gia Việt bỏ nghìn tỷ làm dự án kỷ lục thế giới - Ảnh 2

Bên cạnh dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới được dư luận quan tâm, gần đây, dự án cáp treo Fansipan Sapa khai trương cũng gây sự chú ý. Tại lễ khai trương, đại diện Kỷ lục Thế giới - Guinness World Record đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sapa là: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1410m và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6292.5m.

Đây là một trong số những dự án tầm vóc “khủng” của tập đoàn Sun Group và thực hiện với sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo Doppelmayr Garaventa.

Sun Group thành lập bởi doanh nhân Lê Viết Lam. Đại gia này “nổi lên như cồn” nhờ những dự án khủng, có mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài cáp treo Fansipan, đại gia Lê Viết Lam còn cho khoảng 10.000 tỷ đồng để làm cáp treo trên biển dài nhất thế giới từ An Thới ra đảo Hòn Thơm (Phú Quốc). Tuyến cáo treo này dài gần 7.899,99m.

Tập đoàn Sun Group chọn đối tác là Doppelmayr từ Cộng hòa Áo. Đây là nhà sản xuất nổi tiếng toàn thế giới với hàng nghìn tuyến cáp treo được xây dựng trên toàn thế giới như tuyến cáp treo lên dãy Alps (Pháp), núi Bàn tại Nam Phi. Dự kiến trong giai đoạn 1 dự án, Sun Group đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng để kịp đưa vào khai thác trong năm 2017.

Sinh sau đẻ muộn nhưng Sun Group đã có vị thế rất đáng nể với các dự án Cáp treo Bà Nà; Novotel Da Nang Priemier - khách sạn cao nhất miền Trung với 37 tầng; khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort bán đảo Sơn Trà; Làng Pháp tại Bà Nà Hills; The Sun Villas...

Với 20 đơn vị thành viên, hơn 1.500 cán bộ nhân viên, Sun Group hiện diện ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong đó đang hoạt động mạnh nhất là ở Đà Nẵng với thương hiệu nổi tiếng Bà Nà Hills. Với hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan - có độ cao 3.143 mét, Sun Group đã tự tạo nên bước đột phá mới cho chính mình.

Xuất phát từ Đông Âu, ngay sau khi về Việt Nam, Sun Group đã nổi như cồn với hàng loạt các dự án khủng. Tất cả các dự án mà tập đoàn đều cho thấy ông chủ của nó đều muốn ghi dấu ấn nhất Việt Nam, thậm chí khu vực. Tuy nhiên, ông chủ, doanh nhân trẻ tuổi Lê Viết Lam, người đứng sau tập đoàn này lại rất hiếm khi được nhắc tới như một phong cách thường thấy ở nhóm các doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu rồi mang tiền về Việt Nam đầu tư.

Ông Lê Viết Lam (1969) đã có một thời gian dài hoạt động nổi bật ở thị trường Đông Âu, tại Ukraine cùng với ông Phạm Nhật Vượng - người Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú đôla của Forbes. Sau chương trình đạo tạo của Nhà nước tại Nga hồi đầu những năm 90, ông Lê Viết Lam đã cùng một số người bạn thành lập một nhà máy chế biến mì ăn liền thương hiệu Mivina. Hai doanh nhân Lam - Vượng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine.

Bên cạnh đó, ông Lam còn từng được nhắc đến với các chức vụ như Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine. Đặc biệt, ông là lãnh đạo Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng như các doanh nhân "gốc Đông Âu" khác như Phạm Nhật Vượng, Đặng Khắc Vỹ, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn, ông Lê Viết Lam đã quyết định trở về đầu tư tại Việt Nam sau khi đã rất thành công ở xứ người.

Thay vì chọn Hà Nội, TP.HCM như các đồng nghiệp khác, đại gia xứ Thanh này đã chọn Đà Nẵng để chính thức mở rộng các hoạt động đầu tư tại quê nhà. Quyết định bỏ hàng nghìn tỷ đồng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo với hàng loạt các kỷ lục tầm vóc thế giới lên Nóc nhà Đông Dương - Fansipan cùng hàng loạt các dự án BĐS cho thấy sự chuyển hướng về quê mạnh mẽ của đại gia này.

Trên bình diện chung, các dự án nhà đất, du lịch, các ngân hàng và thương hiệu hàng tiêu dùng... đang nổi bật... giới đầu tư đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các doanh nhân khởi nghiệp từ khu vực Đông Âu.

Nhóm các đại gia này được đánh giá đang đứng đầu cộng đồng doanh nhân Việt và có những đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Kéo theo đó, tên tuổi, sự nghiệp kinh doanh và hoạt động của họ tại Việt Nam cũng luôn được quan tâm vì các đại gia này rất kín tiếng.

Dốc tiền xây cao ốc chọc trời

Chuyện những đại gia Việt bỏ nghìn tỷ làm dự án kỷ lục thế giới - Ảnh 3

Tòa nhà Bitexco.

Dự án Bitexco Financial Tower (Tháp tài chính Bitexco) do Tập đoàn Bitexco thực hiện, 68 tầng, chiều cao 262 m, diện tích nền gần 6.100 m2, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD, Bitexco là tòa nhà chọc trời cao thứ 3 Việt Nam và lọt top 25 tòa nhà biểu tượng thế giới do CNN bình chọn. Công trình tầm vóc này do ông Vũ Quang Hội – chủ tịch HĐQT Công ty Bitexco đầu tư.

Bắt đầu từ một doanh nghiệp dệt nhỏ ở tỉnh Thái Bình năm 1985. Sau hơn 30 năm, Bitexco dưới sự lãnh đạo của đại gia Vũ Quang hội đã trở thành một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất nước khoáng, bất động sản, thủy điện, hạ tầng giao thông, tài chính, khoáng sản... Tập đoàn hiện có hơn 1.100 nhân công với trụ sở tại Hà Nội và các văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình.

Ngoài tòa nhà chọc trời Bitexco, đại gia Vũ Quang Hội còn mạnh tay đầu tư vào các dự án "khủng" như The Manor I và II ở Thành phố Hồ Chí Minh; khu dân cư The Manor, tòa nhà The Garden, khách sạn J.W. Marriott, khu đô thị The Manora Park City.

Ông Hội được giới truyền thông ưu ái gọi là “Người xây lên những biểu tượng” bởi ông chính là tác giả của những công trình được thiết kế tinh tế, hiện đại, sang trọng và đẳng cấp, như Khu đô thị The Manor, trung tâm thương mại The Garden, Tháp tài chính nổi danh thế giới Bitexco…

Năm 2002, khi ông Hội cùng vợ đứng trên tầng thượng của Tòa nhà Chrysler ở Thành phố New York, một suy nghĩ hiện lên trong đầu: “Chrysler Building không phải là tòa nhà cao nhất, nhưng chưa bao giờ bị lu mờ hay lãng quên vì nó là niềm tự hào của người New York. Mình sẽ xây dựng một tòa tháp để người Việt Nam tự hào, như người New York có Chrysler Building, hay người Malaysia tự hào có tòa tháp đôi Petronas”.

Khi ý tưởng xây dựng một tòa nhà cao nhất Việt Nam được tiết lộ, cả giới địa ốc, bất động sản không khỏi ngạc nhiên, xen lẫn nghi ngờ. Trước đây, chưa người Việt Nam nào có đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm để xây dựng những tòa nhà vượt chiều cao 40 tầng. Hầu hết các dự án cao tầng ở Việt nam thời điểm đó đều do nhà đầu tư nước ngoài triển khai.

Nhiều tờ báo “đả kích” dự án cao 262 m của ông. Ông lẳng lặng mời các công ty hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới như AREP, Zapata Studio, LERA, Turner (Mỹ), Hyundai (Hàn Quốc). DSA (Anh)… cùng nghiên cứu để xây dựng công trình. Mơ ước ấp ủ đó là Việt Nam phải được hiện diện trên bản đồ kiến trúc thế giới bằng chính công trình của mình, một đóa sen thanh thoát vươn lên bầu trời TP.HCM.

Để thực hiện khát vọng này, ông buộc phải bỏ thêm hàng trăm triệu USD, giảm 30% diện tích sử dụng. Hàng chục chuyên gia giỏi các nước đã tụ họp trên một du thuyền ở Vịnh Hạ Long để cùng ông tính toán. Và kết quả của những đêm thâu đó, cũng như những nỗ lực của bao ngày tháng vất vả trên công trình là, ngày 31/10/2010, Tháp Tài chính Bitexco, công trình đẳng cấp thế giới cao 262 m được khánh thành.

Tháp Tài chính Bitexco Financial Tower, với kiến trúc và tiện nghi đẳng cấp, là biểu tượng của sự phát triển kinh tế và thịnh vượng không chỉ của TP.HCM, mà còn của cả Việt Nam.

Bitexco, cho đến nay vẫn là công ty tư nhân thuộc sở hữu gia đình ông Hội, là một tập đoàn đa ngành với các dự án kinh doanh trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ phát triển bất động sản, cơ sở hạ tầng, đến năng lượng thủy điện, sản xuất hàng tiêu dùng, thương mại, khai thác và thăm dò khoáng sản.

Ông Vũ Quang Hội hiện là chủ tịch Công ty TNHH SXKD XNK Bình minh (Bitexco), đồng chủ tịch HĐQT CTCP Xây lắp và Đầu tư Sông Đà.

Bên cạnh tòa tháp chọc trời Bitexco Financial Tower, Bitxco còn là nhà đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng Bitexco đứng kế cận ở số 19 Nguyễn Huệ; khu The Manor trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những tòa tháp chung cư cao cấp đầu tiên tại TP. HCM.

Tại Hà Nội, ngoài khu nhà ở, văn phòng và thương mại cao cấp The Manor, The Garden, Bitexco còn là chủ của khách sạn JW Marriott Hà Nội với thiết kế đặc biệt hình con rồng nằm trên một quả đồi bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Bên cạnh đó là dự án khu đô thị hiện đại Bitexco Central Park sắp khởi công tại quận Hoàng Mai về phía Nam thủ đô.

Chia sẻ triết lý kinh doanh là, ông Hội cho rằng thời điểm này là lúc nghĩa vụ chính trị – nghĩa vụ đóng góp cho đất nước bằng suy nghĩ và hành động tích cực, phải đặt lên hàng đầu.

Tâm niệm về cuộc đời, ông Hội chia sẻ: “Tôi dạy các con tôi rằng, ai cũng đi một chuyến tàu cuộc đời và cũng xuống ga cuối cùng. Cuối cùng, anh để lại giá trị gì cho đời?”

Theo doisongphapluat

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ