Bằng những loại thảo dược quý hiếm hàng trăm năm tuổi cùng bài thuốc gia truyền chữa bệnh về đau xương khớp, bà đã giúp cho nhiều người khỏi bệnh. Mặc dù bài thuốc rất kỳ công và phức tạp nhưng việc chữa trị lại không tốn kém.
Chữa bệnh đau xương khớp từ thảo dược
Bà lang “mát tay” trong việc chữa trị về xương khớp đó là Phùng Thị Sơn (SN 1956, trú tại xóm Hạ Sơn, xã Tứ Sơn, Hòa Bình). Từ nhiều năm nay bà Sơn nổi tiếng trong vùng với bài thuốc chữa trị bệnh về xương khớp được nhiều người biết tới.
Chúng tôi có dịp diện kiến bà lang Sơn trong một buổi chiều công tác lên vùng cao này. Đến nhà, bà Sơn đang bận với những bó thuốc vừa hái trên rừng về. Thấy khách, bà nhanh nhảu “cháu đến lấy thuốc chữa bệnh gì à?”. Khi biết mục đích của khách, bà chỉ cười: “Nghề thuốc của bác chữa đã có từ mấy đời, bác chỉ là người thừa hưởng và phát huy nghề của gia đình. Nghề bốc thuốc được truyền khá nhiều đời trong gia đình bà Sơn. Có một điều đặc biệt là bài thuốc chỉ truyền cho con gái. Bà Sơn cũng không hiểu quy định đó từ bao giờ, nhưng tất cả các đời đều phải tuân theo và bà cũng vậy.
Bà lang Sơn trao đổi với PV. |
|
Theo bà Sơn thì bài thuốc chữa bệnh về đau xương khớp khá kỳ công. Nó phải dùng từ hàng chục vị thuốc, chủ yếu là lấy từ trên rừng về. Những vị thuốc này sau khi lấy về thì đem phơi khô và cất cẩn thận tránh ẩm mốc. Khi nào có người cắt thuốc thì mới lấy ra phân chia từng vị một để thành một thang thuốc, thuốc được sắc uống như thuốc bắc. Đa số những vị thuốc trong bài thuốc của bà Sơn đều được lấy từ những loại cây cổ thụ, những loại này được gọi theo tiếng người Mường như cây “dào ghím”, “dào pèng”... Những loại cây này đều là dạng thân gỗ, cây cao lớn. Để lấy được những vị này phải leo trèo rất vất vả.
Với bài thuốc này thì chữa các bệnh về đau khớp như viêm khớp , sưng tấy khớp, thoái hóa... Nói chung là những bệnh có liên quan đến vấn đề xương khớp. Theo bà Sơn, việc chữa trị bằng bài thuốc nam này cũng phải kỳ công, nó không có tác dụng nhanh như tây y, nhưng nếu chữa khỏi thì nó không bị tái phát và việc dùng thuốc nam cũng không có tác dụng phụ. Và theo bà Sơn thì dùng thuốc nam phải trong một tuần mới có tác dụng. Với những người bị nhẹ thì uống thuốc và chữa trị trong vòng gần tháng là khỏi. Còn những người bệnh nặng thì phải dùng thuốc tới vài tháng mới có thể chữa khỏi dứt điểm được.
Việc chữa trị bằng bài thuốc của bà Sơn kết hợp nhiều hình thức. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ cần dùng thuốc uống là được. Nhưng với những người bị nặng dùng thêm hình thức đắp thuốc, hoặc là tắm thuốc thì bệnh tình mới mau chóng chữa trị khỏi.
Giúp nhiều người thoát khỏi bệnh tật
Với bài thuốc này, bà Sơn đã giúp cho nhiều người thoát được căn bệnh đau xương khớp. Bệnh nhân rất đông vì bà dùng bài thuốc này chữa trị cho người bệnh từ hồi bà còn trẻ. Những bệnh nhân của bà Sơn có ở rất nhiều nơi, trong Nam ngoài Bắc đều có.
Trong những bệnh nhân, bà nhớ rõ nhất chị Đinh Thị Hạnh (35 tuổi), trú tại Thung 1, huyện Tân Lạc. Chị Hạnh được bà chữa trị rất nhiều năm trước đó, từ lúc chị Hạnh còn nhỏ. Sở dĩ bà nhớ vì chị Hạnh hồi đó bị bệnh viêm khớp khá nặng, khó đi lại được vì đau đớn. Gia đình cũng chữa trị bằng thuốc tây nhiều mà không khỏi. Vì uống nhiều thuốc mà người chị bị phù nề, da nứt nẻ ai cũng nghĩ là chị không qua khỏi. Sau gia đình nhờ bà Sơn chữa trị, bà phải tăng những vị thuốc có tính kháng sinh mạnh để chữa trị cho chị Hạnh. Và bây giờ chị Hạnh đã có chồng con, chị cũng không bao giờ mắc lại căn bệnh đó nữa.
Có một bệnh nhân khác là anh Nguyễn Văn Cảnh (37 tuổi) ở xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi bị bệnh rất nặng cũng được bà Sơn chữa khỏi. Anh Cảnh bị đau khớp nặng đến nỗi không đi lại được, muốn di chuyển phải có người dìu, hoặc cáng. Anh được gia đình cáng đi chữa trị nhiều nơi cả thuốc tây, cả châm cứu nhưng đều không khỏi. Nghe tiếng bà Sơn đã tìm đến để nhờ bà chữa trị. Bà Sơn phải dùng cả ba hình thức là sắc thuốc uống, đắp thuốc và tắm thuốc để chữa cho anh Cảnh. Sau một thời gian chữa trị, anh Cảnh đã khỏi hoàn toàn và có thể lao động được bình thường.
Còn như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng (75 tuổi) ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình được con cháu đưa đến nhờ bà Sơn chữa trị trong tình trạng chân tay sưng rất to vì đau khớp. Sau được bà cắt thuốc về uống vài thang thì gia đình vui mừng thông báo là bệnh đã thuyên giảm. Và sau đó gia đình lấy thêm lần thuốc nữa để cho bà uống chữa khỏi dứt điểm.
Bà Sơn bên cạnh một cây thuốc được trồng tại vườn. |
|
Theo bà Sơn, bệnh đau khớp (hay còn gọi viêm khớp) là một dạng rối loạn tại khớp. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, khi vận động người bệnh sẽ cảm thấy đau ở các khớp xương, nắn xung quanh các khớp xương sẽ thấy đau, có khi bị sưng, cử động các khớp xương bị hạn chế, nhiều khi phát ra tiếng kêu răng rắc trong khớp xương. Thường thì khớp xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng phần lớn bệnh đau khớp ảnh hưởng tới các khớp xương. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh đau khớp là lớp sụn ở khớp xương bị thoái hóa và ăn mòn, thiếu chất nhờn ở các khớp xương, điều này gây ra đau nhức khi cử động hoặc vận động. Tình trạng này gặp nhiều ở người lớn tuổi.
Với nhiều năm kinh nghiệm chữa đau xương khớp, bà Sơn dấu hiệu điển hình nhất của đau khớp, viêm khớp dạng thấp là viêm đa khớp, diễn biến kéo dài. Không chỉ bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân mà người bệnh còn bị viêm nhiều khớp khác trên cơ thể. Các khớp viêm bị sưng, nóng đỏ, rất đau và khó cử động. Tình trạng khớp bị cứng, khó cử động thể hiện rõ nhất vào sáng sớm và có thể kéo dài hàng giờ. Cùng với các triệu chứng tại khớp là hiện tượng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút. Viêm khớp dạng thấp diễn biến theo từng đợt. Ở giai đoạn đầu, khi khớp mới bị sưng nóng nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn hai, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động.
Bảo tồn thảo dược quý
Hiện nay bà Sơn là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội Đông y xã Tứ Sơn. Bà cũng đã được Hội Đông y tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận trong hành nghề thuốc nam. Bà cùng những thầy thuốc nam trong xã phát triển nghề thuốc.
Theo bà Sơn thì các vị thuốc bây giờ hiếm dần, có những vị thuốc công dụng tốt nhưng rất khó kiếm nên bà Sơn cùng các thầy thuốc trong xã đã quyết định thành lập một vườn thuốc nam để cùng nhau bảo tồn những loài thuốc quý.
Hiện nay vườn thuốc của Hội Đông y xã cũng đã trồng được hàng trăm loại thảo dược. Như lời bà Sơn nói: “Vì chúng tôi lo có những cây thuốc quý đang mất dần nên cần phải bảo tồn. Nếu những vị thuốc này mà mất đi thì con cháu về sau mất đi một phương thuốc quý”.
Phải giữ cái tâm khi làm thuốc
Cũng theo bà Sơn, việc chữa trị bằng thuốc nam thì người thầy thuốc cần phải có cái tâm mới giữ được nghề. Nếu chữa bệnh mà cứ chăm chăm vào lợi nhuận, sớm muộn cũng không giữ được nghề thuốc. Vì vậy khi truyền lại dần cho con gái bài thuốc, bà cũng căn dặn kỹ càng là “phải giữ cái tâm khi làm thuốc”.
Theo ông Bạch Công Dương - Phó Chủ tịch xã Tứ Sơn cho biết: Nghề thuốc của bà Sơn được gia đình truyền lại và bà Sơn đã chữa trị cho nhiều người. Bà Sơn là thành viên tiêu biểu của Hội Đông y của xã và được Hội Đông y tỉnh Hòa Bình cấp giấy hành nghề thuốc nam.
Theo ĐSPL