Theo giới truyền thông Hàn Quốc, chính quyền Seoul đã bí mật thoả thuận với Washington rằng, thay vì bán, nước này sẽ cho Mỹ “vay” 500.000 quả đạn pháo để bổ sung vào kho dự trữ của quân đội Mỹ, với điều kiện sau này Mỹ sẽ phải trả lại “khoản vay” này.
Các tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ trên mạng xã hội trước đó cho thấy rằng, giới chức Hàn Quốc lo ngại áp lực từ Washington về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cũng như khả năng số đạn pháo do Seoul cung cấp cho Washington sẽ được bán lại sang Kiev.
Tờ “Tona Ilbo” dẫn các nguồn riêng cho biết, thỏa thuận cho Mỹ “vay” đạn pháo là một biện pháp “lách luật”, cho phép chính phủ Hàn Quốc vẫn duy trì quyền sở hữu đạn dược, mà không phải ra mặt chuyển giao số đạn pháo này cho Ukraine, tránh làm mất lòng Nga.
Theo dữ liệu của tờ báo, hồi tháng trước Seoul đã ký hợp đồng với Washington về việc cung cấp cho Mỹ 500.000 quả đạn pháo 155mm.
Con số này nhiều gấp 5 lần so với 100.000 quả đạn pháo Hàn Quốc đã bán cho Hoa Kỳ trong năm ngoái và bằng 50% tổng số đạn pháo mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine.
Giới truyền thông cũng đưa tin rằng, vào hồi tháng 2 vừa qua, Washington đã yêu cầu Hàn Quốc bán cho phía Mỹ một lô khác gồm 100.000 quả đạn 155mm.
Seoul đáp lại bằng cách đưa ra con số 500.000, nhưng với điều kiện là lô đạn này không phải bán mà là cho vay.
Thoạt nghe, thỏa thuận vay mượn loại sản phẩm này này là khá dị thường đối với một quốc gia chuyên sản xuất và sử dụng loại đạn thông dụng cho các loại pháo chuẩn NATO như Mỹ, nhưng thật đáng ngạc nhiên là Lầu Năm Góc đã đồng ý và hai bên đã ký kết hợp đồng.
“Cách thức trao đổi này cho phép Hàn Quốc vừa duy trì nguyên tắc không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, vừa thể hiện thiện chí đáp ứng yêu cầu của đồng minh Hoa Kỳ về việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga” - nguồn tin của tờ “Tona Ilbo” cho biết.
Được biết, các lô đạn pháo của Hàn Quốc sẽ bổ sung vào kho dự trữ của quân đội Mỹ, trong khi Washington sẽ gửi số đạn có sẵn cho Ukraine. “Tona Ilbo” lưu ý, các thỏa thuận vay mượn này đã được bắt đầu kể từ năm ngoái, khi Seoul “cung cấp ngược” một lô đạn pháo cho Hoa Kỳ.
Quyết định cho Washington vay đạn pháo sẽ giúp Hàn Quốc bảo lưu quyền sở hữu số đạn dược này và có thể đòi lại nó bất cứ lúc nào. Do đó, nhiều khả năng là Seoul đã ngấm ngầm đồng ý cho Washington gửi đạn tới Kiev trong thời gian trước mắt và trả lại sau này.
Trước đó, chính quyền Seoul cũng đã tiến thêm một bước trong việc đáp ứng lời kêu gọi của Washington về việc hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến chống Moscow, khi cho phép cung cấp các loại lựu pháo có sử dụng các cấu kiện và linh kiện điện tử của Hàn Quốc cho Ukraine.
Hồi đầu tháng trước, chính quyền Hàn Quốc đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho Ba Lan để cung cấp cho Ukraine pháo tự hành Krab, được sản xuất bằng các cấu kiện của Hàn Quốc.
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời quan chức Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) là ông Kim Hyun-chul hôm 08/3 cho biết, cơ quan này đã xem xét kỹ lưỡng tất cả các tài liệu và các vấn đề có thể xảy ra đối với DAPA, sau đó mới quyết định cấp giấy phép xuất khẩu cho Ba Lan.
Tuyên bố cũng là xác nhận chính thức đầu tiên về việc Seoul đang gián tiếp hỗ trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Các quan chức Hàn Quốc trước đây đã nhiều lần từ chối bình luận những tin đồn như vậy.