Chuyện lý lịch và những điều cần biết trước thi xét tuyển vào ngành Công an

GD&TĐ - Bị từ chối nộp hồ sơ vào học Học viện Cảnh sát Nhân dân, dù người mẹ đã được xóa án tích trước đó, một thí sinh đã làm đơn kiến nghị lên Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

Em Trần Hương Ly rất buồn khi bị từ chối nộp hồ sơ vào ngành Công an
Em Trần Hương Ly rất buồn khi bị từ chối nộp hồ sơ vào ngành Công an

Tuy nhiên, Công an tỉnh Nghệ An – nơi tiếp nhận và trả lại hồ sơ của thí sinh đã trả lời đơn vị đã làm đúng quy định của Ngành.

Người thân đã xóa án tích, con cái vẫn không được vào công an

Đó là trường hợp của thí sinh Trần Hương Ly (SN 1997, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, trú khối 8, phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An).

Kỳ thi THPT quốc gia 2016, Trần Hương Ly đạt Toán 9 điểm, tiếng Anh 9,05 điểm, Ngữ văn 7,5 điểm và 0,5 điểm ưu tiên. Tổng điểm Ly đạt 26,05 điểm. Với số điểm này, Ly đăng ký xét tuyển vào ngành Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân.

Ly cho biết: Hồ sơ của em đã qua vòng sơ tuyển, sức khỏe đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ngày 21/7, Ly được cán bộ Đội Tổ chức CATP Vinh thông báo Hồ sơ dự tuyển không được Hội đồng tuyển chọn CA tỉnh Nghệ An đồng ý cho gửi hồ sơ và kết quả vào Học viện CSND vì lý do: Năm 2010, mẹ cháu là Hoàng Thị Ngân bị xử án tù treo vì vi phạm pháp luật (sản xuất hàng giả là thực phẩm).

Sau khi hay tin mình bị từ chối nộp hồ sơ, kết quả vào Học viện CSND, em Trần Hương Ly đã viết một lá đơn đề nghị gửi: lãnh đạo Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Giám đốc CA tỉnh Nghệ An trình bày rõ hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng được xem xét tuyển vào ngành.

“Việc cháu không được gửi hồ sơ dự tuyển vào Học viện CSND làm cháu rất buồn và suy sụp tinh thần. Qua tìm hiểu, cháu được biết trường hợp vi phạm của mẹ cháu là do không hiểu biết pháp luật…

Tuy nhiên, hành vi của mẹ cháu không gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, nhân thân tốt nên đã được Tòa cho hưởng án treo và từ đó đến nay mẹ cháu luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, của Nhà nước… nhưng mẹ cháu đã được TAND TP Vinh xóa án tích vào ngày 1/4/2016 rồi”.

“Cháu viết đơn này tha thiết kính mong bác (Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc CA tỉnh Nghệ An - PV) quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho cháu được nộp kết quả và hồ sơ dự tuyển vào Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2016 để cháu thực hiện ước mơ hoài bão của mình là phụng sự Tổ quốc và nhân dân”.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai - Giáo viên chủ nhiệm - cũng xác nhận trong đơn: “Em Trần Hương Ly là một học sinh đạo đức tốt, học giỏi, luôn có ý thức cầu tiến, là cán bộ lớp có năng khiếu văn nghệ, hăng say với các hoạt động phong trào trường lớp… Kính mong các cấp trên giúp đỡ cho em Hương Ly để em khỏi lỡ một cơ hội và ước mơ được phục vụ trong ngành Công an”.

Những ngày qua em rất buồn, trước khi đăng ký dự thi vào Học viện CSND, gia đình Ly đã nghiên cứu khá kỹ những điều kiện để dự thi vào ngành Công an. Biết sự việc mẹ từng có án tích nay đã được xóa, em cũng đã kê khai trung thực trong lý lịch.

Theo hồ sơ, ngày 12/7/2010, TAND TP Vinh xử phạt bà Hoàng Thị Ngân (mẹ em Ly) 30 tháng tù treo, thử thách 5 năm về tội “sản xuất hàng giả là thực phẩm”.

Ngày 12/7/2015, bà Ngân chấp hành xong thời gian thử thách, đảm bảo được 2/3 thời gian quy định, đã nạp đầy đủ án phí. Ngày 6/1/2016, bà Ngân có đơn xin xóa án tích.

Sau khi xem xét, ngày 1/4/2016, ông Trần Anh Sáng - Phó chánh án TAND TP Vinh ký Quyết định số 03/2016/QĐ-CA xóa án tích cho bà Ngân.

Bà Ngân cũng tâm sự: “Thời gian qua cháu đã rất cố gắng học tập, ước mong của cháu là được vào ngành công an, nên tôi cũng rất ủng hộ.

Khi biết hồ sơ của con không được chấp nhận, tôi thấy rất buồn và thương con. Gia đình tôi cũng chỉ mong được các cấp xem xét và giải thích rõ ràng về trường hợp hồ sơ của cháu…”.

Vẫn còn nhiều cơ hội tốt

Mặc dù không được xem xét vào ngành công an là điều đáng tiếc, nhưng em Ly vẫn còn nhiều cơ hội nộp vào các trường ĐH chất lượng với số điểm 26,05 khối D.
Mặc dù không được xem xét vào ngành công an là điều đáng tiếc, nhưng em Ly vẫn còn nhiều cơ hội nộp vào các trường ĐH chất lượng với số điểm 26,05 khối D.
 

Tiếp nhận đơn đề nghị của em Trần Hương Ly, phía công an tỉnh Nghệ An đã có trả lời chính thức với gia đình em. Theo đó, Đại tá Hồ Văn Tứ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết:

Trường hợp hồ sơ của thí sinh Trần Hương Ly, Đội Tổ chức, Công an TP Vinh, Phòng Tổ chức Cán bộ, Công an tỉnh Nghệ An đã rà soát và xem xét rất kỹ.

Việc bà Hoàng Thị Ngân (52 tuổi, mẹ của Ly), từng bị TAND TP Vinh xử phạt 30 tháng tù treo, thời gian thử thách 5 năm (tính từ ngày 12/7/2010) đối chiếu quy định tuyển sinh vào các trường công an, hồ sơ của thí sinh này không hợp lệ. Đơn vị đã trả hồ sơ cho Công an TP Vinh và thông báo cho gia đình.

Đại tá Tứ khẳng định, công an đã làm việc khách quan, chặt chẽ, đúng quy định. Những năm trước, do nhận hồ sơ trước rồi mới thẩm tra lý lịch sau, cho nên một số trường hợp không có thời gian nộp hồ sơ đi trường khác xét tuyển nữa, Bộ đã có một số chiếu cố cho các trường hợp đó.

Tuy nhiên, năm nay Bộ Công an đã kiểm tra, xác minh hồ sơ trước khi nhận. Qua quá trình thẩm tra thì cháu Ly không đủ tiêu chuẩn để vào ngành nên Phòng tổ chức cán bộ không nhận hồ sơ xét tuyển để cho cháu chủ động nộp hồ sơ vào trường khác" - Đại tá Tứ nói.

Về phía em Trần Hương Ly, em cũng cho biết: Ước mơ lớn nhất của em là được vào ngành Công an. Vì vậy, việc nộp hồ sơ đăng ký vào ngành nghề nào khác, em chưa tính đến.

Tuy nhiên, thời gian đợt 1 xét tuyển vào ĐH, CĐ vẫn còn (đến ngày 12/8), với điểm thi đạt 26,05 khối D, em sẽ có nhiều lựa chọn tốt ở phía trước. Gia đình em Ly cũng chia sẻ không muốn tạo áp lực tâm lý, và tôn trọng các quyết định của con gái.

Sự việc của em Trần Hương Ly cũng là bài kinh nghiệm để tất cả các thí sinh có ý định dự thi vào ngành công an trong những năm sau: cần nghiên cứu và hỏi rõ các quy định, điều kiện để được vào ngành. Tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc cũng như cần chuẩn bị một phương án B cho bản thân khi sự việc không mong muốn xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.