Chị tìm thấy em gái thất lạc 24 năm trong khu cách ly
Mới đây, bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa cho biết, đơn vị này vừa hỗ trợ bà Trần Thị Hương tìm được người thân khi đang ở khu cách ly.
Theo đó, ngày 8/12, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Hương được chuyển đến từ khu cách ly tập trung do có biểu hiện rối loạn tâm thần.
Bà Hương là một trong số những người được cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả do cư trú bất hợp pháp trong chiến dịch kiểm soát, phòng chống COVID-19.
Bà Hương không nhớ tên tuổi, địa chỉ nên việc tiếp xúc và khai thác thông tin gặp nhiều khó khăn. Sau 10 ngày điều trị, bệnh của bà Hương có tiến triển. Dù vậy, bệnh nhân vẫn chưa nhớ được thông tin gì.
Một buổi tối, bà Hương viết trên giấy những từ giống như địa danh nhưng không cụ thể. Từ thông tin đó, điều dưỡng ghép các từ và tìm kiếm trên mạng và phát hiện những từ bà Hương viết giống tên một thôn ở Hà Nội.
Từ những dữ liệu mờ hồ trên, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã liên hệ với Công an Hà Nội và được xác nhận, trên địa bàn xã có một trường hợp mất tích nhiều năm. Sau khi phối hợp để đối chiếu thông tin, hình ảnh, phía gia đình xác nhận bà Hương là em gái đã mất tích 24 năm.
Ngay ngày hôm sau, đại diện gia đình gồm anh trai và chị gái của bà Hương lập tức đến để đón và đoàn tụ với người thân sau nhiều năm xa cách.
Thông tin từ gia đình bệnh nhân, bà Hương là con gái thứ bảy trong gia đình có chín người con. Bà Hương sống cùng bố mẹ và làm nghề may.
Khoảng cuối năm 1991, một người bạn gần nhà rủ bà đi chơi và lừa bán bà sang Trung Quốc. Sau đó, người thân tích cực tìm kiếm bà nhưng không có kết quả. Anh trai bà Hương cũng sang Trung Quốc làm việc để mong tìm lại em gái nhưng vẫn không có chút hi vọng nào.
Năm 1996, bà Hương trở về thăm nhà và kể lại cuộc sống trong thời gian lưu lạc. Sau khi bị bạn lừa sang Trung quốc, bà bị bán làm vợ của một người đàn ông với giá 5 triệu đồng. Chồng bà là người hiền lành, đối xử với bà rất tốt.
Bà đã có 2 người con ở Trung Quốc. Về thăm nhà được khoảng 2 tuần, vì quá nhớ con nên bà Hương quyết định quay lại Trung Quốc. Từ đó đến nay, sau 24 năm bà mới được trở về đoàn tụ với gia đình.
Nước mắt hạnh phúc ở nơi không ai muốn đến
Trước đó, sáng 17/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng đã kết nối giúp bà Trần Thị Huệ (58 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tìm được người thân sau 24 năm lưu lạc.
Ông Trần Thế Nguyên, anh trai bà Huệ, cho hay năm 1996, bà Huệ bị kẻ xấu lợi dụng lừa đưa đi khỏi nhà. Trong thời gian đó, gia đình đã thông báo với chính quyền địa phương về sự việc và nỗ lực tìm kiếm bà Huệ nhiều năm liền nhưng không có kết quả.
Đến ngày 16/7, gia đình nhận được thông tin bà Huệ đã từ Trung Quốc trở về Việt Nam và đang được cách ly ngừa COVID-19 và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Bất ngờ và xúc động, ông Nguyên cùng người em rể nhanh chóng lên Lạng Sơn gặp và đón bà Huệ trở về.
Theo thông tin từ bệnh viện, ngày 3/7 sau khi được Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trao trả về Việt Nam, bà Huệ đã được cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Lúc mới vào viện, bà Huệ có dấu hiệu rối loạn tâm thần, thường xuyên kích động, đập phá... Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của bà đã thuyên giảm; các bác sĩ, điều dưỡng tại khu cách ly đã khai thác được địa chỉ gia đình và liên hệ với cơ quan chức năng để xác minh và gọi người thân của bà đến đón.
Nghỉ Covid, rảnh rỗi tìm thấy chị ruột
Không chỉ ở Việt Nam, một cư dân ở Vương quốc Anh đã tìm thấy chị gái của mình nhờ thời gian rảnh rỗi ở nhà do lệnh phong tỏa vì đại dịch COVID-19.
Cụ thể, người phụ nữ có tên Teri Abimbola, 32 tuổi, trong nhiều năm qua đã tìm kiếm chị gái Joanne Odwyer. Chị của cô được trao cho một gia đình nhận nuôi khi vừa mới ra đời.
Thời gian gần đây, do chế độ tự cách ly phòng chống dịch COVID-19, Teri đã có nhiều thời gian rảnh hơn. Do đó, cô bắt đầu tìm kiếm sâu hơn vào kho lưu trữ của trang đăng ký nhận con nuôi và nhận thấy một bức ảnh của một người phụ nữ có nhiều đặc điểm khuôn mặt tương tự khuôn mặt của mình. Dù chưa gặp chị gái lần nào, nhưng Teri luôn có cảm giác rất thân thiết với khuôn mặt này.
Sau đó, Teri đã viết thư gửi người phụ nữ 51 tuổi này qua Facebook và phát hiện ra rằng người phụ nữ đó được nhận nuôi. Ngay sau đó, Teri tìm kiếm địa chỉ nhà và biết được người phụ nữ này chỉ sống cách đó 8 km.
“Tôi đã gọi điện thoại cho cô ấy và dường như đây chính là chị gái của tôi”, Teri nói.
“Chúng tôi đã nói chuyện về rất nhiều thứ như: tên, hình ảnh, giấy khai sinh,... Trong vòng nửa giờ, rõ ràng cô ấy chính xác là chị gái của tôi”, Teri kể lại.
Hai chị em lần đầu gặp nhau ở một công viên. Ngoài Joanne, Teri cũng mời các chị, em khác cùng đến. Mọi người ngay lập tức tìm thấy “tiếng nói chung”.
“Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi không bao giờ từ bỏ, 51 năm trước, mẹ tôi đã sinh ra một đứa trẻ xinh xắn, nhưng đã cho một gia đình khác nhận làm con nuôi vì nhiều lý do. Mẹ tôi sau đó đã sinh thêm 7 người con, bà ấy luôn nói với chúng tôi về người chị gái của mình”, Teri chia sẻ.
“Giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Đại dịch COVID-19 này là một thảm họa thực sự, nhưng nếu không có nó tôi sẽ không có nhiều thời gian rảnh để tìm kiếm chị gái mình. Mẹ của chúng tôi vẫn còn sống và bà rất hạnh phúc khi chúng tôi tìm thấy chị gái”, Teri chia sẻ.