Chuyện ít biết về thiên đường chuyển giới

Là quốc gia đứng đầu thế giới về số người chuyển giới, Thái Lan được xem là thiên đường của phẫu thuật chuyển đổi giới tính với chi phí rẻ nhất thế giới. 

Chuyện ít biết về thiên đường chuyển giới

Tuy nhiên Thái Lan lại không phải là một trong 10 nước chấp nhận hôn nhân đồng giới. Vì vậy thân phận của những người chuyển giới tại Thái Lan cũng đầy hiểm họa và bi kịch.

Từ ca phẫu thuật đầu tiên

Đi trên bất cứ nơi đâu ở Thái Lan: siêu thị, nhà hàng, đường phố, quán bar… đặc biệt là ở Bangkok, Pattaya hay Phuket bạn dễ dàng gặp những người chuyển giới. 

Số người chuyển giới ở đây nhiều đến mức thật giả lẫn lộn, không dễ phân biệt. Ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên ở nước này diễn ra vào năm 1972. 

Hiện tại, số ca phẫu thuật chuyển giới mỗi năm ở Thái Lan nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. 

Với công nghệ y khoa hiện đại, nhiều năm qua, rất nhiều khách hàng trong và ngoài Thái Lan tìm tới những trung tâm phẫu thuật tại đây để biến giấc mơ của mình thành hiện thực. 

Luật pháp Thái Lan cho phép những người đồng tính khi bước qua tuổi 20 có thể quyết định chuyển giới hay không. Sau khi chuyển giới, họ có thể tự do xuất hiện tại những nơi công cộng mà không phải lo lắng bị quấy rối hay lăng mạ.

Được sự giới thiệu của bác sĩ Preecha, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Rachadi, một người chuyển giới. Hẹn gặp cô tại một quán cà phê trên đường Chitlom, Rachadi đến khá đúng giờ. 

Mặc một chiếc váy màu kem bó sát người, khuôn mặt được trang điểm nhẹ nhàng, mái tóc dài ép thẳng, không ai có thể nghĩ rằng Rachadi là một người chuyển giới.

Cô thực sự rất đẹp với chiều cao khoảng 1m70, da trắng nõn nà. Cô bắt đầu câu chuyện: Tôi sinh ra tại Bangkok, từ nhỏ tôi đã biết mình không phải là một người đàn ông.

Năm 17 tuổi tôi quyết định phẫu thuật sau khi có sự đồng ý của cha mẹ. Nhưng thực sự đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy hãi hùng vì đó là những tháng ngày vô cùng đau đớn. 

Đến bây giờ, để có cơ thể như thế này tôi đã trải qua 15 lần phẫu thuật. Thông thường quá trình này gồm 3 giai đoạn. 

Giai đoạn 1, tôi cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đáp ứng cho một cuộc sống mới. 

Giai đoạn này tôi phải làm việc với bác sĩ tâm lý. Bác sĩ tâm lý sẽ đưa ra lời khuyên về những biến đổi tâm lý cùng những vấn đề tâm lý tôi phải đối mặt trong suốt giai đoạn điều trị và những định kiến của xã hội về sau.

Tôi có thể bị gia đình từ bỏ, bạn bè xa lánh, bị công ty sa thải hoặc bị đuổi ra khỏi cộng đồng tôn giáo… 

Bác sĩ tư vấn thể chất sẽ quyết định khi nào thể chất của tôi sẵn sàng tiếp nhận phẫu thuật. 

Về thời gian và liều lượng hormone phải tiếp nhận trước phẫu thuật và các biến đổi về mặt sinh lý tôi phải biết, các chức năng của những bộ phận cơ thể mới, sự không quen khi một vài phần quen thuộc bị biến mất. 

Giai đoạn 2 là khoảng thời gian trải nghiệm cuộc sống ở giới tính khác, tiêm hormone kéo dài khoảng 12 tháng. 

Giai đoạn 3 là phẫu thuật chuyển đổi cơ quan sinh dục, sẵn sàng hòa nhập với cuộc sống và cơ thể mới. Sau đó tiếp tục phẫu thuật các khớp xương như cằm, gò má, vai, đầu gối… 

Tùy theo điều kiện từng người mà có thể gọt đến khi hoàn chỉnh thì thôi. Tôi đã mất gần 4 năm mới hoàn tất các cuộc phẫu thuật và chịu nhiều đau đớn, dùng thuốc liên tục và tiêu tốn nhiều tiền. 

Tổng cộng các chi phí lên tới gần 100.000 USD, chưa kể các loại thuốc phải uống suốt đời.

Lúc này tôi mới để ý đến cơ thể của Rachadi. Khuôn mặt của cô đã được gọt nhỏ nhắn và thanh thoát. Xương vai cũng không bị gồ lên như những người chuyển giới tôi bắt gặp tại các nhà hàng. 

Tôi hỏi đời sống tình dục của cô thế nào? Rachadi mỉm cười: Mọi người như thế nào thì tôi cũng như vậy. Tôi và bạn trai có cuộc sống tình dục bình thường. Chỉ có điều tôi không thể sinh con như những người phụ nữ khác.

Chi phí cho một ca phẫu thuật hoàn chỉnh là bao nhiêu?

Chi phí chuyển giới ở Thái Lan được xếp vào hàng rẻ nhất thế giới. Đối với những ca phẫu thuật bình thường giá sẽ vào khoảng 20.000 USD và nó dao động lên đến 30.000 USD đối với những ca phẫu thuật yêu cầu bác sĩ có tiếng tăm. 

Chi phí thấp là lý do tại sao nhiều bệnh nhân lựa chọn Bangkok cho các hoạt động chuyển đổi giới tính. 

Thông thường phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan có giá: Phẫu thuật chuyển giới (SRS): 8.000 đến 22.000 USD; Tạo ngực: 5.800 đến 7.800 USD; Cạo khí quản (giảm táo Adams): 4.800 USD; Phẫu thuật trên khuôn mặt nữ giới (FFS): 10.000 đến 40.000 USD. 

Nếu quá trình chuyển đổi kéo dài qua nhiều năm có thể sẽ chi tiêu gần 100.000 USD. Ngoài ra còn chi phí có liệu pháp hormone với chi phí 300-400 USD mỗi tháng trong suốt phần còn lại của cuộc đời.

Bác sĩ Preecha, người đã làm trong ngành phẫu thuật giới tính 20 năm cho biết ông đã tiến hành hơn 5.000 ca phẫu thuật chuyển giới cho cả nam và nữ trong gần 20 năm qua. 

Bệnh nhân của ông là những người tới từ khắp nơi trên thế giới. Một báo cáo cho thấy, những người tới Thái Lan chuyển giới nhiều nhất là Mỹ, tiếp theo là châu Âu và Australia. 

Đối với không ít người chuyển giới, tới Thái Lan là lần xuất ngoại đầu tiên và họ chỉ đi một mình. 

Tuy nhiên, việc phẫu thuật chuyển giới vẫn dễ dàng được tiến hành bởi những dịch vụ hoàn hảo mà các phòng phẫu thuật cung cấp. 

Trong 2 giai đoạn đầu, người chuyển giới sẽ sử dụng các loại hormone đặc trưng. Chuyển giới nam sử dụng hormone Estrogen, Progesterone trong khi người phái còn lại bổ sung hormone Androgen. 

Đây là các nội tiết tố, giúp cơ thể người chuyển giới ổn định sau phẫu thuật. Phẫu thuật chuyển giới đi kèm nhiều loại hình phẫu thuật thẩm mỹ khác như phẫu thuật khuôn mặt, ngực… 

Trong 2 loại phẫu thuật chuyển giới, phẫu thuật dành cho nam phức tạp, rủi ro, khó thành công hơn so với phẫu thuật cho nữ. Đối với nữ, đầu tiên các bác sĩ sẽ loại bỏ tử cung, buồng trứng, chuẩn bị ống dẫn nước tiểu từ da bụng cũng như cắt bỏ ngực. 

Sau đó, vẫn từ da bụng bệnh nhân, bác sĩ tái tạo dương vật, nối ống dẫn tiểu và tinh hoàn bằng silicone. Còn đối với nam, từ dương vật, người ta không cần cấy ghép mà tái tạo ngay âm hộ trên da của dương vật. 

Chuyển giới từ bé sẽ có lợi hơn so với chuyển giới khi trưởng thành. Nguyên nhân là trẻ em có nhiều thời gian làm quen, thích nghi với giới tính. 

Sau khi chuyển đổi giới tính, bệnh nhân có khả năng quan hệ tình dục tương đối bình thường, nhưng cảm xúc thì không được như tự nhiên. 

Họ cũng chưa thể có khả năng sinh con như người thường. Đối với nam chuyển giới sang nữ, họ dễ gặp phải hội chứng “dương vật ma”. 

Dù đã phẫu thuật loại bỏ dương vật song những dây thần kinh còn sót lại đôi khi gây ra cảm giác cương cứng giống như có dương vật khi xưa vậy. Đây là một trong những điều ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của người sau chuyển giới.

Đặc biệt, một trong những điều không thể bỏ quên là những tác dụng phụ mà các hóa chất và hormone tiêm vào cơ thể lâu dài sẽ để lại di chứng, gây ra nguy cơ ung thư vú, ung thư da… vô cùng nguy hiểm.

Và những bi kịch

Dù Thái Lan là đất nước có quan niệm rất thoáng về giới tính nhưng những người chuyển giới vẫn bị phân biệt đối xử. Tại đất nước Thái Lan, rất nhiều người chuyển giới có bằng đại học nhưng vẫn không thể kiếm được việc làm. 

Nhiều người phải sống với nỗi lo thấp thỏm về sinh mệnh ngắn ngủi và không có tương lai. Nhiều nhà tuyển dụng không muốn gặp rắc rối khi thuê một người chuyển giới. 

Vì thế, người chuyển giới phải làm những công việc như bồi bàn, làm tóc, trang điểm, bán hàng rong ngay cả khi họ đã tốt nghiệp đại học. 

Giới tính ban đầu của họ vẫn còn trên hộ chiếu, dẫn đến những khó khăn khi xuất nhập cảnh. 

Thái Lan cũng cấm hôn nhân đồng tính. Điều đó có nghĩa là khi vợ/chồng của người chuyển giới qua đời thì gia đình họ là người nhận được toàn bộ tài sản. Sorrawee “Jazz” Nattee, người đăng quang Miss Tiffany Universe năm 2009 sau nhiều cố gắng cũng đã mệt mỏi quyết định hạ chiếc vương miện khỏi đầu để lui về làm một ni cô ẩn dật trên đất nước chùa tháp này. 

Một số người quen của Jazz cho biết, hoa hậu đã lấy túi ngực ra khỏi cơ thể để nhà chùa cho phép thực sự được nương nhờ cửa Phật dài lâu.

Bên cạnh đó là vấn đề lây nhiễm HIV. Thái Lan hiện phải đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm HIV giữa những người chuyển giới ngày càng tăng cao.

Lý do của thực trạng này xuất phát từ lối sống không lành mạnh, với mại dâm và ma túy, cùng sự thiếu thốn của hoạt động chăm sóc sức khỏe. 

Ước tính có khoảng 530.000 người Thái đang sống chung với virus HIV, theo công bố của Liên Hợp Quốc hồi năm 2010. 

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về con số người thuộc giới tính thứ ba bị nhiễm HIV trên toàn thế giới, nhưng các khảo sát ở địa phương cho thấy tỷ lệ này đang tăng rất nhanh và có nguy cơ lan rộng. 

Theo thống kê của chính quyền tỉnh Chonburi, 11% người chuyển giới ở địa phương này, tập trung chủ yếu ở thành phố Pattaya, nơi nổi tiếng với những màn biểu diễn “sex show”, bị chẩn đoán nhiễm virus HIV. 

Các nhà hoạt động xã hội ở Thái Lan cho biết, tình trạng này đang ngày một tệ hơn do sự gia tăng con số thanh niên chuyển giới làm việc trong ngành công nghiệp tình dục. 

Bản thân những người chuyển giới chỉ nghĩ tới việc kiếm thật nhiều tiền để nuôi sống bản thân chứ không quan tâm tới sức khỏe và tuổi thọ của chính mình.

“HIV chỉ là một trong số rất nhiều mối nguy hiểm mà những người chuyển giới phải đối mặt mỗi ngày”, nhà hoạt động xã hội Prempreeda nói thêm, đặc biệt nhấn mạnh tới tình trạng bạo lực đối với những người hành nghề mại dâm. 

“Người chuyển giới tất nhiên sẽ không bị đánh đập hay lạm dụng khi xuất hiện trên đường phố, nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc họ sẽ có cơ hội để kiếm được một công việc tử tế. 

Vì vậy rất nhiều người chuyển giới tin rằng mại dâm là con đường duy nhất để kiếm tiền và đảm bảo cái tôi của họ”.

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.