Chuyện ít biết về gia đình nhà vô địch Wimbledon 2015 Lý Hoàng Nam

Lý Hoàng Nam sinh ra trong một gia đình không ai theo nghiệp thể thao. Thế nhưng từ năm 15 tuổi, Nam đã trở thành vận động viên quần vợt số một Việt Nam.

Chuyện ít biết về gia đình nhà vô địch Wimbledon 2015 Lý Hoàng Nam

Với thành tích vô địch đôi nam giải đấu danh giá Wimbledon trẻ 2015, tay vợt gốc Tây Ninh này đã góp phần nâng vị thế của quần vợt nước nhà lên tầm cao mới. Thành công của Hoàng Nam ngoài việc dựa vào tài năng và sự khổ luyện trên sân tập, còn có bệ phóng vững chắc từ gia đình.

Tất cả vì đam mê của con

Giải Wimbledon là giải vô địch quần vợt Anh. Đây là giải lâu đời nhất và có uy tín nhất của môn quần vợt thế giới. 

Giải được tổ chức vào khoảng tháng 6, tháng 7, là giải thứ 3 trong hệ thống giải Grand Slam ( Úc mở rộng, Pháp mở rộng, Mỹ mở rộng, Wimbledon) hàng năm, sau giải Úc mở rộng và Pháp mở rộng, và trước giải Mỹ mở rộng. 

Giải tiến hành trong 2 tuần. Trong 4 giải Grand Slam, đây là giải duy nhất chơi trên sân cỏ. Giải bao gồm các giải đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. 

Bên cạnh đó, có giải trẻ gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam và đôi nữ. Ngoài ra, còn tổ chức giải mời đặc biệt dành cho các tay vợt đã giải nghệ: đôi nam từ 35 tuổi trở lên, đôi nam từ 45 tuổi trở lên, đôi nữ từ 35 tuổi trở lên và giải đôi xe lăn dành cho người khuyết tật.

Không như nhiều tên tuổi thể thao sáng giá trong nước và quốc tế khác, con đường đến với quần vợt của nhà vô địch Wimbledon trẻ 2015 Lý Hoàng Nam lại hết sức tình cờ. 

Nam bén duyên với trái banh nỉ khi chỉ là cậu nhóc 6-7 tuổi. Lúc bấy giờ, cha Nam là ông Lý Hoàng Việt (49 tuổi) và bà Đỗ Thanh Yến (47 tuổi) vẫn thường cho con trai theo ra sân khi đi tập quần vợt. 

Lần đầu tiên thấy trái bóng, Nam đã thích thú lao tới chụp lấy. Em cứ thế nô đùa với trái bóng không chịu rời tay. Lúc cha mẹ dẫn về, Nam gào khóc đòi ở lại sân tập. Sau này, hễ biết cha mẹ chuẩn bị đi tập quần vợt là cậu nhóc cuống quýt chạy theo.

Nhớ về những ngày đầu con trai đến với môn quần vợt, bà Yến cười cho biết: “Thấy con mê mẩn với trái bóng, vợ chồng tôi chỉ nghĩ cháu hiếu động, nô đùa. Nhưng mỗi ngày nhận thấy sự thích thú ở Nam ngày càng tăng, vợ chồng tôi quyết định mua vợt, hướng dẫn con chơi. 

Thật khó tin, trong khoảng thời gian ngắn Hoàng Nam tiến bộ nhanh chóng. Hơn 7 tuổi, cháu đã hoàn thiện nhiều kỹ năng mà cha mẹ không thể thực hiện được. Dù thế, vợ chồng tôi không nghĩ con đủ khả năng theo đuổi bộ môn quần vợt chuyên nghiệp. Bởi thời điểm đó, quần vợt Việt Nam chưa phát triển nên rất ít người tập luyện, thi đấu”.

Trong thời gian này, có một người bạn làm ăn cùng ông Việt từ Bình Dương thường xuyên xuống Tây Ninh tập quần vợt cùng với cha mẹ Nam. Người bạn tỏ ra thích thú và ngưỡng mộ trước tài năng bẩm sinh của tay vợt nhí. 

Ông góp ý với gia đình nên gửi Hoàng Nam qua trung tâm đào tạo quần vợt ở Bình Dương học để phát triển sự nghiệp. Thời điểm này, Công ty cổ phần kinh doanh thể thao Bình Dương (đơn vị chủ quản của Lý Hoàng Nam) đang có những bước đầu tư mạnh mẽ cho bộ môn này. 

Họ xây dựng sân tập, trang thiết bị hiện đại, thuê huấn luận viên và chuyên gia nước ngoài hướng dẫn. Biết banh nỉ là niềm đam mê lớn nhất với Hoàng Nam, ông bà Việt quyết định dù phải làm tất cả cũng giúp con trai thỏa ước nguyện.

Năm đầu tiên học ở trung tâm đào tạo, vì chưa ai ghi nhận tiềm năng của Nam nên gia đình phải lo toàn bộ kinh phí. Ông Việt cùng vợ đã phải chạy vạy khắp nơi mới xoay xở được tiền cho Nam theo đuổi ước mơ. 

Nhớ về những tháng ngày khó khăn đó, bà Yến tâm sự: “Với một đứa trẻ 8 tuổi phải sống xa nhà là điều vô cùng khó khăn, Hoàng Nam cũng vậy. Cháu nhớ nhà nên khóc suốt đêm. Tôi thương con nên ngày nào cũng gọi điện lên hỏi thăm. 

Nghe mẹ hỏi chuyện, cháu có buồn nhưng không đòi về nhà. Vì cháu biết ở trung tâm sẽ được thỏa mãn đam mê sống cùng trái bóng. 

Vì thương con, chồng tôi lúc đó buộc phải gác toàn bộ công việc xin vào trung tâm ở cùng con. Chỉ cần con trai hạnh phúc, vui vẻ, thỏa mãn niềm đam mê là vợ chồng tôi vui rồi”.

Sự hy sinh của bố mẹ Nam nhanh chóng được đền đáp. Năm 9 tuổi, Lý Hoàng Nam đã xuất sắc đăng quang ngôi vô địch giải U10 toàn quốc tổ chức tại Nha Trang. 

Ngôi vị quán quân đó là bước ngoặt quan trọng đưa sự nghiệp của Hoàng Nam lên tầm cao mới. Sau chức vô địch, lãnh đạo Công ty cổ phần kinh doanh thể thao Bình Dương đã quyết định ký hợp đồng đào tạo với tay vợt nhí này. 

Cũng từ đó, vợ chồng bà Yến phần nào giảm tải được nỗi lo kinh phí cho con phát triển tài năng. Dưới sự “đỡ đầu” của công ty, Hoàng Nam được theo học các huấn luyện viên nước ngoài và được đi tập huấn ở các nước có nền quần vợt phát triển. 

Thêm một lần nữa, Hoàng Nam không phụ lòng mong đợi của người hâm mộ nước nhà. Tay vợt trẻ gần như thâu tóm toàn bộ giải đấu trong nước mình tham dự. Ngỡ ngàng hơn, khi Nam luôn vô địch vượt tuổi (vô địch U14 khi 12 tuổi, vô địch U16 khi 14 tuổi, vô địch U18 khi 16 tuổi).

Dạy con không “ngủ quên” trên chiến thắng

Cậu nhóc Lý Hoàng Nam thực sự trở thành hiện tượng mới trong làng thể thao Việt Nam vào năm 2010. Khi đó, giới quần vợt nói riêng và cả làng thể thao nói chung ngỡ ngàng trước hiện tượng một cậu bé 15 tuổi lên ngôi vô địch ở giải quần vợt số 1 nước nhà. 

Để “xưng vương”, cậu nhóc Lý Hoàng Nam đã hạ bệ hàng loạt đàn anh tên tuổi. Trong số đó, có cả “tượng đài” quần vợt Việt Nam Đỗ Minh Quân (đơn vị TPHCM). 

Những năm sau, Lý Hoàng Nam vẫn độc tôn nắm giữ ngôi vị số một. Từ sân chơi quốc nội, Hoàng Nam bắt đầu hướng ra “biển” lớn. Em tham dự rất nhiều giải trẻ từ khu vực đến quốc tế và gặt hái không ít thành công. 

Thế nhưng, ngày hay tin Lý Hoàng Nam cùng đồng đội Sumit Nagal (Ấn Độ) vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015, làng thể thao nước nhà trở nên “dậy sóng”. 

Người ta đã dùng rất nhiều mỹ từ để ca tụng chiến tích này như: “lịch sử”, “người hùng”, “chấn động”… Lý Hoàng Nam cùng “siêu kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên (người dành 8 Huy chương vàng bơi lội ở Seagame 28) trở thành niềm tự hào, biểu tượng của tuổi trẻ Việt Nam.

Trong thời khắc đứng trên bục vinh quang, Hoàng Nam đã gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến gia đình - nơi cha mẹ, anh chị em luôn sẵn sàng làm bệ phóng để cậu có cơ hội bay cao. 

Sự khiêm nhường, gần gũi ở Nam phần lớn xuất phát từ cách giáo dục, định hướng quyết liệt nhưng đúng đắn của gia đình. Bà Yến tâm sự: 

“Biết con đam mê quần vợt, vợ chồng tôi quyết định làm mọi cách giúp cháu theo đuổi ước mơ. Chúng tôi không gò bó hay quản thúc Nam, mà luôn đứng ngoài theo dõi và định hướng cho cháu nếu thấy cháu có dấu hiệu lệch hướng”. 

Mỗi ngày, ông bà Việt thay nhau gọi điện thoại hỏi han, động viên, chia sẻ với con hàng tiếng đồng hồ. Thế nên, tay vợt số một Việt Nam có khi nhiều tháng trời phải tập huấn, thi đấu xa nhà nhưng em luôn cảm nhận được tình thương yêu mà cha mẹ dành cho mình. 

Sự định hướng đúng đắn từ vợ chồng bà Yến là một phần quan trọng tạo nên Hoàng Nam bản lĩnh, lì lợm trên sân đấu nhưng lại gần gũi, thân thiện giữa đời thường.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Yến luôn nhấn mạnh: “Tôi luôn nhắc Nam mọi chuyện chỉ mới bắt đầu, con không được “ngủ quên” trên chiến thắng. Con phải từng ngày, từng ngày nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện khả năng của mình. Chức vô địch này chưa nói lên điều gì cả”. 

Hơn ai hết, Lý Hoàng Nam hiểu sự nghiệp của một vận động viên quần vợt với em mới chỉ ở nấc thang đầu tiên. Tay vợt trẻ cho biết, bản thân luôn lắng nghe những lời khuyên từ cha mẹ, sẽ không ngừng cố gắng luyện tập để hướng tới những chặng đường tiếp theo. 

Hiện tại, Hoàng Nam đang được nghỉ dưỡng ở quê nhà Tây Ninh sau chức vô địch. Sau đó, em tiếp tục bước vào giai đoạn tập huấn cực nhọc chuẩn bị cho giải Mỹ mở rộng diễn ra vào cuối năm nay. 

Mục tiêu trước mắt của Lý Hoàng Nam là có thể tiến sâu ở giải và trong tương lai, tay vợt số 1 Việt Nam đặt quyết tâm lọt top 1.000 tay vợt mạnh nhất thế giới.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.