Chuyện ít biết về đệ nhất ân phi của vua Khải Định

Là một tiểu thư quận chúa “lá ngọc cành vàng”, tài sắc vẹn toàn, tuy nhiên duyên phận không mỉm cười khiến cuộc đời bà gặp nhiều gian nan trắc trở.

Chuyện ít biết về đệ nhất ân phi của vua Khải Định

Bà Hồ Thị Chỉ (1902-1985) từng là đệ nhất Ân phi của vua Khải Định. Theo tộc phả của dòng họ Hồ Đắc ở làng An Truyền (làng Chuồn) nay là xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế thì bà Hồ Thị 

Chỉ là cháu nội của Hầu tước Hồ Đắc Tuấn và Quận chúa Công nữ Thức Huấn (con gái của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm – Hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng). 

Là một tiểu thư quận chúa “lá ngọc cành vàng”, tài sắc vẹn toàn, tuy nhiên duyên phận không mỉm cười khiến cuộc đời bà gặp nhiều gian nan trắc trở.

Mối tình đầu dang dở với vua Duy Tân

Sau khi vị vua yêu nước Thành Thái bị thoái vị, hoàng tử Vĩnh San, con của Thành Thái mới 8 tuổi lên ngôi với vương hiệu Duy Tân. Càng lớn lên vị vua trẻ tuổi này tỏ ra thông minh, có lòng yêu nước. Người Pháp biết điều này và tìm nhiều cách cản trở với hy vọng vua Duy Tân không đi theo chiều hướng chống Pháp như vua cha Thành Thái, nhưng điều đó đã không thành.

Vào dịp mùa hè, vua Duy Tân thường ra nghỉ mát ở biển cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Tháp tùng nhà vua đi nghỉ có Thượng thư Hồ Đắc Trung và 4 người con là công tử Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di (học sinh trường Albert Sarraut Hà Nội), hai gái là tiểu thư quận chúa Hồ Thị Chỉ và Hồ Thị Hạnh để nhà vua có bạn trò chuyện, vui đùa. Cô Hồ Thị Chỉ kém vua Duy Tân 2 tuổi lúc này có dáng dấp một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, do đó được nhà vua để ý... 

Sau đó ít lâu, một hôm có người của triều đình đến xin ảnh của cô Hồ Thị Chỉ cho bà Thái Hậu xem mặt. Một tuần sau có lệnh mời cụ ông cụ bà Hồ Đắc Trung vào chầu Thái Hậu. Tiếp theo kiệu vua đưa ra nhà hai cụ một đôi bông tai và một đôi vòng vàng. 

Đó là lễ hỏi của nhà vua để chọn ngày lành tháng tốt sẽ làm lễ nạp phi. Cả gia đình cụ Hồ Đắc Trung đều vui mừng hân hoan, nhất là cô Hồ Thị Chỉ vốn đã có những ấn tượng tốt đẹp với vua Duy Tân sau những lần gặp gỡ trò chuyện trước đó. Nhưng thật oái ăm ...

Vào khoảng tháng 12-1915, vua Duy Tân đột ngột cho mời cụ Hồ Đắc Trung vào triều gặp riêng và nói lời rút lui việc hôn nhân với Hồ Thị Chỉ mà không cho biết lý do, chỉ ban rằng: “Thầy hãy an ủi con gái của thầy và gả ngay cho người khác, đừng để cô ấy buồn tội nghiệp. Thầy nên hiểu vì tôi thương cả gia đình thầy, nên phải từ hôn với người mà tôi mến thương từ hai năm nay”. Sự kiện này khiến gia đình cụ Hồ Đắc Trung, nhất là Hồ Thị Chỉ buồn rầu.

Vì sao có sự thay đổi đột ngột trên? Chính những diễn biến thời cuộc lúc bấy giờ đã giải thích rõ điều này. Tháng 5-1916, vua Duy Tân cùng với Thái Phiên, Trần Cao Vân tham gia cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quang Phục hội khởi xướng để chống Pháp, nhưng thất bại vì có kẻ phản bội, chỉ điểm. 

Vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân bị bắt giam. Sau đó cụ Hồ Đắc Trung cũng bị liên lụy, mật thám Pháp mời lên để thẩm vấn vì 8 năm trước, khi còn là Tổng đốc Quảng Nam cụ đã bảo lãnh để hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân được ân xá. 

Khi được hỏi về vai trò của cụ Hồ Đắc Trung trong cuộc khởi nghĩa, vua Duy Tân đã khai: “Vì thương nhà ông Hồ Đắc Trung đông con, sợ bị liên lụy mà từ hôn” và không khai gì thêm. Do không có chứng cứ nên Pháp phải cho cụ Hồ Đắc Trung trở về triều với yêu cầu tìm cho người Pháp một ông hoàng không có tư tưởng chống Pháp để đưa lên làm vua và khởi thảo bản án luận tội vua Duy Tân. 

Cụ Hồ Đắc Trung đã kể chuyện trên cho gia đình nghe. Biết rõ sự thật, cả nhà khóc sướt mướt nhất là Hồ Thị Chỉ. Cụ Hồ Đắc Trung đã thốt lên: “Chính Ngài (vua Duy Tân) đã cứu gia đình ta, thật quá quí! (Trích hồi ký của Sư bà Diệu Không).

Chân dung vua Khải Định và đệ nhất Ân phi Hồ Thị Chỉ. Ảnh: TL

Và trở thành đệ nhất Ân phi của vua Khải Định

Vua Khải Định (Nguyễn Phúc Bửu Đảo, Nguyễn Phúc Tuấn) là con trưởng của vua Đồng Khánh và hoàng hậu Dương Thị Thục. Dân gian thường gọi Bửu Đảo là ông Hoàng Cả, sinh ngày 1-9 năm Ất Dậu (8-10-1885). Khải Định nổi tiếng là một ông vua bù nhìn theo Pháp, ham chơi, thích trang điểm lòe loẹt, nửa cổ nửa kim. 

Theo giai thoại được truyền tụng trong dân gian thì Khải Định bị bệnh “bất lực” nhưng lại có tất cả 12 bà vợ, trong đó có 2 bà được cưới hỏi theo đúng nghi lễ triều đình, đó là bà Trương Thị đã xuất gia tu hành trước khi Khải Định lên ngôi và bà Hồ Thị Chỉ cưới sau ngày lên ngôi. Khải Định đã gặp Thượng thư Hồ Đắc Trung ngỏ lời cầu hôn với tiểu thư quận chúa Hồ Thị Chỉ. 

Theo hồi ký của Sư bà Diệu Không: “Khải Định nói: Tôi cần một người vợ nói tiếng Pháp giỏi để làm các việc cơ mật, mà người đó là con gái thầy, trước đây tôi đã có người vợ con cụ Trương Như Cương nhưng bà ấy đã xin về ba năm nay rồi. Tôi sẽ cưới con thầy làm Hoàng Phi vợ chính. Thật ra tôi cũng đã có một người hầu và một con mới bốn tuổi, nó sẽ là con của bà Hoàng Phi” (người hầu đây là bà Hoàng Thị Cúc).

Trước sự việc trên, cả nhà cụ Hồ Đắc Trung hoang mang cực độ. Bà Hồ Thị Chỉ phản ứng quyết liệt và thưa với song thân: “Con xin nguyện ở vậy trọn đời, không nhận lời ai nữa”. Gia đình biết tình cảm của con gái với cựu hoàng Duy Tân là rất sâu nặng. Nhưng đồng thời cũng lường được hậu quả hết sức nặng nề khi con gái từ chối lời cầu hôn của Khải Định. 

Cuối cùng nghe theo lời khuyên giải, hy sinh tình cảm riêng tư vì sự sống còn của gia đình, Hồ Thị Chỉ đã gạt nước mắt chấp nhận. Ngày 3-12-1917 lễ nạp phi đã diễn ra long trọng và Hồ Thị Chỉ được phong làm Nhất giai Ân Phi, là tước hiệu cao quý nhất trong hàng “cửu giai” do triều Nguyễn ban tặng cho các bà vợ của vua trong nội cung. 

Bà rất được nể trọng với tư cách là hoàng hậu xuất hiện cùng Khải Định trong những lần tiếp tân, yến tiệc với quan khách trong ngoài nước. Bà xinh đẹp, thông thái, am hiểu văn hóa, ứng xử phương Đông phương Tây, nói tiếng Pháp rất thông thạo, vẫn làm phiên dịch cho nhà vua.

Số phận cuối đời của Đệ nhất Ân phi

Nhưng thảm kịch đã xảy ra sau ngày Khải Định qua đời (1925). Bà Ân phi không có con với nhà vua. Vĩnh Thụy lên ngôi kế vị với niên hiệu là Bảo Đại. 

Vua Bảo Đại lập lại các danh hiệu Hoàng Thái Hậu, Hoàng Hậu, Đông Cung Thái Tử,... và phong cho mẹ đẻ (bà Hoàng Thị Cúc) chức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu vào ngày 20-3-1933 tức bà Từ Cung có quyền thế bậc nhất trong nội cung, còn bà Ân phi Hồ Thị Chỉ (mẹ đích) không được phong Hoàng Thái Hậu, không được sống trong nội cung mà phải về sống ở Cung An Định rồi chuyển về ngôi biệt thự 145 (79D cũ) ở đường Phan Đình Phùng.

Trải qua cuộc đời thăng trầm cay đắng nghiệt ngã, đã có hai lần “nạp phi”, bà Ân phi Hồ Thị Chỉ phiền muộn âu sầu, mắc phải chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần. Có giai đoạn ông Hồ Đắc Ân (anh ruột) đã đưa bà vào Sài Gòn chăm sóc chữa bệnh. Lúc tỉnh, bà viết một bức thư bằng tiếng Pháp gửi cho Liên hiệp quốc đòi độc lập cho Việt Nam, chống ngoại bang. 

Cũng đã có lần Sư Bà Diệu Không (em út) đưa bà lên ngôi chùa Khải Ân ở gần cầu Tuần (Huế) để nương nhờ nơi cửa Phật. Bà sống lay lắt, đơn độc như một cái bóng. Ngày ngày bà mang một rổ bánh nậm, lọc ra bán ở chợ An Cựu để kiếm sống qua ngày, ai thích thì cho, ai không thích không bán, ăn mặc và chỗ ở rất luộm thuộm. 

Mặc dù Sư Bà Diệu Không và gia đình một người cháu (bà Lê Thị Thuyền) đã hết lòng cưu mang giúp đỡ nhưng không làm bà thay đổi do bệnh thần kinh ngày càng diễn biến nặng hơn.

Mãi sau năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Hai người anh ruột của bà là Hồ Đắc Điềm và Hồ Đắc Di từ Hà Nội vào Huế đã gặp lại người em gái của mình sau bao năm xa cách. Anh em ôm chầm lấy nhau và những giọt nước mắt xúc động trào dâng không nói nên lời. 

Từ đó cuộc sống của bà được cải thiện hơn, tỉnh táo hơn, không đi lang thang nữa. Bà mất vào năm 1985, hưởng thọ 83 tuổi. Tang lễ của bà được cử hành trọng thể. Mộ phần của bà được an táng bên cạnh song thân trong khuôn viên lăng mộ Hồ Đắc trên ngọn đồi thông gần chùa Hồng Ân do ni trưởng Thích Nữ Diệu Không sáng lập và trụ trì thuộc thôn Dương Xuân Thượng, phường Thủy Xuân, TP Huế. 

Hiện nay tại khu vực này có nhà Tưởng niệm họ Hồ và gia tộc Hồ Đắc mới được xây cất bên cạnh bảo tháp của Sư bà Diệu Không.

Nguyễn Cương

Theo phapluatxahoi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công nhân khai thác dưới hầm lò. Ảnh minh họa

Sập hầm lò, 3 công nhân tử vong

GD&TĐ - Vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty than Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) khiến 3 công nhân tử vong, 1 người bị thương.