Chuyện ít biết về cây sưa trăm tỷ

GD&TĐ - Cây sưa trăm tỷ, cây sưa “mặc giáp” hay “kho báu lộ thiên”… là cách ví von đầy thú vị về “cụ” sưa đỏ có tuổi đời khoảng 130 năm, nằm trong khuôn viên chùa thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Những chuyện thú vị quanh cây sưa đỏ này gần đây lại “nóng” lên khi TP Hà Nội đồng ý cho bán để lấy kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi công cộng tại địa phương.

Chuyện ít biết về cây sưa trăm tỷ

Cây sưa trăm tỷ

Cách trung tâm TP Hà Nội gần 30 cây số về hướng Tây Nam, xã Hòa Chính nằm yên bình bên dòng sông Đáy. Gần đến chùa thôn Phụ Chính, trung tâm của xã, nhịp sống như sôi động hơn với những cửa hiệu tạp hóa, sản suất đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ… Ghé vào một hiệu tạp hóa hỏi thăm đến chùa thôn Phụ Chính, chị chủ cửa hàng cười thăm dò: “Anh đi mua sưa à?”. Chuyện về cây sưa trăm tỷ đang được TP Hà Nội đồng ý cho hóa giá dường như đang rất nóng với người dân nơi đây.

Dừng xe dưới cội đa mát rượi, chúng tôi vào chùa. Cây sưa trăm tỷ nằm cạnh cổng vào. Cây cao khoảng 8m, đường kính trên 1m. Phần nhánh cây bị cắt trước đây giờ đã bị khô, mục nát. Toàn bộ từ phần gốc đến thân của cây sưa đỏ được bảo vệ bằng những thanh sắt lớn…

Thấy một cụ già đang ngắm nghía cây sưa, chúng tôi hỏi chuyện và được biết ông là Hồ Văn Nam, năm nay 72 tuổi. Ông bảo, cứ có việc qua chùa là lại ghé vào ngắm hai cây sưa và bầy ong mật làm tổ trong thân cây mấy năm nay. Theo ông Nam, các cụ cao niên của làng kể lại rằng, từ khi khai hoang lập ấp, người dân xây dựng đền chùa, thì trồng các cây xanh trong đó luôn. Hai cây sưa này được trồng sau khi xây đền Đức Thánh Nhì nhưng không ai nhớ rõ chính xác năm trồng. Đây là giống sưa đỏ, ước tính từ khi được trồng đến nay cũng đến 130 năm. Vào thời điểm giá gỗ sưa đắt, có đại gia buôn gỗ đã trả giá cây sưa này đến 100 tỷ đồng. Những năm sau đó, cây sưa này nhiều lần bị chặt trộm nên người dân địa phương đã quây rào sắt và cử người canh giữ.

Mặc “giáp sắt” cho cây

Cây sưa 130 năm tuổi từng được trả giá 100 tỷ đồng.
Cây sưa 130 năm tuổi từng được trả giá 100 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Xuân Ngợi - Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi làng Phụ Chính nhớ lại, vào năm 2010, nhân dân thôn Phụ Chính xây dựng đình làng và bị thiếu kinh phí nên các cụ cao tuổi thống nhất xin ý kiến xã cắt một cành bán, được 20,5 tỷ đồng để bù vào việc xây đình. Nhưng khi chủ buôn gỗ đến vận chuyển thì đã bị công an huyện Chương Mỹ giữ lại. Mãi gần đây, cơ quan chức năng mới tổ chức đấu giá lại khối gỗ này và định giá hơn 30 tỷ đồng. Số tiền trên đã được chuyển về địa phương để phục vụ tu sửa các công trình công cộng.

Đến năm 2012, vào một đêm mưa gió bão bùng, quá nửa đêm toàn thôn mất điện. Gió bão ầm ầm, mưa rát mặt nên không ai đi đâu ra ngoài. Sáng ra dân làng mới ngỡ ngàng vì phát hiện nhánh cây sưa đã không cánh mà bay.

Giá trị quá lớn của hai cây sưa nên ngôi làng vốn dĩ bình yên bên sông Đáy không còn yên bình. Ông Vũ Viết Binh, một trong 20 thành viên đội bảo vệ lúc bấy giờ kể, những năm gỗ sưa đỏ “sốt”, người lạ mặt liên tục tìm đến thôn Phụ Chính. Trong số ấy có cả những đại gia buôn gỗ khét tiếng và cả những kẻ xăm trổ kín người, rồi “sưa tặc” từ khắp nơi kéo về, đêm ngày phục kích, chờ dân làng sơ hở để ra tay. Dân phải họp nhau lại, thành lập tổ bảo vệ hai gốc sưa. Người dân thay phiên nhau trông giữ ngày đêm, bất kể nắng hay mưa. Cái hàng rào bằng bê tông cũng được dỡ bỏ, thay vào đó là những lồng sắt bao bọc quanh gốc sưa, hệt như những chiếc áo giáp khổng lồ.

Mất ăn, mất ngủ vì bảo vệ sưa, thậm chí, ông Vũ Viết Binh còn nhận được rất nhiều lời đe dọa. “Có lần, vừa về đến nhà sau một đêm thức trắng trông coi cây sưa, tôi thấy có một tờ giấy ai đó ném vào trong sân nhà mình. Giở ra đọc thấy trên ấy viết vỏn vẹn có mấy chữ: “Nếu muốn yên thân thì hãy dừng lại ngay”. Tôi biết ngay đấy là tin nhắn đe dọa của những kẻ luôn rập rình cưa trộm cây sưa của làng. Tôi báo cáo những việc này với cán bộ thôn, xã và cả các anh công an về đây làm việc. Mọi người đều động viên tôi cứ yên tâm, chính quyền sẽ bảo vệ chúng tôi. Vì thế, mà hai cây sưa mới còn đến bây giờ” - ông Binh cho hay.

Cần sự đồng thuận

Trưởng thôn Phụ Chính Vũ Văn Tuyến cho biết, thôn đã đề bạt nguyện vọng bán cây sưa này lên xã từ nhiều năm nay. Bởi nếu không bán, sợ một thời gian nữa cây sưa mục nát sẽ chẳng còn giá trị. Nguyện vọng của người dân trong thôn bán cây sưa để tu bổ các công trình phúc lợi, vừa làm đẹp cho quê hương, vừa không phải sống trong cảnh bất an, lo lắng cây bị chặt hạ trộm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho biết, TP Hà Nội đã đồng ý chủ trương cho địa phương bán đấu giá cây sưa đỏ trong khuôn viên chùa Phụ Chính. Theo đó, kinh phí từ bán đấu giá được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn xã.

Ông Lê Minh Tuyên - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết thêm, đơn vị vừa kiểm tra hiện trạng cây sưa đỏ trong khuôn viên chùa Phụ Chính, nhận thấy cây sưa này trùng tên với loại thực vật quý hiếm thuộc nhóm 1A, Nghị định 32 của Chính phủ. Tuy nhiên, cây sưa không nằm trong rừng mà nằm phân tán trong chùa Phụ Chính, nên không thuộc danh mục bảo vệ của Nghị định 32. Chùa này cũng không phải di tích cấp quốc gia hay cấp thành phố, do vậy cộng đồng dân cư hoàn toàn có quyền khai thác, sử dụng.

Hiện, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương làm các thủ tục để khai thác cây sưa đảm bảo minh bạch, đúng pháp luật. Đơn vị kiểm lâm sẽ phối hợp đóng dấu búa để khối gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, việc đấu giá cây sưa cần được sự đồng thuận của người dân trong thôn. Công khai, minh bạch từ phương án bán đấu giá cũng như việc sử dụng nguồn tiền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.