Năm học 2014-2015, tất cả 264 học sinh của trường Tiểu học Nà Sáy đã được học cả ngày theo phương án T35 (khoảng 35 tiết/tuần). Trường gồm 7 lớp ở điểm trường chính và 5 lớp ở điểm trường lẻ Pa Cá.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nà Sáy- cô Diệp Thị Huế vui mừng cho biết: Từ khi triển khai dạy học cả ngày số lượng học sinh khá giỏi tăng lên hàng năm, học sinh yếu kém giảm, học sinh bỏ học gần như không có. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, cảnh quan nhà trường có nhiều thay đổi tích cực. Số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên đều được tăng cường.
Đối với các em, đi học là một niềm hạnh phúc vì ở đó, các thầy cô không chỉ dạy các em đọc viết, tính toán mà còn dạy các em những kĩ năng sống, dạy cả những bài học làm người. Ngoài giờ học, các em còn được trải nghiệm thực tế với những giờ học lao động, trồng rau, chăm sóc bồn hoa và tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo...
Từ khi triển khai dạy học cả ngày, học sinh trường Nà Sáy đi học rất chuyên cần, không có học sinh nghỉ học tự do và do đó, chất lượng học sinh ngày một nâng lên. Trong học kì I năm học 2014-2015, sĩ số học sinh duy trì đạt 100%, số học sinh khá, giỏi đạt trên 70%, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 100%.
Ở Nà Sáy, hàng ngày thường xuất hiện hình ảnh người dân gánh nước, quẩy gạo, nhặt rau... để cùng nấu bữa cơm cho con em họ ăn trưa tại trường. Nhờ những bữa ăn này, các em học sinh đã có thể dành tất cả thời gian cho việc học tập và hoạt động tại đây.
Cô Huế cho biết thêm: Công tác tổ chức ăn trưa bán trú cho học sinh đã được nhà trường tổ chức chu đáo. Do đó chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh đều quan tâm ủng hộ.
Ngoài 2 bữa ăn trong tuần bằng hỗ trợ của SEQAP, nhà trường đã huy động cha mẹ học sinh đóng góp thêm kinh phí để tổ chức cho học sinh ăn trưa 4 bữa/tuần.
Được ăn trưa, sinh hoạt tại trường giúp các em có thêm thời gian nghỉ, vui chơi và tham gia các hoạt động tập thể bổ ích, lý thú, tạo tinh thần thoải mái, học tập hứng thú, hiệu quả hơn.
Tất cả 101 em tại điểm trường Pa Cá đều ăn trưa tại trường trong các ngày học cả ngày. Để nâng cao chất lượng bán trú, các lớp đều hưởng ứng, tham gia phong trào "Chúng em thi đua trồng rau xanh” góp phần tăng khẩu phần ăn cho học sinh.
Khi triển khai công tác bán trú, việc nấu ăn cho học sinh ở điểm trường lẻ Pa Cá gặp nhiều khó khăn do không có đầy đủ phương tiện. Vì vậy, việc nấu ăn cho học sinh được thực hiện ở điểm trường trung tâm, sau đó mang vào điểm trường lẻ cho học sinh.
Cùng với việc thuê người phục vụ , bố mẹ học sinh đã tự nguyện thay nhau cùng tham gia nấu ăn cho các em. Thực tế cho thấy, bố mẹ các em đều rất hồ hởi, phấn khởi khi được tận tay nấu thức ăn cho con em mình, giúp các em vững vàng tâm lý và đảm bảo sức khỏe để học tập.
Ông Lò Văn Xuân - Bí thư đảng ủy xã Nà Sáy cho biết, là một xã đặc biệt khó khăn với 100% học sinh dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng xã luôn quan tâm đến việc học tập của các cháu.
Chính quyền xã luôn xác định phải có cái chữ thì mới thoát được đói nghèo. "Từ khi các cháu được học cả ngày, chúng tôi thấy các cháu đi học đều hơn, học cũng giỏi lên và biết thêm được nhiều thứ lắm, biết cả những điều mà cả chúng tôi cũng chưa biết bao giờ”.
Việc đảm bảo cho các cháu được đi học là nhiệm vụ không chỉ của các thầy cô mà của cả các cấp chính quyền. Xã luôn có phương châm không để một cháu nào phải nghỉ học do không có điều kiện. Mỗi khi gia đình cháu nào đó gặp khó khăn, đại diện xã luôn tìm cách đến động viên, trao quà, giúp đỡ, giúp các cháu vượt qua những khó khăn để được đi học - ông Xuân khẳng định.
Nhớ về những ngày đầu triển khai mô hình dạy học cả ngày, cô Huế cho biết: Những ngày đầu khi trường mới thực hiện cho học sinh học cả ngày, một số phụ huynh không ủng hộ vì các em còn phải phụ giúp gia đình công việc nhà, nếu các em đi học cả ngày thì không ai làm, nhà trường cũng gặp không ít những khó khăn.
Song nhờ công tác tuyên truyền tới tận gia đình của học sinh, động viên, khích lệ và kết hợp các ban ngành trong xã, Ban đại diện cha mẹ học sinh, trưởng bản nên nhà trường dần dần lấy được niềm tin với nhân dân trong việc cho con em đi học cả ngày. Từ đó, nhận thức của cha mẹ học sinh về công tác giáo dục ngày một cao, phụ huynh đều mong muốn cho con em tới trường, tới lớp.
"Đến thời điểm này việc đi học cả ngày đối với nhà trường không còn vất vả nữa. Ai cũng mong cho con em mình được đến trường, đến lớp học nhiều cái chữ, học được nhiều điều hay, nhiều kiến thức để sau này phục vụ cho cuộc sống gia đình, làng bản và quê hương” - cô Huế nhấn mạnh.