Ở những ngã tư như Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương, Lê Văn Lương – Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân), ngã ba đường Tố Hữu – rẽ vào khu Mộ Lao (quận Hà Đông) và nhiều nút giao thông khác, tới giờ cao điểm, dù muốn rẽ phải (theo hướng mũi tên xanh) người tham gia giao thông đều phải chôn chân tại chỗ vì một số người thiếu ý thức (không có nhu cầu rẽ phải)…“cản mũi” phía trước!
Đáng chú ý là tại các nút giao thông nói trên, tín hiệu đèn (từ xanh chuyển sang đỏ) đều trên 60 giây, nên chỉ cần vài ba người “ngáng” ở làn có mũi tên xanh (cho rẽ phải) thì lượng phương tiện ùn ứ kéo dài cả mấy trăm mét. Chuyện cãi vã tại những nút giao thông này giữa những người có nhu cầu rẽ phải và “một bộ phận không nhỏ” những kẻ… ngáng đường vô ý thức xảy ra như cơm bữa!
Từ những năm 70 của Thế kỷ trước, trong bài hát “Từ một ngã tư đường phố”, Nhạc sỹ Phạm Tuyên viết: “Đường phố của ta vẫn đang còn hẹp – Nhường bước cho nhau, đi xa cũng gần…”. Câu hát là lời nhắc nhở người ta khi tham gia giao thông, nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Nay phố phường đã được mở rộng, nhưng lượng phương tiện cũng gia tăng đột biến, dòng đời, dòng người trên đường như cuộn chảy. Nói không ngoa, hiện nay người ta tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống”.
Giờ cao điểm, cứ hở chỗ nào là có phương tiện chèn vào chỗ đó…Trên loa truyền thanh, nhạc điệu của bài “Từ một ngã tư đường phố” vẫn được ngành giao thông liên tục phát và nó vẫn giữ nguyên thông điệp nhắc nhở con người hãy nhường nhịn nhau khi đi đường. Tuy nhiên, lời nhắc kia nhiều lúc giống như…“tỏ tình vào một bên tai điếc”. Những người thiếu ý thức “có mắt như mù”, vẫn không chịu nhường lối cho người rẽ phải. Mũi tên xanh đôi khi vẫn…bất lực!
Câu nói “ Hà Nội không vội được đâu” bao giờ mới….hết giá trị? Câu trả lời quả không dễ.