Chuyên gia y tế lý giải nguyên nhân sản phụ tử vong khi sinh con ở BV Việt Pháp

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, sản phụ tử vong tại BV Việt Pháp có thể là do một trong các nguyên nhân/yếu tố nguy cơ gây băng huyết sau sinh, đây được xem là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở các bà mẹ.

Ảnh minh họa: Conlatatca.
Ảnh minh họa: Conlatatca.

Chuyên gia lý giải

Liên quan đến trường hợp mới đây một sản phụ 24 tuổi ở Hà Nội tử vong sau khi sinh tại BV Việt Pháp (Hà Nội), hiện vẫn đang chờ kết luận cuối cùng từ các cơ quan chức năng. Nguyên nhân ban đầu được phía bệnh viện thông tin đến báo chí thì đây là một ca bệnh khó, sản phụ bị rối loạn đông máu, mất máu quá nhiều, suy đa tạng dẫn tới tử vong.

Nhận định về trường hợp sản phụ tử vong ở BV Việt Pháp, TS.BS Trần Thị Hoa - người từng nghiên cứu và điều hành về đào tạo về Sản khoa thiết yếu và Sức khỏe Sinh sản của WHO, AusAID và UNFPA cho rằng khả năng là do sản phụ bị băng huyết sau sinh (BHSS).

Theo TS.BS Hoa, đây là tình trạng chảy máu nặng được xác định mất hơn 500 ml máu trong 24 giờ sau khi sinh.

Cũng theo phân tích của TS.BS Hoa, theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có hơn 500.000 phụ nữ trên toàn thế giới tử vong trong khi sinh hoặc do các biến chứng thai sản, trong đó băng huyết sau sinh chiếm tới 25%.

Các biến chứng thai sản có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào ở mang thai, sinh nở và sau khi sinh. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ băng huyết sau sinh chiếm từ 3% - 8% và đây được xem là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở các bà mẹ.

TS.BS Trần Thị Hoa cho biết, có nhiều nguyên nhân gây băng huyết sau sinh (BHSS) gồm:

Sản phụ bị rối loạn đông máu: Phụ nữ bị rối loại đông máu có thể do di truyền hoặc mắc phải như bệnh ưa chảy máu, bệnh von Willebrand (vWD), thiếu hụt yếu tố IX hoặc XI có thể gây xuất huyết nặng sau sinh, làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt là trong thời kỳ hậu sản.

Giảm tiểu cầu: Đây là tình trạng thay đổi huyết học phổ biến nhất liên quan đến tăng huyết áp do thai nghén. Nếu số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 100.000/μlL, sản phụ sẽ có nguy cơ không thể đông máu trong và sau khi sinh.

Đờ tử cung: Sau khi sinh tử cung không co bóp. Nếu bà mẹ bị nhau tiền đạo, nhau bong non thì có thể làm tăng nguy cơ đờ tử cung, băng huyết sau sinh.

Chấn thương trong thời kỳ chuyển dạ: có khả năng do các biến chứng như vỡ tử cung hoặc vết rách do sinh nở hoặc can thiệp phẫu thuật.

Bác sĩ Hoa bổ sung, những phụ nữ dưới dây có khả năng xuất hiện BHSS: thai già tháng; giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ không tiến triển tình trạng dinh dưỡng của mẹ kém, tuổi mang thai dưới 20 hoặc ngoài 35 tuổi; sản giật và các rối loạn liên quan; chuyển dạ kéo dài; sót nhau.

“Qua những nguyên nhân và nguy cơ do các Nhà Dịch tễ học Y khoa và Sản khoa đã đúc kết của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trường Sản khoa đã đúc kết thì có thể sản phụ tử vong tại BV Việt Pháp là do một trong các nguyên nhân/yếu tố nguy cơ kể trên đã xuất hiện trong quá trình mang thai hoặc lúc chuyển dạ”, bác sĩ Hoa chia sẻ.

Bác sĩ Hoa cũng cho biết, sản phụ trước khi bị BHSS thường có các dấu hiệu như xanh xao, choáng váng; bồn chồn hoặc li bì; huyết áp thấp; tăng nhịp tim/nhịp tim nhanh,…. bác sĩ phải nhận biết các dấu hiệu xuất huyết sau sinh càng sớm càng tốt.

"Bởi vì khi đã xuất hiện BHSS mà không được bác sĩ phát hiện sớm sản phụ có thể bị mất máu nghiêm trọng dẫn tới tổn thương các cơ quan nội tạng, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, sốc do rối loạn nước điện giải, là những nguyên nhân trực tiếp gây tử vong mẹ.

Tuy nhiên, hãy cảnh giác với những trường hợp BHSS mà nguyên nhân do giảm tiểu cầu thường không xuất hiện triệu chứng hoặc các dấu hiệu rất nhẹ, lu mờ nên dễ bị bỏ qua khiến bà mẹ trở nên nguy kịch nhanh chóng tử vong dù trong quãng thời gian này đã được bác sĩ đã tận tình cứu chữa" - TS.BS Hoa phân tích.

Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm

Liên quan đến vụ việc, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu xác minh và báo cáo về sự cố này. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Việt Pháp kiểm tra, xác minh thông tin về vụ việc và gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của Bệnh viện đối với sản phụ tử vong.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bệnh viện Việt Pháp thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ xấu số, đồng thời thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu phát hiện có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ