Một bệnh nhân nặng cần nhiều y bác sĩ chăm sóc
Thông tin trên trang tin của Bộ Y tế cho biết, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, hình ảnh người chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu đã trở nên vô cùng quen thuộc trong bộ trang phục bảo hộ kín bưng. Họ phải đối mặt trực diện với kẻ thù vô hình để cùng bệnh nhân chiến đấu và chiến thắng. Họ đã quen với những âm thanh của máy móc, của mùi thuốc sát trùng, của những ngày trắng đêm khi bệnh nhân vẫn còn đang trong cơn nguy kịch.
Khi số trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 gia tăng, theo một tỷ lệ thuận nhất định, số lượng bệnh nhân có triệu chứng, bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng gia tăng theo, tạo nên gánh nặng không hề nhỏ trên đôi vai của những nhân viên y tế tham gia khối điều trị.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh với quy mô 1.000 giường cho biết: “Theo cách tính thông thường, trung bình mỗi bệnh nhân cần 2 nhân lực y tế thì đối với trường hợp các bệnh nhân nặng, nguy kịch, tỷ lệ này sẽ gia tăng lên gấp 3.
Trong trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch thì gánh nặng này càng lớn bởi yêu cầu túc trực chăm sóc, sẵn sàng cho những trường hợp diễn tiến bất thường cũng như nguy cơ lây nhiễm.
Các nhân viên y tế không chỉ làm việc gấp đôi, gấp ba mà có lẽ còn nhiều hơn thế nữa.
Hiện để hỗ trợ công tác chuyển người bệnh Covid-19 trở nặng đến bệnh viện tuyến trên kịp thời góp phần giảm tỉ lệ tử vong, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thành lập tổ công tác đặc biệt điều phối chuyển F0 nặng và nguy kịch.
Video: Các biện pháp hữu ích phòng ngừa dịch bệnh hô hấp cấp. Nguồn: VNVC.
Hầu hết bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh không cần dùng thuốc; chỉ ăn uống, ngủ nghỉ điều độ
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2, cho biết trên Zing, đến nay bệnh viện đã có 1.820 bệnh nhân xuất viện.
Đề cập đến phương pháp điều trị, bác sĩ Dũng cho biết hầu hết trường hợp khỏi bệnh không cần dùng thuốc. Người bệnh chỉ ăn uống, ngủ nghỉ điều độ rồi sau thời gian sẽ âm tính với SARS-CoV-2.
"Có 4 điều, chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân là đi ngủ sớm để duy trì sức khỏe, uống nhiều nước, cố gắng ăn hết suất ăn của mình và tập thể dục để rèn luyện sức khỏe", bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Qua thống kê các trường hợp khỏi bệnh, bác sĩ Dũng nhận định mỗi người sẽ mất khoảng 7 ngày từ khi nhập viện đến khi có lần xét nghiệm âm tính đầu tiên. Ông đánh giá tốc độ hồi phục như vậy là nhanh bởi trước đó ngành y tế ước lượng F0 không triệu chứng sẽ khỏi bệnh sau 3 tuần.
Những người bị suy giảm miễn dịch thì tốc độ phục hồi chậm hơn người khỏe mạnh. Phục hồi nhanh nhất là những người đã tiêm một mũi vaccine, họ chỉ như bị cảm thoáng qua.
Bác sĩ Dũng cho biết bệnh nhân thường chỉ cần uống thuốc khi có triệu chứng ho, sốt. Đây là các triệu chứng tiêu hao nhiều năng lượng, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi nên bệnh nhân cần được uống thuốc ngay.
TP Hồ Chí Minh áp dụng 5 tầng điều trị
Tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, công tác thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 được thực hiện theo hệ thống 5 tầng điều trị.
Trong đó, tầng 1 chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Tầng 2 là 13 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 có nhiệm vụ điều trị các trường hợp Covid-19 có triệu chứng, và điều trị các bệnh lý nền kèm theo; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.
Tầng 3 là 8 bệnh viện điều trị Covid-19 ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng.
Tầng 4 là 10 bệnh viện điều trị mắc Covid-19 nặng có bệnh lý do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục).
Còn tầng 5 là bốn bệnh viện hồi sức Covid-19 có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch.