Chuyên gia tâm lý giải mã suy nghĩ 'làm quá lên' của người trẻ

GD&TĐ - Ngày 23/5, sinh viên khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG TPHCM tổ chức Talkshow 'Gỡ: Thoát khỏi đại dương suy nghĩ'.

Tâm lý Tô Nhi A - Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) chia sẻ và trao đổi với sinh viên về hiện tượng overthinking.
Tâm lý Tô Nhi A - Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) chia sẻ và trao đổi với sinh viên về hiện tượng overthinking.

Talkshow nhằm giải đáp cho hiện tượng overthinking - suy nghĩ quá mức đang xuất hiện ngày càng nhiều ở giới trẻ hiện nay. Diễn giả, chuyên gia tâm lý là TS Tô Nhi A - Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF).

Đâu đâu cũng thấy overthinking

Sinh viên N.M.N (20 tuổi, khoa Hàn Quốc học), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM chia sẻ bản thân có lẽ đang bị overthinking. Em thường xuyên khó tập trung, mất ngủ và cảm thấy không vui. Mẹ của em cũng có tình trạng này và phải dùng thuốc để dễ ngủ hơn. Nhưng sau thời gian dài dùng thuốc an thần, mẹ em đang có dấu hiệu bị “nhờn thuốc”.

Xung quanh N.M.N dường như cũng “ngập tràn” những người bị overthinking. Ngay cả hai người bạn thân của em cũng có tình trạng này và đã được chẩn đoán bị rối loạn trầm cảm nặng và rối loạn lo âu.

Vậy overthinking là gì? Tiến sĩ (TS) Tâm lý Tô Nhi A - Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) gọi "nôm na" đó là những suy nghĩ được làm quá lên. Theo TS Nhi A, trước một biến cố, một khó khăn, con người tập trung suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề đó, nhưng overthinking là khi những suy nghĩ đã rời xa bản chất vấn đề, trở nên suy diễn.

"Chẳng hạn, từ một cái nhìn của người khác, một người có thể nảy sinh ý nghĩ mình đang bị người khác khinh miệt. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất cứ ai và ở bất cứ thời điểm nào.

Theo các nhà tâm lý, suy nghĩ quá mức, quá lố, quá xa… là một dạng lo lắng thái quá (excessive worries) với biểu hiện thường gặp trong “Rối loạn lo âu toàn thể” (Generalized Anxiety Disorder-GAD) hoặc các “cơn hoảng loạn” (panic attacks) ở tâm lý con người"- TS Tô Nhi A lý giải.

Trước hiện trạng này, sinh viên N.M.N không khỏi lo lắng và mong chuyên gia tâm lý hướng dẫn cách bản thân, gia đình và bạn bè thoát khỏi tình trạng overthinking.

Tương tự, V.Q.T.L – cựu sinh viên Học viện Ngoại giao (Hà Nội) và hiện nay là một Tik-Toker với 5,6 triệu lượt thích cũng chia sẻ bản thân từng rơi vào tình trạng overthinking ở thời điểm vừa mới tốt nghiệp đại học.

Lúc đó, L. quyết định vào TPHCM lập nghiệp nhưng trong 6 tháng không đạt được mục tiêu nghề nghiệp, thu nhập lại bấp bênh, L. liên tục tự hỏi: “Có phải mình đã sai khi chọn con đường làm nghề sáng tạo trên mạng xã hội hay không?”; “Có phải mình không có khả năng hay không?”; “Chọn lựa con đường không đi làm thuê là có đúng đắn hay không?”...

"Những câu hỏi mang tính chỉ trích bản thân, suy nghĩ tiêu cực cứ lặp lại trong suy nghĩ của tôi trong một thời gian rất dài, khiến tôi cảm thấy cuộc sống thật sự bế tắc"- L. chia sẻ.

Trước tình trạng overthinking dường như đang rất phổ biến trong giới trẻ, M.H, 20 tuổi, sinh viên khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM băn khoăn liệu có phải sức đề kháng tâm lý của người trẻ đang suy giảm hay không trước sự lây lan nhanh của tình trạng overthinking.

Talkshow 'Gỡ - Thoát khỏi đại dương suy nghĩ' thu hút rất đông sinh viên tham gia.
Talkshow 'Gỡ - Thoát khỏi đại dương suy nghĩ' thu hút rất đông sinh viên tham gia.

Cách thoát khỏi đại dương suy nghĩ – overthinking

Overthinking, theo TS Tô Nhi A có thể được phân loại theo mức độ trong giới hạn bình thường và ở mức bệnh tâm lý; theo tiến trình, có overthinking về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ (như chuyện tình cảm đã tan vỡ, chuyện đã từng thi rớt) và về những chuyện còn đang ở tương lai (như lo sợ thi rớt, không có việc làm).

“Ai cũng có thể bị overthinking nhưng đó không phải là tận thế. Hãy cho cơ thể khoảng 3 tuần để tự thay đổi. Nếu không có cải thiện, cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng; cơ thể có những thay đổi về ăn, ngủ, khó tập trung, khó ghi nhớ ... hãy trị liệu tâm lý ngay.” - TS Tô Nhi A lưu ý.

Theo phân tích của TS Tô Nhi A, sự xuất hiện của overthinking là cơ chế để bảo vệ cơ thể trước những khó khăn. Những suy nghĩ quá mức khiến cơ thể có cảm giác được an ủi, được yên tâm, từ đó suy nghĩ được nuôi dưỡng để đi rất xa. Nếu tình trạng đã đến mức rối loạn, việc trị liệu tâm lý là cần làm đồng thời cũng phải duy trì điều trị bằng thuốc.

Để thoát khỏi “đại dương suy nghĩ” trước khi đi quá xa đến mức trở thành các rối loạn, giải pháp trước mắt được chuyên gia khuyến cáo là hãy thực hành chánh niệm (tập trung vào hiện tại trong mỗi hành vi) để cắt đứt dòng suy nghĩ quẩn quanh.

Giải pháp lâu dài hơn, sinh viên phải thay đổi hành vi và lối sống một cách kỷ luật. Chẳng hạn, phải đặt ra mục tiêu bằng các con số cụ thể của việc vận động và dinh dưỡng mỗi ngày cũng như đo lường sự phát triển cá nhân.

“Những hoạt động như đi bộ, chạy, bơi, yoga giúp khởi tạo hoạt động của các nhóm cơ, giúp tiêu hao năng lượng dẫn đến nhu cầu ngủ một cách tự nhiên. Thực hiện các hoạt động giúp phát triển bản thân như học các kỹ năng mới sẽ tạo ra cảm giác yên tâm về năng lực của mình, từ đó giảm bớt overthinking” -TS Tô Nhi A chia sẻ

Với những sinh viên muốn giúp người nhà và bạn bè thoát khỏi overthinking, TS Tô Nhi A lưu ý không nên dùng vấn đề tâm lý của bạn để ép bạn thay đổi, vì điều này càng khiến họ trở nên sợ hãi hơn. Thay vào đó, để giúp bạn thay đổi, chỉ cần tạo ra các hoạt động hữu ích và tìm cách giúp bạn tham gia vào các hoạt động này.

Vì sao overthinking có vẻ như xuất hiện ngày càng nhiều ở giới trẻ hiện nay? TS Tô Nhi A cho rằng, để có đánh giá nhiều hơn hay ít hơn, cần có những số liệu được đánh giá một cách khoa học. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là với sự xuất hiện của internet, những người bị overthinking chia sẻ nhiều hơn, từ đó dẫn đến cảm giác như tình trạng này đang nhiều hơn so với các thế hệ trước.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ, nhất là internet và mạng xã hội, khiến giới trẻ trở nên ít vận động hơn. Cuộc sống được bảo bọc và đầy đủ vật chất cũng khiến người trẻ ít rèn luyện kỹ năng hơn, dễ nảy sinh lo âu khi va chạm với khó khăn của cuộc sống.

Talkshow 'Gỡ: Thoát khỏi đại dương suy nghĩ' do sinh viên khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức nhằm cung cấp thông tin và đưa ra phương pháp giúp sinh viên thoát khỏi tình trạng overthinking đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Sự kiện có sự tham gia chia sẻ của chuyên gia tâm lý, sinh viên và những người trẻ đang có ảnh hưởng trên mạng xã hội cùng sự tham gia lắng nghe của hơn 300 sinh viên tại TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ