Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine
Ngày 29/8, Mỹ thông báo gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Trong lễ công bố gói viện trợ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định sự đồng hành của Washington đối với Kiev, với tuyên bố “Mỹ và các đồng minh sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào còn cần thiết”.
Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 250 triệu USD, nâng tổng số tiền viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, lên tới gần 44 tỷ USD.
Theo thông báo, gói này bao gồm: Tên lửa phòng không AIM-9M; tên lửa HIMARS, đạn pháo 155 mm và 105 mm, thiết bị rà phá bom mìn; tên lửa chống tăng TOW, Javelin và các tên lửa chống tăng khác.
Ngoài ra, gói viện trợ còn có hơn 3 triệu viên đạn cho vũ khí nhỏ, xe cứu thương và vật liệu nổ để dọn chướng ngại vật, cũng như phụ tùng thay thế, bảo trì và các thiết bị đi kèm.
Cách đây nửa tháng, vào ngày 14/8, Mỹ cũng đã công bố gói viện trợ trị giá 200 triệu USD cho Ukraine, bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng không, đạn pháo, thiết bị chống tăng và thiết bị rà phá bom mìn.
Bình luận về vấn đề này, ông Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói với hãng tin Nga Sputnik rằng, nếu Ukraine nhận được một gói vũ khí như vậy thì rõ ràng là họ thiếu tất cả những gì cần thiết cho quân đội.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã hết đạn pháo phản lực có điều khiển HIMARS và các loại đạn pháo thông thường khác, vì họ đang tiêu phí chúng rất nhanh, trong khi tốc độ sản xuất đạn pháo của Mỹ và các đồng minh NATO là rất chậm.
Nguyên nhân phản công thất bại
Nhà phân tích Michael Maloof chỉ trích chính sách của chính quyền Mỹ đang thực hiện là “rất tồi”, khi Washington tiếp tục lãng phí tiền bạc mà người dân đóng góp.
Theo vị chuyên gia này, trước sau gì thì Hoa Kỳ cũng sẽ phải xem xét lại chính sách hỗ trợ Ukraine, bởi sẽ đến lúc Washington nhận ra rằng, dù phương Tây có cung cấp bao nhiêu vũ khí đi chăng nữa thì Kiev cũng không đủ tiềm lực chống lại Moscow, đồng thời quân đội nước này cũng không có đủ khả năng chống lại Quân đội Nga.
Bình luận được đưa ra trong bối cảnh cuộc phản công mà Ukraine đã mở vào đầu tháng 6 vẫn chưa mang lại kết quả rõ rệt.
Quân đội Ukraine chịu tổn thất nặng nề, trong đó có hơn 43.000 quân nhân thiệt mạng và nhiều người khác bị thương; hàng trăm xe tăng, thiết giáp và pháo hạng nặng bị phá hủy.
Trả lời câu hỏi tại sao cuộc phản công của chính quyền Kiev đang thất bại nặng nề, chuyên gia Michael Maloоf chỉ ra rằng, nhược điểm chính của Lực lượng Vũ trang Ukraine là họ không có năng lực tấn công bởi “chiến thuật phòng thủ được ưu tiên trong quá trình huấn luyện”.
Từ trước đến nay, Quân đội Ukraine không được tiến hành huấn luyện theo chiến lược tấn công, mà tuân thủ theo định hướng chiến lược của một quốc gia thiên về phòng thủ; hơn nữa, các trang thiết bị của Lực lượng Vũ trang Ukraine chủ yếu mang tính phòng thủ hơn là tấn công.
Vì vậy, cuộc phản công của Quân đội Ukraine vốn chưa quen với các trang, thiết bị và chiến thuật tấn công sẽ khó có thể đạt được thành công trước quân Nga.
Ông Michael Maloof nhấn mạnh rằng, Kiev cần phải ngay lập tức chấp nhận hiện thực này, nếu không họ sẽ bị Nga đè bẹp.