Theo Đại tá Douglas Macgregor, cựu cố vấn lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết trên kênh YouTube cá nhân, cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện không có nhiều lựa chọn giải quyết, cách duy nhất để tránh cho Ukraine không bị thua thiệt hơn là ngay lập tức tiến hành đàm phán với Nga.
Ông khẳng định rằng, khi động đến các thỏa thuận về lãnh thổ, thì người Nga sẽ không từ bỏ những vùng đất mà họ đã kiên quyết đấu tranh để giành được. Do đó, các chính trị gia ở Kiev nên suy nghĩ thực tế về những gì giờ đây Ukraine có thể còn giữ lại được.
Trước đó, vào hôm 01/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố trên kênh RBC-Ukraine rằng, Kiev chỉ sẵn sàng đàm phán với Moscow sau khi Lực lượng vũ trang Ukraine lấy lại biên giới năm 1991, tức là đường biên giới bao gồm cả vùng đông nam Ukraine (Donbass) và bán đảo Crimea.
Theo vị cựu quan chức quân sự Mỹ, Moscow đã nhiều lần chỉ rõ họ sẵn sàng đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, nhưng giới chức Kiev và Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) đã áp đặt lệnh cấm thực hiện việc này ở cấp độ luật pháp.
Ông chỉ thẳng một thực tế rằng, nếu các chính khách Ukraine tiến hành đàm phán trong thời điểm hiện nay (khi Moscow mới chỉ kiểm soát hơn 20% lãnh thổ Ukraine), thì Kiev còn giữ được phần lớn lãnh thổ, chứ nếu không làm gì thì đất nước này sẽ có nguy cơ bị thu hẹp lại hơn.
Ngoài ra, ông McGregor chỉ ra rằng, không phải cứ muốn ngồi vào bàn đàm phán là Nga sẽ ngay lập tức chấp nhận.
Theo ông, để đạt được thỏa thuận với Moscow, Kiev sẽ phải đồng ý giữ quy chế trung lập, chấm dứt mọi sự hỗ trợ từ nước ngoài và trục xuất tất cả đội ngũ NATO ra khỏi nước này.
Ngoài ra, một nhà phân tích chính trị khác của Mỹ là giáo sư Edward Sallo ở Đại học Bang Arkansas viết trong bài báo cho National Interest rằng, để đạt một thỏa thuận ngừng bắn giữa Moscow với Kiev, tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine cần có sự tham gia của bên thứ ba độc lập.
Theo ông, trong lịch sử thế giới, đã hơn một lần ghi nhận việc “các nhà hòa giải không vụ lợi” đã thành công trong con đường kiến tạo hòa bình. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng là một cơ hội để một quốc gia đang phát triển xây dựng một vị thế quan trọng trên trường quốc tế, vị thế cường quốc hàng đầu.
Chuyên gia Edward Sallo lưu ý, Hoa Kỳ và các nước châu Âu “tham gia quá nhiều vào việc hỗ trợ Ukraine để được coi là trọng tài của thế giới”.
Ông chỉ ra những tiêu chuẩn của nhà trung gian hòa giải mới là phải có sức mạnh ngoại giao và quân sự để tiếng nói của họ có trọng lượng đối với cả 2 bên, nhưng quốc gia này phải không có lợi ích trực tiếp trong khu vực và không có thỏa thuận chính thức với Moscow và Kiev hay với các đồng minh của họ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, để tìm kiếm được một quốc gia có đủ điều kiện như vậy là không hề dễ dàng. Đa số các cường quốc phương Tây đều đã theo phe Mỹ, Ukraine; còn một cường quốc phương Đông là Trung Quốc lại rất khó thuyết phục được Mỹ.
Nếu xét về các tiêu chí thì hiện nay Ấn Độ – một cường quốc phương Đông, được coi là gần đạt đến tiêu chí của một nhà kiến tạo hòa bình theo tiêu chuẩn của ông Edward Sallo.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay New Dehli vẫn không có động thái nào cho thấy họ sẵn sàng đảm nhận vai trò này.