Chuyên gia đô thị nói gì trước đề xuất lắp mái che đường Lê Lợi?

GD&TĐ - Vừa qua, Sở QH-KT TPHCM đã có văn bản báo cáo đến UBND thành phố về hoạt động cải tạo cảnh quan tại tuyến đường Lê Lợi.

Sự đối lập giữa hai mặt tiền đường khiến người dân thắc mắc vì sao phải xây dựng mái che thay vì phủ xanh cây trồng như trước.
Sự đối lập giữa hai mặt tiền đường khiến người dân thắc mắc vì sao phải xây dựng mái che thay vì phủ xanh cây trồng như trước.

Liên quan đến đề xuất làm mái che tại đường Lê Lợi (Quận 1, TPHCM), ngành chức năng và các chuyên gia đô thị, môi trường đã có phản hồi cụ thể xoay quanh vấn đề này.

Nhu cầu cải tạo cảnh quan

Sau 7 năm dựng rào thi công dự án tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1), từ tháng 4/2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã hoàn trả lại mặt bằng đoạn đường Lê Lợi (Quận 1), tuyến giao từ Nguyễn Huệ đến Pasteur.

Nhờ vị trí tương đối đắc địa, hoạt động kinh doanh, mua bán trên trục đường này diễn ra khá sầm uất, thu hút đông đảo du khách quốc tế.

Tuy nhiên, vỉa hè đường Lê Lợi (hướng ra từ Nguyễn Trung Trực) hiện không có cây xanh che bóng. Mặt đường được lát gạch men, độ hấp thụ nhiệt cao, trở nên vô cùng nóng bức khi nắng chiếu trực tiếp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch, thương mại của du khách, mà còn tác động đến sức khỏe người dân trên địa bàn.

Vì thế, vừa qua, Sở QH-KT TPHCM đã có văn bản báo cáo đến UBND thành phố về hoạt động cải tạo cảnh quan tại tuyến đường Lê Lợi. Để tạo hệ thống che mát nhân tạo phù hợp với không gian thương mại, mua sắm, đi bộ vỉa hè, đơn vị quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc TPHCM đề xuất mức kinh phí khoảng 30 tỷ đồng đầu tư lắp đặt mái che tại một số dãy nhà thuộc tuyến đường.

Theo đó, mỗi bên vỉa hè sẽ được thiết kế mái che có độ cao trung bình từ 5 - 6m, với kết cấu khung sắt, lợp mái tôn và đóng trần phía dưới. Mái che sẽ có chiều rộng vươn ra ngoài khoảng 4m.

Đại diện Phòng Quản lý quy hoạch khu vực 1, Sở QH-KT TPHCM cho biết, theo phương án đề xuất, TPHCM chỉ làm mái che ở một số khu vực dãy nhà kinh doanh thương mại, mua sắm nằm trong diện bảo tồn (khu nhà cổ) mà không hoàn toàn dựng mái che toàn bộ trục đường Lê Lợi.

Cụ thể, làm mái che dãy nhà phố đoạn từ đường Phan Bội Châu đến Nguyễn Trung Trực và đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur. Mỗi đoạn dài khoảng 30 - 50m, tùy theo điều kiện hoạt động kinh doanh.

Nhiều nhà cổ trên đường Lê Lợi (hướng ra từ Nguyễn Trung Trực) không có mái che dẫn đến nóng bức kéo dài.

Nhiều nhà cổ trên đường Lê Lợi (hướng ra từ Nguyễn Trung Trực) không có mái che dẫn đến nóng bức kéo dài.

Trồng cây sẽ ảnh hưởng đến Metro?

Trước đề xuất của Sở QH-KT TPHCM, một số người dân kinh doanh trên đường Lê Lợi thắc mắc, không rõ nguyên nhân vì sao các ngành chức năng lại đề xuất xây dựng mái che thay vì phủ xanh vỉa hè như trước.

Bởi trước khi khởi động Dự án Nhà ga Metro số 1, một phần vỉa hè trên đường Lê Lợi (cùng hướng chợ Bến Thành) từng trồng nhiều cây xanh.

Bàn luận về vấn đề này, ThS Vũ Đức Thuyết, thuộc Công ty Cổ phần Thiết kế xây dựng Phước Thịnh, cho biết, để đánh giá tính khả thi của đề xuất cần chú ý đến mục đích phục vụ cộng đồng cũng như công năng từ công trình.

Xét trên yếu tố thẩm mỹ, sự phù hợp giữa công trình với cảnh quan đô thị cũng cần được chú trọng. Nếu công trình hướng tới phục vụ thương mại, thúc đẩy mua sắm, tạo bóng mát cho người dân, mái che sẽ đáp ứng được các yêu cầu về tính cấp thiết (thời gian hoàn thiện), an toàn (kết cấu vững chắc), phù hợp với tình hình quy hoạch (giải pháp tạm thời).

Ngược lại, nếu vì mục đích tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sống, việc trồng cây phủ xanh sẽ là giải pháp được các ngành chức năng hướng đến.

Cũng theo ThS Vũ Đức Thuyết, bên dưới tuyến đường Lê Lợi có nhiều đoạn thuộc Dự án Nhà ga Metro số 1. Do đó, khu vực lân cận phía trên không cho phép trồng các loại cây to, cây cao, rễ bám sâu xuống đất. Thay vào đó, chỉ có thể trồng những cây xanh tầm thấp, sát tầm, không mang lại hiệu quả tối ưu trong việc che bóng mát.

Ngoài ra, đề xuất cũng phù hợp với quy hoạch sắp tới của thành phố. Đối với khu vực đường Lê Lợi là trục đường chính liên kết giữa nhiều công trình trọng điểm, bao gồm chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà hát TPHCM… cần có những chính sách phát triển phù hợp nhằm bảo đảm xây dựng đô thị thông minh, hiện đại nhưng không mất đi các giá trị truyền thống, cổ điển.

Trong đó, chợ Bến Thành cũng như một số khu nhà cổ trên đường Lê Lợi từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa, du lịch, thương mại nổi tiếng của thành phố. Việc trồng nhiều cây lớn, tán rộng, rễ sâu không chỉ ảnh hưởng đến Dự án Nhà ga Metro, mà còn gây nguy hiểm đến kết cấu các dãy nhà cổ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, giảng viên cao cấp Khoa Đô thị và Quản lý đô thị Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng, từ mặt đường Lê Lợi xuống hệ thống ngầm Metro số 1 có độ sâu chưa đến 3m, nên không phù hợp để trồng những loại cây lớn, có rễ bám.

Đường Gondo (TP Nagano, Nhật Bản) cũng đang sử dụng mái che thay vì phủ xanh bằng cây trồng.

Đường Gondo (TP Nagano, Nhật Bản) cũng đang sử dụng mái che thay vì phủ xanh bằng cây trồng.

Mái che bằng tôn gây tù túng, bí bách

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, đề xuất lắp đặt mái che là hoàn toàn khả thi. Vào năm 2018, Singapore từng đầu tư kinh phí khoảng 300 triệu SGD (hơn 5,2 nghìn tỉ đồng) nhằm hoàn thành 200km đường bộ có mái che. Qua đó, mô hình đã giúp kết nối nhiều điểm giao thông công cộng, bao gồm trường học, bệnh viện và các tiện ích khác.

Để đề xuất sớm đi vào thực tiễn và triển khai đạt hiệu quả, giảng viên Trường Đại học KHXH&NV TPHCM nhận định, cần tổ chức một cuộc thi thiết kế giữa các kiến trúc sư, nhà sáng tạo nhằm lựa chọn mẫu dự thi có chất lượng tốt nhất, được chuyên gia đánh giá cao nhằm đưa vào ứng dụng.

Không chỉ là mô hình được áp dụng rộng rãi tại Singapore, tại các quốc gia đề cao vấn đề bảo vệ môi trường như Hàn Quốc, Nhật Bản… việc sử dựng mái che tại các đô thị lớn cũng dần được đưa vào ứng dụng.

Anh Vũ Chí Quyết, nghiên cứu sinh về lĩnh vực môi trường thuộc Phòng nghiên cứu của Giáo sư Nakaya Takashi, Trường Đại học Shinshu (Nhật Bản), nhận định, do tính chất đặc thù, nhiều đường phố thương mại tại đất nước Mặt trời mọc cũng đang sử dụng mái che thay phủ xanh bằng cây trồng. Điển hình như khu phố Gondo (thành phố Nagano).

Mái che tại những khu vực này thường là các tấm lợp poly (Polycarbonate) trong suốt, có khả năng làm dịu ánh sáng, đồng thời giúp đường phố trở nên thông thoáng. Tuy nhiên, với chất liệu dự kiến mà Sở QH-KT TPHCM đề xuất (tôn), nghiên cứu sinh Nhật Bản quan ngại, các mái che sẽ khiến khu vực thương mại trở nên tù túng, bí bách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ