Phải hài hòa lợi ích riêng - chung trong việc khai thác phố đi bộ hồ Con Rùa

GD&TĐ - Dự thảo Đề án khai thác phố đi bộ hồ Con Rùa (Quận 3, TPHCM) đề xuất bố trí 5 khu vực chức năng chính.

Khu vực hồ Con Rùa được đề xuất mở phố đi bộ. Ảnh: Hồ Phúc
Khu vực hồ Con Rùa được đề xuất mở phố đi bộ. Ảnh: Hồ Phúc

Xây dựng khu vực Công trường Quốc tế - hồ Con Rùa trở thành tuyến phố đi bộ, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không gian ẩm thực sẽ góp phần phát triển kinh tế, văn hóa du lịch của Quận 3, TPHCM.

Tuy nhiên, các vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… khi triển khai cũng là những thách thức không nhỏ.

Không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Quận 3 là một trong những quận trung tâm của TPHCM với dân số khoảng 190 nghìn dân. Quận có thuận lợi về quy hoạch, kiến trúc đô thị; cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh; cảnh quan và bản sắc kiến trúc đặc trưng.

Đây cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử, các khu phố có sự giao thoa giữa văn hóa địa phương và quốc tế, hiện đại nhưng vẫn giữ được giá trị lịch sử, thu hút nhiều khách tham quan.

Khu vực này có nguồn nhân lực và tiềm lực kinh tế dồi dào, nhiều điều kiện mở rộng đầu tư, giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế. Do đó, việc hình thành các tuyến phố đi bộ sẽ góp phần nâng cao giá trị văn hóa lịch sử địa phương.

Dự thảo Đề án khai thác phố đi bộ hồ Con Rùa nêu ra 4 mục tiêu cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến việc kết nối khu vực cũng như vai trò của hồ Con Rùa đối với sự phát triển chung của Quận 3 và khu vực lân cận, bảo đảm thân thiện với môi trường, tạo không gian bình yên để nhân dân, du khách đọc sách, giao lưu, gặp gỡ… Đồng thời qua đó phát triển văn hóa lịch sử khu vực và kết hợp ẩm thực, xây dựng mô hình phát triển với đa dạng chủ đề để quảng bá và thu hút khách trong nước và quốc tế…

Dự thảo Đề án khai thác phố đi bộ hồ Con Rùa đề xuất bố trí 5 khu vực chức năng chính gồm: Khu vực lõi trung tâm “Hồ nước - công trình kiến trúc”; khu vực “Trình diễn”; khu vực “Văn hóa - Triển lãm”; khu vực “Ẩm thực” và khu vực “Giải trí”.

Tại Hội nghị phản biện dự thảo Đề án khai thác phố đi bộ hồ Con Rùa do Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ quận tổ chức mới đây, các ý kiến đều thống nhất cao chủ trương xây dựng, khai thác khu vực Công trường Quốc tế - hồ Con Rùa trở thành tuyến phố đi bộ, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không gian ẩm thực…

Bảo đảm sự hài hòa

“TPHCM đang có đề án xây dựng 22 tuyến phố đi bộ trong thời gian tới. Vì vậy, mỗi một phố đi bộ phải tạo được dấu ấn khác nhau, để người dân không cảm thấy nhàm chán. Đối với việc triển khai thực hiện tuyến phố đi bộ hồ Con Rùa, Quận 3 cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ, phải đặt mình vào người dân muốn gì, hưởng thụ gì. Đặc biệt, đề án phải xây dựng xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn”. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3

Bên cạnh đó, đại biểu cũng tập trung phản biện các vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vấn đề xây dựng khu ẩm thực, không gian văn hóa sách... khi triển khai, tổ chức thực hiện tuyến phố.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 - cho rằng, dự thảo Đề án khai thác phố đi bộ hồ Con Rùa vẫn chưa làm rõ và cụ thể hóa nhiều vấn đề như: Khu vực thực hiện, giao thông, vệ sinh… “Chẳng hạn như việc phân luồng giao thông chưa thực sự khả thi.

Bởi theo dự thảo đề án vị trí thực hiện phố đi bộ hồ Con Rùa gồm: Công trường Quốc tế - hồ Con Rùa (khu vực trung tâm), đường Phạm Ngọc Thạch (giới hạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Nguyễn Đình Chiểu), đường Trần Cao Vân - Võ Văn Tần (giới hạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Pasteur). Như vậy, việc cấm quá nhiều đường thì những đường dẫn về trung tâm TPHCM chắc chắn sẽ gây ra ùn tắc giao thông”, bà Trang nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Phát triển GD&ĐT phía Nam (Bộ GD&ĐT), mục tiêu đặt ra của đề án là tương đối phù hợp quy hoạch, đáp ứng yêu cầu định hướng khai thác phát triển kinh tế - xã hội của Quận 3 trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đề án chưa có các giải pháp cụ thể bám sát theo các mục tiêu đề ra, cả về trước mắt và lâu dài.

Đề án khi thực hiện cần tôn trọng giá trị lịch sử trong tổng thể cảnh quan chung khu vực, không chỉ là điểm nhấn hồ nước mà các địa điểm bao quanh, trong đó có tòa nhà cơ quan Bộ GD&ĐT gắn liền với quần thể công trình kiến trúc khu vực hồ Con Rùa.

Tòa nhà này cũng đang được Bộ GD&ĐT xem xét chủ trương đầu tư sửa chữa tổng thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của văn phòng đại diện của Bộ tại phía Nam.

Cũng theo ông Trường, qua nghiên cứu nội dung đề án cho thấy, chưa có thông tin việc phê duyệt phương án quy hoạch tại các khu chức năng; phương án kế hoạch phân luồng giao thông, đầu mối bảo đảm an ninh - trật tự, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ cảnh quan môi trường, thu gom xử lý rác thải - nước thải, bãi đỗ giữ xe...

Đề án cũng cần phân tích làm rõ ảnh hưởng của việc triển khai đề án đến các hoạt động bình thường của người dân đang sinh sống trong khu vực, trường học, cơ quan công sở các bộ, ngành… Cần có giải pháp phù hợp lâu dài đối với từng đối tượng, đặc biệt là hoạt động chức năng của cơ quan Nhà nước trên địa bàn.

“Việc xây dựng tuyến phố bảo đảm thân thiện với môi trường, tạo không gian yên bình để đọc sách, giao lưu, gặp gỡ phải được triển khai thành các nội dung cụ thể để làm sao “thân thiện môi trường”, “không gian yên bình”. Mặt khác, việc tổ chức giao thông phù hợp bảo đảm an toàn và kích thích nhu cầu đi bộ của người dân phải phù hợp với quy hoạch.

Tuy nhiên, trong đề án chưa phân tích và tìm giải pháp phù hợp giải quyết những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, việc đi lại của người dân sinh sống trong khu vực và hoạt động mang tính đặc thù của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn”, ông Trường bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.