Chuyên gia đề xuất ‘Xanh hoá’ chương trình đào tạo trong trường đại học

GD&TĐ - ‘Xanh hoá’ chương trình đào tạo là quá trình các cơ sở giáo dục phải vận động liên tục để phát triển nội tại và đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn.

Sinh viên Trường ĐH Công đoàn.
Sinh viên Trường ĐH Công đoàn.

Ngày 20/6, Trường ĐH Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Quản trị nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số”.

TS Nguyễn Đức Tĩnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị nhân lực cùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm; đồng thời chia sẻ các nghiên cứu chuyên sâu về quản trị nguồn nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số.

Thông qua hội thảo nhằm tạo sự kết nối giữa các nhà khoa học, quản lý và các chuyên gia với cơ sở đào tạo, người học. Qua đó, tăng cường nhận thức về lĩnh vực quản trị và sự thích ứng của nó trong bối cảnh hội nhập.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất một số định hướng nghiên cứu và giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng dạy, học và các hoạt động khác về quản trị nhân lực trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.

TS Nguyễn Đức Tĩnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu tại hội thảo.

TS Nguyễn Đức Tĩnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu tại hội thảo.

Đề cập đến vấn đề xanh hoá chương trình đào tạo; TS Ngô Quang Trường và ThS Lê Thị Phương Thảo, Trường ĐH Công đoàn nhìn nhận, đây không còn là vấn đề mới ở Việt Nam.

Tuy nhiên, về bản chất, xanh hoá chương trình đào tạo là quá trình mà các cơ sở giáo dục luôn phải vận động liên tục để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại, vừa đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đặt ra.

Việc lồng ghép những kiến thức về môi trường, kiến thức và kỹ năng xanh vào chương trình đào tạo phải đồng thời đảm bảo tính logic, sự kết nối giữa các module (học phần/chuyên đề) trong chương trình đào tạo; đồng thời giúp người học đạt được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và năng lực tự chủ, chịu trách nhiệm (chuẩn đầu ra) của chương trình đào tạo.

Theo TS Ngô Quang Trường và ThS Lê Thị Phương Thảo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị nhân lực ra trường có việc làm và thu nhập ổn định là minh chứng rõ nét cho thành công trong mục tiêu xanh hóa chương trình đào tạo.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Ứng dụng ChatGPT trong tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực xanh là tham luận của ThS - Dương Thị Lan Hương, Trường ĐH Công đoàn. ChatGPT có nhiều ứng dụng quan trọng trong việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực xanh.

Trong đào tạo, ChatGPT cung cấp các chương trình học tập cá nhân hóa, phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng nhân viên, đồng thời sử dụng các phương pháp hiện đại như video và trò chơi hóa để làm cho quá trình học tập trở nên hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, ChatGPT cung cấp hỗ trợ liên tục và phản hồi kịp thời, giúp nhân viên giải quyết các vấn đề học tập một cách hiệu quả. Nhờ những ứng dụng này, ChatGPT đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ban tổ chức, Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp. Ban tổ chức nhận được hơn 100 bài viết và đã chọn 76 bài đạt chất lượng đưa vào Kỷ yếu Hội thảo khoa học có chỉ số ISBN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.