Nhận đơm nút áo, vắt lai quần để theo nghề dạy học
Cô Mai kể, mình mơ được làm cô giáo từ nhỏ. Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo ở Tiền Giang, tuổi thơ không có đồ chơi đẹp, cô bé Mai khi đó thường lấy cây, ghế ngồi... làm học trò, “đồ dùng dạy học” là mấy mẩu phấn vụn cùng cánh cửa tôn cũ rích, để cứ học gì trên lớp là về nhà dạy lại y như vậy.
Ước mơ đó cứ lớn dần, trở thành động lực mạnh mẽ giúp Mai quyết không rời ghế nhà trường, dù hoàn cảnh nhiều lúc rất khó khăn và dù nhiều bạn cùng quê lần lượt nghỉ học. Để rồi cuối cùng, ước mơ đã trở thành hiện thực sau 4 năm miệt mài trên giảng đường Trường ĐH Sư phạm Cần Thơ.
Nhớ như in lúc mới vào nghề, đó là những năm 80, đất nước còn vô vàn khó khăn, cô Mai đã chứng kiến nhiều bạn đồng nghiệp không thể trụ vững, phải bỏ trường, bỏ lớp vì cơm áo, gạo tiền. Để tiếp tục theo đuổi nghề dạy học, cô lúc thì nhận đơm khuy áo, vắt lai áo, lai quần; lúc thì móc bao viết bằng len gửi bán ở các ki ốt... trang trải thêm cho cuộc sống.
“Chồng mình cũng làm cùng ngành nên khi đó kinh tế gia đình khó khăn ghê lắm. Giờ còn nhớ như in hình ảnh ông xã còng lưng phụ khuân sách cho công ty sách sau giờ làm việc mà vẫn thiếu trước hụt sau. Khi con đau bệnh, đi dạy xa nhà cũng có lúc thấy chùn lòng, nhưng chỉ một lúc thôi lại tự quyết tâm: Phải làm cô giáo hết cuộc đời này!” - cô Mai kể lại.
Khi theo chồng về Bến Tre, cô Mai được phân công vào Trường THCS Bình Phú, dạy môn Lịch sử và Giáo dục công dân cho khối 6 và 7; chồng cô cũng chuyển về làm công tác tổ chức cán bộ của Sở GD&ĐT. Chính tại ngôi trường này, cô Mai đã càng thêm yêu nghề dạy học với bao yêu thương của học trò và đồng nghiệp.
Một hoạt động ngoại khóa sôi nổi của các em HS Trường THPT chuyên Bến Tre |
Hãy tham vọng: Tôi sẽ dạy giỏi hơn!
Với sự ủng hộ của Sở GD&ĐT, Trường THPT chuyên Bến Tre được tuyển sinh lớp chuyên Lịch sử, nhưng số lượng tuyển vào rất ít. Năm học đầu tiên chỉ tuyển được 4 học sinh trên tổng số 23 chỉ tiêu; năm tiếp theo khá hơn, tuyển được 7 trên 17 chỉ tiêu... Đông nhất trong “lịch sử” lớp chuyên Sử của trường là 15 học sinh trong năm học 2014 - 2015 này.
Cô Mai đã đưa ra con số đó khi trải lòng về khó khăn trong nghề. Tuy nhiên, điều ấy không hề làm nhụt chí cô giáo dày dạn kinh nghiệm. Học sinh khối 12 chưa bao giờ đủ số lượng để lập đội tuyển dự thi cấp tỉnh thì cô “chiêu dụ” thêm học sinh lớp 11.
Khó khăn về “đầu vào”, nhưng chỉ trong 5 năm, số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp khu vực, học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, dưới sự dìu dắt của cô Mai đã lên tới con số gần 80 học sinh.
Trong đó, học sinh Thiện Anh - giải Nhất học sinh giỏi Lịch sử quốc gia năm 2012 - là thí sinh duy nhất ở miền Nam đạt 18 điểm và được về dự lễ vinh danh tại Quốc Tử Giám do Viện Sử học Việt Nam tổ chức lần đầu tiên.
“Cùng với nhân lực, công tác chuẩn bị luôn phải mang tính chiến lược, dài hơi. Thông thường, phân loại học sinh được thực hiện từ năm lớp 10, chú ý các em có năng lực và yêu thích bộ môn; sau đó phân công giáo viên theo dõi hướng dẫn. Việc bồi dưỡng trên lớp chỉ là nền kiến thức. Trong quá trình bồi dưỡng, điều vô cùng quan trọng là trang bị cho học sinh tinh thần tự học, tự nghiên cứu.
Nếu có học sinh ngoài trường chuyên trong đội tuyển, chúng tôi phân hóa học sinh, đưa về nhà luyện tập thêm miễn phí, chú ý sửa bài tập cho các em có khả năng đạt giải quốc gia theo dự tính của nhóm chuyên môn.
Tuy nhiên, cùng với các “chiêu thức” rèn đội tuyển, mình sẽ không thể thành công nếu thiếu sự hậu thuẫn của các đồng nghiệp và người bạn đời cùng chuyên môn” - cô Mai tâm sự.
Về bài học thành công, cô Mai cho rằng: Nếu muốn học sinh yêu thích Lịch sử, trước hết, người giáo viên cũng phải thực sự yêu môn học này; luôn lấy bài học “thất bại là mẹ thành công”, không lùi bước trước bất kỳ rào cản nào; không tự mãn trước thành công; đừng bao giờ bằng lòng với thực tại và hãy có chút tham vọng chính đáng là: Tôi sẽ dạy giỏi hơn.
“Dấu ấn” cô giáo chuyên Sử
Từ năm 2008 - 2015: Đào tạo 14 học sinh đoạt giải cấp quốc gia, 78 học sinh giỏi cấp tỉnh; Gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre (năm 2015); Gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Bến Tre (năm 2015); Được nhận các Bằng khen của: Thủ tướng Chính phủ (năm 2012); UBND tỉnh (5 năm); Liên Đoàn lao động tỉnh Bến Tre (6 năm); Công đoàn giáo dục Việt Nam (2 năm); Bộ GD&ĐT (2 năm); Chiến sĩ thi đua cơ sở (11 lần), 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Huân chương lao động Hạng 3 (năm 2013); Nhà giáo tiêu biểu (giai đoạn 2008 - 2013); Nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú (năm 2012); Được xét tặng giải Ý tưởng xanh (năm 2012); Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh từ năm 2006 - 2009; Nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành, cấp tỉnh; 2 giải Khuyến khích, 1 giải Ba hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; Hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học đoạt giải Nhì cấp tỉnh...
Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục...
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc.
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.