Chuyên gia chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học

GD&TĐ - Hôm nay (30/9), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm Chất lượng Giáo dục đại học.

Bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học phát biểu – Bộ GD&ĐT. Ảnh Kim Chi.
Bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học phát biểu – Bộ GD&ĐT. Ảnh Kim Chi.

Tọa đàm là cơ hội để các nhà giáo, nhà khoa học, các cán bộ quản lý của Trường xây dựng các tham luận, trao đổi các vấn đề xoay quanh “chất lượng giáo dục đại học”.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT cho biết: “Hiện nay, Dự thảo Khung chiến lược giáo dục đại học đang được lấy ý kiến rộng rãi. Khung chiến lược là khung căn cốt, trong đó đề cập, nhấn mạnh đến tối ưu hóa hệ thống, sắp xếp lại hệ thống một cách hiệu quả nhất; chiến lược về đòn bẩy tài chính – toàn bộ các cơ chế về chính sách tài chính cần có sự đổi mới căn bản, đi vào hiệu quả, có những KPI để đánh giá đúng, phân bổ nguồn ngân sách theo hiệu quả, tránh dàn trải, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các trường trọng điểm và các ngành mũi nhọn; chiến lược giáo dục đại học số.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh Kim Chi.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh Kim Chi.

Theo đó, mục tiêu là tăng số lượng; đảm bảo chất lượng tiệm cận với chuẩn quốc tế đối với những ngành; gắn đổi mới với hợp tác, nghiên cứu; thu hút nguồn lực của các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp; cơ chế chính sách toàn trong toàn hệ thống chứ không chỉ dừng ở một số trường thí điểm.

“Chính vì thế, chúng tôi nghĩ rằng những giải pháp về mặt cơ chế sẽ tạo khuôn khổ, đồng thời các trường cũng sẽ có sự thay đổi phát triển trong nội tại, cải thiện về quản trị, về cơ chế chính sách bên trong gắn với đào tạo chuyển giao.

Như vậy rất nhiều yếu tố tổng hòa vào thì mới có thể đẩy mạnh được sự đổi mới phát triển của giáo dục đại học. Tự chủ đại học là một cơ chế vô cùng quan trọng, là động lực thúc đẩy giáo dục đại học. Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, năng lực tự chủ, khả năng tự quyết của các trường sẽ tạo sự chuyển biến của giáo dục đại học”, bà Thủy nói.

Còn theo ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục Quốc hội: “Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong số ít những cơ sở giáo dục đại học tham gia các hệ thống đánh giá xếp hạng và khẳng định được vị thế của mình ở khu vực và thế giới. Trong những năm qua, nhà trường luôn kiên định giữ vững chất lượng, đồng thời tiến hành đổi mới mạnh mẽ trên tất cả các mặt nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người học, mong đợi của xã hội trong bối cảnh mới nền kinh tế số và hội nhập quốc tế”.

Với chiến lược đúng đắn về phát triển đào tạo chất lượng cao, nhà trường đã đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp nhằm thực hiện các chính sách, giải pháp thu hút, tuyển dụng người giỏi về làm cán bộ, giảng viên viên trong nhà trường. Hiện nhà trường có hơn 75% giảng viên có trình độ tiến sĩ, đứng đầu trong các cơ sở giáo dục của cả nước và vượt xa tỷ lệ chung của toàn ngành.

Nhiều chương trình đào tạo tiên tiến, nâng cao chất lượng Elitech tiếp cận chuẩn mức quốc tế trong đào tạo các ngành kỹ thuật và công nghệ được nhà trường triển khai hiệu quả trong đó có nhiều chương trình đào tạo mới thuộc lĩnh vực ưu tiên hàng đầu như: khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, phát triển năng lượng xanh...

Theo đó, số lượng công trình công bố quốc tế ở các tạp chí Scopus và ISI, số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích của nhà trường không ngừng tăng trong những năm gần đây.

Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục Quốc hội. Ảnh Kim Chi.

Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục Quốc hội. Ảnh Kim Chi.

“Với sự nỗ lực bền bỉ, tận tụy cống hiến của các cán bộ, giảng viên cho sự nghiệp phát triển tri thức và đào tạo, nhà trường đã cung cấp cho đất nước hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp – những người đã và đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, giáo dục và đào tạo”, ông Vinh nói.

Bên cạnh những thành tích đạt được, theo ông Vinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cần có các giải pháp như: Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị; Xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao; Đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất, chi phí cho nghiên cứu khoa học, đào tạo...

Tăng cường các công trình nghiên cứu khoa học, đổi mới, ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học, sau đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ