Bước đi mới đây của chính quyền Pristina đã gây ồn ào trên lãnh thổ Nam Tư cũ, khi người đứng đầu Cộng hòa Kosovo tự xưng - ông Vyosa Osmani, Thủ tướng Albin Kurti và người phát ngôn của "quốc hội" Glauk Konyuftsa đã long trọng ký vào đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), văn bản trên sẽ sớm được chuyển tới Brussels.
“Các nhà chức trách lâm thời ở Pristina đang nộp đơn xin gia nhập EU. Thoạt nhìn, bước đi trên giống như một sự bắt chước... Vùng đất này không phải là thành viên của Liên hợp quốc, việc gia nhập EU hoàn toàn phớt lờ Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Lisbon"...
"Tôi thậm chí đang phải tự hỏi bản thân có thể đăng ký với NASA để lên mặt trăng hay không?”, Thứ trưởng Ngoại giao Serbia Starovich viết trên trang Twitter của mình.
Chính quyền Kosovo đã bày tỏ tham vọng được kết nạp vào Liên minh châu Âu |
Trước diễn biến trên, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitExpert, ông Vladimir Bruter - một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính trị và Nhân đạo Quốc tế đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý.
Ông Bruter đã giải thích lý do tại sao Kosovo lại gây chú ý với việc xin gia nhập Liên minh châu Âu ngay tại thời điểm này, trong bối cảnh xung đột với Serbia leo thang. Nhà phân tích tin rằng tín hiệu đến từ Brussels, nơi các chính trị gia phương Tây đang chơi trò chơi của mình trên lãnh thổ Nam Tư cũ.
“Tổng thống Vučić của Serbia lẽ ra phải suy nghĩ sớm hơn, hiện tại tình hình đã trở nên vô cùng bất lợi cho ông ấy, và tất nhiên không ai ở châu Âu để ý đến lời nói của nhà lãnh đạo này".
"Không nguyên thủ quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu tin rằng Tổng thống Vučić có thể bắt đầu một số hoạt động quân sự chống lại người Albania ở Kosovo, từ đó họ sẽ cho rằng ông ta đồng ý với bất kỳ nhượng bộ tối thiểu nào, chấp nhận trong tương lai sẽ mất tất cả, nhưng không nhất thiết phải diễn ra ngay lập tức", người đối thoại của tờ PolitExpert nhận xét.
Tuy nhiên đơn xin gia nhập EU của Kosovo - như kinh nghiệm của các quốc gia khác trong danh sách chờ cho thấy không có bất cứ điều gì đảm bảo. Chuyên gia Bruter cho rằng đơn giản là các quan chức châu Âu cần phải chọc tức Belgrade cũng như giải quyết các vấn đề của họ trong khu vực, và điều gì sẽ xảy ra với Kosovo là câu hỏi thứ hai.
“Kosovo - tất nhiên có một số mục tiêu nhất định, đó là phải đạt thỏa thuận với Serbia, giúp họ được đặt vào tư cách của một ứng cử viên. Điều đó cho thấy rằng vùng đất này có thể được chấp nhận trong thời gian nhất định, hoặc vẫn duy trì tình trạng trên mà không có thông báo bác bỏ. Đây là phương pháp yêu thích của bộ máy hành chính Brussels”, chuyên gia người Nga tổng kết.
Chính quyền Serbia phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn do hoạt động của cảnh sát Cộng hòa Kosovo tự xưng tại các khu vực có người gốc Serbia sinh sống. Trước tình hình trên, thậm chí đã xuất hiện gợi ý rằng Belgrade có thể bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của riêng mình ở Kosovo nhằm bảo vệ người dân.