Chuyên gia cao cấp của ADB: Các dự án giáo dục Việt Nam đã rất thành công

GD&TĐ - Bà Eiko K.Izawa – chuyên gia giáo dục cao cấp Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - đã có những nhận định hết sức tích cực về giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây; đồng thời khẳng định giáo dục là mảng đầu tư thành công của ADB.

Chuyên gia cao cấp của ADB:  Các dự án giáo dục Việt Nam đã rất thành công

Bà có nhận xét thế nào về những tiến bộ của giáo dục Việt Nam những năm gần đây? Theo bà, đâu là những kết quả quan trọng?

Có thể nói, chất lượng giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Tôi muốn nói đến 3 lĩnh vực chính khi triển khai dự án giáo dục ở Việt Nam là: Tiếp cận hệ thống giáo dục, tăng cường chất lượng và quản lý hệ thống giáo dục.

Với lĩnh vực đầu tiên là tiếp cận hệ thống giáo dục, gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng như ADB có sự đầu tư lớn và tăng cường hệ thống tiếp cận giáo dục cho Việt Nam.

Do đó, học sinh các bậc học, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo có cơ hội được tiếp cận với giáo dục; học sinh vùng nông thôn, tỷ lệ tiếp cận giáo dục rất cao; cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học ngày càng mở rộng hơn.

Về chất lượng giáo dục, trên quan điểm so sánh quốc tế, tôi thấy chất lượng giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Khác với tiếp cận giáo dục chúng ta đặt mục tiêu 100% học sinh được đi học, thì chất lượng giáo dục không có mức đo lường cuối cùng. Để tăng cường chất lượng, việc cần thiết là tăng cường các hệ thống kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đổi mới. Với sự hỗ trợ của ADB, Việt Nam đã 2 lần tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA và đạt kết quả rất tốt (năm 2012 và 2015).

Cụ thể, kết quả đánh giá PISA năm 2012, Việt Nam đứng trong top 20 nước có điểm chuẩn các lĩnh vực Toán, Đọc hiểu, Khoa học cao hơn điểm trung bình của OECD. PISA năm 2015, lĩnh vực Khoa học Việt Nam đứng thứ 8; lĩnh vực Toán học Việt Nam đứng thứ 22; lĩnh vực Đọc hiểu là 32. Với kết quả tích cực như vậy, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia kỳ đánh giá PISA năm 2018 và năm 2021 tới.

Về năng lực quản lý đã cải thiện, nhưng ở các vùng nông thôn và các vùng khó khăn còn có hạn chế nhất định.

Vậy còn về những dự án giáo dục sử dụng vốn vay của ADB, bà đánh giá thế nào về hiệu quả của những dự án này?

Có thể nói, so với các quốc gia khác, dự án giáo dục Việt Nam đã được triển khai thực hiện thành công. Nếu so sánh với các mảng dự án của ADB thì dự án giáo dục cũng được đánh giá là mảng đầu tư thành công. ADB đã làm việc hết sức nỗ lực với các dự án. Tuy nhiên, cần có sự cam kết, hỗ trợ từ phía Chính phủ để thực hiện thành công mục tiêu cuối cùng.

Đặc biệt, năm 2016, ADB Việt Nam đã tiến hành lựa chọn dự án có thành tích tốt nhất và dự án được lựa chọn chính là một dự án về giáo dục – Dự án Phát triển giáo dục trung học phổ thông giai đoạn 2. Việc lựa chọn dự án dựa trên tiêu chí thực hiện và chất lượng hoàn thành dự án đó.

Bà có so sánh gì về sự tiến bộ của giáo dục Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á, ASEAN và các nước đang phát triển khác trên thế giới?

Tôi cho rằng, các dự án giáo dục của Việt Nam đã được thực hiện rất thành công. Lý do thành công, theo tôi là bởi Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết đầu tư nghiêm túc với giáo dục và đào tạo; đặc biệt, các phụ huynh học sinh cũng sẵn sàng đầu tư hết mình cho giáo dục.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, riêng về giáo dục dạy nghề, ở các quốc gia khác có những bước phát triển hơn so với Việt Nam. Lý do dạy nghề Việt Nam không theo kịp quốc gia khác, có thể do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không nhiều.

Dựa trên những hiện trạng đưa ra trên đây, bà có ý kiến tham vấn nào đưa ra cho Bộ GD&ĐT trong việc lập kế hoạch phát triển giáo dục trong kế hoạch trung hạn, dài hạn?

Phía Bộ GD&ĐT cần phải tăng cường phát triển hệ thống mục tiêu phát triển giáo dục trong trung hạn và dài hạn một cách có chiến lược. Đặc biệt, thời gian tới, Việt Nam sẽ ra khỏi danh sách các quốc gia có thu nhập thấp, được nhận hỗ trợ từ ODA. Trong khi đó, theo tôi được biết, phía Việt Nam cũng đang hạn chế về ngân sách Chính phủ trong chi tiêu công.

Tôi hy vọng, Chính phủ Việt Nam vẫn sẽ kiên quyết theo đuổi các chính sách hiện tại của mình về đầu tư; dựa trên chiến lược phát triển trung hạn và ngắn hạn đã đề ra. Vì có một nguyên tắc hữu ích là đầu tư vào giáo dục là đầu tư ổn định về lâu dài. Riêng với dạy nghề, theo tôi, để dạy nghề Việt Nam có thể phát triển hơn, Việt Nam nên đầu tư vào các kỹ năng nghề quốc tế và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Xin cảm ơn bà!

“Nhìn chung, theo đánh giá của cá nhân tôi, các dự án giáo dục của Việt Nam đã được thực hiện thành công. Đây là đánh giá hoàn toàn dựa trên khách quan, không phải bởi tôi là chuyên gia về giáo dục, bởi tôi không chỉ phụ trách dự án giáo dục của Việt Nam, mà còn phụ trách mảng giáo dục các quốc gia khác nữa”. Bà Eiko K.Izawa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.