Chuyển đổi số: Thời cơ và thách thức đối với nhà giáo

GD&TĐ -Chiều 24/6, Công đoàn Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội) tổ chức Toạ đàm với chủ đề “Chuyển đổi số: Thời cơ và thách thức đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động”.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

ThS Phạm Tiến Dũng – Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Giao thông vận tải - nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Điều đó yêu cầu mỗi quốc gia, mỗi tổ chức đều phải có bước đi phù hợp để thích ứng. Một trong những cách đó là thực hiện chuyển đổi số.

Đứng trước bối cảnh chuyển đổi số, Trường ĐH Giao thông vận tải đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để thực hiện chuyển đổi số như: cải tạo hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị phần mềm quản lý, đào tạo nhân lực…

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia chia sẻ nhiều ý tưởng, kinh nghiệm trong chuyển đổi số; đồng thời nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, Ban chấp hành công đoàn sẽ tập hợp và báo cáo nhà trường để tham khảo, nghiên cứu và có bước điều chỉnh phù hợp với điều kện thực tế.

Các đại biểu trao đổi tại Toạ đàm

Các đại biểu trao đổi tại Toạ đàm

Nhấn mạnh, chuyển đổi số đã được đặt ra cách đây khoảng 10 năm; PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải – khẳng định: Nhà trường đã và đang từng tiếp cận để thích ứng với chuyển đổi số.

Hơn 2 năm qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhà trường đã áp dụng và triển khai hiệu quả chuyển đổi số. Nhờ vậy, công tác đào tạo và các hoạt động của nhà trường được duy trì, không bị đứt gãy.

Chẳng hạn như: Nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng kế hoạch đào tạo, điều hành, quản lý trang thiết bị, cơ sở vật chất… Hiện, sinh viên của trường đăng ký học tập, nộp học phí đều được áp dụng theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, nhà trường đang đẩy mạnh số hoá tài liệu nhằm tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên của trường tra cứu học liệu mọi lúc, mọi nơi.

“Có thể nói, chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ” - PGS.TS Nguyễn Thanh Chương nhìn nhận, đồng thời đặt vấn đề: mỗi cán bộ, giảng viên cần tự trả lời câu hỏi: mình đang ở đâu, làm gì trong quá trình chuyển đổi số? Khi đó, mọi người sẽ tự xác định được vị trí việc làm và sẽ biết mình phải làm gì!

Theo TS Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), chuyển đổi số hỗ trợ đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi và cá nhân hoá việc học. Qua đó, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.

TS Tô Hồng Nam trao đổi, chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo tập trung vào hai nội dung chủ đạo là: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy – học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.

Ngành Giáo dục xác định, ứng dụng công nghệ thông tin là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.

Bà Trần Thị Chang - đại diện Công ty Google tại Việt Nam tham luận tại hội thảo

Bà Trần Thị Chang - đại diện Công ty Google tại Việt Nam tham luận tại hội thảo

TS Tô Hồng Nam cho rằng, điều kiện để đảm bảo cho chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo là cần có cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi trong toàn ngành Giáo dục. Ngoài ra, nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất phải được trang bị đồng bộ, đảm bảo việc quản lý dạy – học được thực hiện bình đẳng giữa các địa phương, nhà trường.

Cùng với đó, cần bồi dưỡng đội ngũ nhân lực, gồm: cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, học viên, sinh viên có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trước hết là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy – học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ