Chị Thanh Hà, bà mẹ có cách dạy con đặc biệt này cho biết, ngay từ lúc các con còn nhỏ chị đã muốn dạy con tự lập, khôn lớn bằng những va chạm thực tế với bên ngoài.
Chẳng hạn khi con bước vào tuổi đi học, chị đã đến gặp cô giáo của con, để "nhờ" cô giao cho con những công việc của lớp như một hình thức giúp con có trách nhiệm. Và cậu bé được phân công việc chia thịt cho các bạn khi ăn, đồng thời "giám sát" và nhắc bạn cất chăn gối sau giờ ngủ trưa.
Bà mẹ 3 con cho hay, chị thấy đứa trẻ nào cũng luôn muốn được coi như người lớn, được tôn trọng và làm những việc khiến người khác vui, vì thế chị muốn giao cho con các nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi.
Gia đình chị có thói quen trước giờ ngủ mọi người sẽ đọc sách, ban đầu mẹ đọc cho con nghe, một thời gian sau chị đọc một trang rồi khuyến khích con đọc một trang, tiếp đó mẹ "vờ" mệt hay buồn ngủ và con rất hào hứng đọc cho mẹ nghe. Khi đi chơi, chị cũng hay tỏ ra "nhỏ bé" để các con được giúp mẹ xách đồ, chứng tỏ vai trò của mình với thành viên khác trong gia đình.
Với quan điểm "muốn giỏi hay làm được bất cứ việc gì thì đều cần có thể lực tốt, ai khỏe sẽ làm được nhiều việc hơn", đồng thời rèn luyện cho con khả năng vượt khó, kiên trì với mục tiêu của mình, chị Hà đặt việc rèn luyện sức khỏe cho con lên hàng đầu.
Ngay từ khi các con 5 tuổi, chị đã đưa bọn trẻ đi học bơi. Từ đó, cứ 5 giờ sáng là bố mẹ gọi các con dậy, dù đông hay hè, kể cả ngoài trời dưới 10oC, bọn trẻ đều đến bể bơi.
Muốn dạy con biết tự đứng bằng đôi chân mình, chị đã khuyến khích để các con hướng tới mục tiêu trở thành người tốt, có ích cho xã hội, biết hòa nhập với môi trường sống và cảm thấy hạnh phúc trong môi trường ấy.
Kỷ niệm người mẹ này nhớ mãi là lần "bỏ con" một mình trên đất Mỹ khi cậu con đầu 10 tuổi. Chị kể, năm 2006, chị có khóa học ở Hawai và đưa con đi cùng chỉ vì muốn để con được mở mang tầm mắt.
Nhưng sau khi khóa học của mẹ kết thúc, khóa học của con còn kéo dài 4 tuần nữa, chị quyết định cho con ở lại Mỹ, còn mình quay về nước. "Đấy thực sự là thời điểm khó khăn với tôi. Nhưng may mắn, việc làm đó đã mang lại quả ngọt" - Chị chia sẻ.
Ở Việt Nam, mọi người vẫn thường nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, có lẽ bởi người phụ nữ bao giờ cũng dễ mềm lòng trước con cái, thấy con đau, con khóc là cảm thấy xót xa, bứt rứt và luôn muốn làm mọi cách để chiều con.
Tư duy ấy kéo dài qua nhiều thế hệ, đến nỗi nếu một bà mẹ Việt nào đó áp dụng những phương pháp dạy con tự lập sớm thì sẽ bị quy kết là “tàn nhẫn”.
Thậm chí, nếu sống chung với ông bà, sự “tàn nhẫn” ấy còn có thể nhận được sự trách móc, giận dỗi từ các bậc tiền bối vì dám đối xử “không dịu dàng” với cháu của họ.
Chị Hà là một trong số những bà mẹ tiến bộ, dám “đẩy con ra khỏi sự bao bọc” từ khi còn nhỏ. Và hiện tại chị đã bắt đầu thu được quả ngọt, con trai lớn chuẩn bị vào một trường đại học uy tín bên Mỹ, con trai thứ hai đang học THPT Hà Nội – Amsterdam cũng chuẩn bị đi Mỹ du học, cô út vừa vào tiểu học.